Nếu yêu con, đừng quyết định mọi việc thay con

01/11/2016 - 07:10
Nếu các cha mẹ thực sự yêu con, mong mỏi con hạnh phúc thì hãy để con được đứng trên đôi chân của chính mình.
t-lp-1.jpg
Cha mẹ đừng làm thay con, đừng quyết định hộ con, hãy để con đối diện với những khó khăn. Ảnh minh họa internet.

Khi sinh con, cha mẹ vô cùng nâng niu. Lâu dần, em bé đã trở thành một nhân vật quan trọng không thể thiếu được trong lòng mỗi thành viên của gia đình. Vấn đề sẽ không phải là to tát nếu như em bé đó trưởng thành như người lớn, có lòng tự trọng cao vút, có chính kiến, có niềm tin sắt đá, có khả năng nói và làm... Khi đó, em bé sẽ rất hiểu những gì cha mẹ nghĩ và làm. Em bé đó cũng có tính tự lập cao để không phụ thuộc vào cha mẹ.

Nhưng, em bé sơ sinh đó lại hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ. Đầu tiên là những việc đơn giản mà không thể thiếu được như ăn, ngủ, vệ sinh… Không có ti mẹ, em bé không có gì để ăn cả. Rồi bé sơ sinh đó không tự dậy được, không tự thay bỉm, không tự lo được gì cho bản thân. Từ việc chăm sóc bé, cha mẹ quyết định mọi thứ cho bé.

Rồi đến khi bé thành thiếu nhi, mọi việc vẫn do cha mẹ quyết định. Con học ở đâu, học trường nào, con sẽ chơi gì, học môn ngoại khóa nào,… tất cả đều do cha mẹ quyết định.

Rồi cuối cùng thì bé sơ sinh ngày xưa cũng lớn, trở thành những chàng trai, cô gái trưởng thành và sẽ phải tự lo lắng cho cuộc sống riêng tư. Lúc này, cha mẹ chuẩn bị về già bỗng tự nhiên trở thành ông bà già lẩm cẩm, lắm chuyện và các mối quan hệ trở nên rối tung, tại sao vậy?

Khi cha mẹ tham gia vào một quyết định nào đó của con, thay vì thái độ lắng nghe và làm theo như hồi còn nhỏ, con lại tỏ ra khó chịu, mệt mỏi và muốn chống đối.

Khi cha mẹ đưa ra lời khuyên nhủ con thì thái độ của con không phải là trân trọng mà là bực bội và bất cần.

Đây chính là lúc cha mẹ hãy trả lại con về với cuộc đời. Con đã lớn, đã có thể tự quyết định. Việc níu kéo con, quyết thay con, chỉ làm cho con thấy mệt mỏi hoặc làm cho con thụ động, thiếu quyết đoán.

Điều này thật sự không đơn giản vì thói quen của cha mẹ là điều khiển và ra lệnh.

Các em bé đều là những thiên thần mà ông trời đã cho chúng ta mượn để hưởng hạnh phúc được làm cha, mẹ. Đến khi các em bé lớn, chúng ta phải trả các thiên thần về với cuộc đời để các thiên thần đó lại trở thành cha mẹ và tiếp tục đón nhận niềm vui từ các thiên thần bé bỏng của chính chúng. Nếu lúc này chúng ta tiếp tục o ép, sắp đặt, đòi hỏi,... cuộc sống của con cái chúng ta sẽ biến thành địa ngục.

t-lp-2.jpg
Cha mẹ hãy chuẩn bị tư tưởng cho con được đứng trên đôi chân của mình. Ảnh minh họa internet.

Bé sơ sinh ngày xưa của chúng ta giờ phải quyết đoán, phải có niềm tin vào cuộc sống, phải biết sắp đặt, lo toan mọi thứ cho cuộc sống của mình. Nếu em bé đó bị điều khiển, đương nhiên em bé đó sẽ ỉ lại, sẽ thiếu quyết đoán. Nhiều bé còn hành xử không ra sao, để cha mẹ chịu đựng hậu quả. Cũng có nhiều bé bị bố mẹ hành hạ vì sự phụ thuộc của cha mẹ vào con cái.

Tôi biết có nhiều cha mẹ cho rằng: Con cái là phải có hiếu, chăm sóc, chia sẻ.... với cha mẹ. Điều đó là đúng. Tuy nhiên, nếu các cha mẹ thực sự yêu con, thực sự mong mỏi con hạnh phúc, các cha mẹ hãy nhìn xem:

- Con trai mình có thật sự hạnh phúc khi luôn phải đứng giữa hai chiến tuyến là mẹ và vợ?

- Các con mình có thật sự rảnh rang để làm việc và phát triển nếu như nó luôn phải canh cánh lo cho việc ăn ngủ, vui chơi, buồn vui tâm sự của bố mẹ nó (khi mà bố mẹ nó chưa thật sự già nua?!).

- Con gái mình có thật sự vui vẻ nếu như suốt ngày được mẹ triệu tập tới để nghe nói xấu về chị dâu hoặc em dâu?!

- Con mình có thật sự quyết đoán và thành công nếu như việc gì cha mẹ cũng đòi phải báo cáo và tham gia ý kiến?! Nhất là khi chúng ta đã không còn cập nhật thông tin tốt như đám trẻ nữa.

Nếu các cha mẹ đã có câu trả lời, hãy chuẩn bị tư tưởng cho con được đứng trên đôi chân của nó.

Hãy chuẩn bị cho con được sống thật sự với cuộc sống của nó.

Hãy chuẩn bị cho con đương đầu với với khó khăn của nó.

Hãy chuẩn bị cho con sắp đặt và lo lắng cho con đường mà con sẽ phải đi.

Đừng làm phiền tới con. Hãy trao cho con cuộc sống thật sự.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm