Ngã xe đạp điện, người đàn ông bị rơi thủy tinh thể

An Khê
01/10/2023 - 08:41
Ngã xe đạp điện, người đàn ông bị rơi thủy tinh thể

Các bác sĩ đang tiến hành thăm khám cho bệnh nhân

Chiếc xe đạp điện mất phanh lao nhanh xuống dốc khiến Nguyễn Duy Thịnh (31 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) ngã đập mặt xuống lòng đường, mắt bên phải bị rơi thủy tinh thể buộc phải phẫu thuật gấp, nếu không có thể mù vĩnh viễn.

Dễ bị chấn thương nếu va đập

Thịnh cho biết, chiều hôm đó trên đường đón con gái từ trường mẫu giáo, đến đầu dốc gần nhà bất ngờ có chiếc ô tô đi ngược chiều. Chiếc xe đạp điện mất phanh chở hai bố con lao vun vút xuống dốc. Vì không dừng lại được nên Thịnh đành ôm con vào lòng và bỏ xe. May mắn con gái chỉ bị trầy xước nhẹ, còn mặt Thịnh bị đập mạnh xuống lòng đường.

Ngã xe đạp điện, người đàn ông bị rơi thuỷ tinh thể  - Ảnh 1.

Bệnh nhân Nguyễn Duy Thịnh trước khi phẫu thuật do bị sa thủy tinh thể

Đưa vào viện cấp cứu, Thịnh được khâu 10 mũi ở mắt và 5 mũi ở mũi, mắt cũng bắt đầu nhìn mờ hơn. Kiểm tra chuyên sâu, bác sĩ phát hiện mắt phải của Thịnh đã bị rơi thủy tinh thể trong buồng dịch kính, cần phải phẫu thuật sớm nếu không sẽ mất hoàn toàn thị lực.

"Mắt trái của em thị lực chỉ còn bóng bàn tay, giờ mắt phải lại gặp chấn thương thế này, em không biết sau này chăm sóc con gái như thế nào nữa", Thịnh nghẹn ngào.

Ths.Bs Mai Thị Anh Thư (Bệnh viện Mắt Hà Nội 2) cho biết, bệnh nhân Nguyễn Duy Thịnh bị cận loạn thị nặng từ bé do ảnh hưởng bởi gene di truyền khiến nhãn cầu có kích thước lớn hơn và lồi mắt hơn hẳn so với mắt người bình thường. Vì vậy, khi xảy ra va chạm, mắt bệnh nhân rất dễ chấn thương nặng.

Trước đó, bệnh nhân đã phẫu thuật thay thủy tinh thể cả 2 mắt năm cách đây hơn 10 năm. Do cấu trúc mắt cận thị cao dẫn đến tình trạng thoái hóa võng mạc, mắt trái của Thịnh đã bị bong võng mạc gần như mất chức năng, thị lực chỉ còn bóng bàn tay. Mắt phải gặp chấn thương bị rơi thủy tinh thể nhân tạo vào buồng dịch kính, nếu không phẫu thuật gấp thì bệnh nhân sẽ bị mù vĩnh viễn.

Cẩn trọng với mắt "yếu"

Ths.Bs Anh Thư cũng cho biết thêm, thủy tinh thể là một phần quan trọng của mắt, giúp ánh sáng vào mắt qua thủy tinh thể hội tụ đúng điểm trên võng mạc, từ đó có thể nhìn rõ vật hơn.

Trường hợp bị rơi (sa) thủy tinh thể là khi toàn bộ dây chằng Zinn (hệ thống những sợi cấu trúc dạng gel, nối liền từ vùng ngoại biên thể thủy tinh đến mi) bị đứt, thể thủy tinh có thể rơi tự do về phía sau, rơi vào buồng dịch kính, hoặc sa ra phía trước về phía tiền phòng hoặc ra ngoài nhãn cầu.

Khi bệnh nhân bị rơi thủy tinh thể cần được chỉ định phẫu thuật càng sớm càng tốt, tránh biến chứng nguy hiểm gây mất thị lực. Việc phẫu thuật được thực hiện để ngăn biến chứng và mang lại một phần thị lực nên tuyệt đối không để khi nào xảy ra biến chứng mới phẫu thuật.

Vì vậy, Ths.Bs Anh Thư khuyến cáo khi phát hiện bất thường ở mắt, đặc biệt là trên những mắt "yếu" như cận thị cao, mắt đã từng có can thiệp ngoại khoa, có chấn thương cũ… người bệnh nên thăm khám chuyên sâu để xác định chính xác tình trạng bệnh và có phương án xử lý phù hợp. Các trường hợp cần theo dõi nên khám định kỳ để tránh nguy cơ biến chứng mới phẫu thuật. 


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm