‘Ngành giáo dục không mạnh dạn đối diện sự thật!’

30/05/2019 - 16:04
Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) đã thẳng thắn chỉ ra ba vấn đề tiêu cực của ngành giáo dục mà ông cho rằng những gì đang diễn ra gần đây khiến người dân vô cùng lo lắng, đôi khi nghi ngờ về chính sách thuộc “quốc sách hàng đầu” của đất nước.

Phiên thảo luận về kinh tế - xã hội diễn ra chiều 30/5 tiếp tục được một số đại biểu quan tâm về vấn đề giáo dục. Không ngần ngại chỉ ra những vấn đề bức xúc đối với ngành giáo dục thời gian gần đây, đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) cho rằng ngành giáo dục phải nhìn thẳng sự thật và đối diện với điều đó thì mới có thể phần nào giải quyết vấn đề.

Theo ông, có ba vấn đề được cho là nổi cộm, khiến người dân cảm thấy nghi ngờ về hiệu quả thực hiện “quốc sách hàng đầu” của đất nước.

giang.jpg
ĐB Thái Trường Giang mạnh dạn chỉ ra ba vấn đề tiêu cực nổi cộm của ngành giáo dục. Ảnh: VPQH 

Một trong những vấn đề đầu tiên nổi cộm chính là bệnh thành tích mà theo đại biểu này là không những không giảm mà còn gia tăng do ngành giáo dục đưa ra những giải pháp mang hiệu quả thấp. Nguyên nhân là do ngành chưa dám đối diện với sự thật để làm cho việc học đạt hiệu quả thực chất, phản ánh đúng thực trạng.

“Thực chất sao được, không phải là bệnh thành tích sao được khi cả lớp có 43 học sinh thì có đến 42 em đạt loại giỏi, chỉ duy nhất 1 em đạt khá? Còn bao nhiều trường hợp như vậy? Theo tôi là có rất nhiều, nếu chúng ta tiến hành cuộc khảo sát. Nền giáo dục bây giờ tìm được một học sinh yếu, kém khó như mò kim đáy biển!” – ông chua chát.

Vấn đề thứ hai theo đại biểu Thái Trường Giang là sự xuống cấp của mối quan hệ thầy trò, ngày càng lỏng lẻo, đạo đức suy giảm. Nhiều vụ việc xảy ra gần đây, theo ông chỉ như “hạt sạn” hạt sạn trong mối quan hệ cao quý từ bao đời nay, nhưng là hồi chuông cảnh báo, để những người có trách nhiệm phải suy nghĩ và có giải pháp hành động.

“Làm thầy mà ko dám cư xử với học trò của mình theo kiểu “thương cho roi cho vọt”. Trước đây, thầy cô thể phạt học áp măt vào tường, quỳ gối… để làm cho các em ngoan hơn, nên người hơn, còn bây giờ thì sao? Để giải quyết, thì nhà trường, gia đình phải phối kết hợp với nhau, củng cố mối quan hệ thầy trò vô cùng đẹp đẽ vào cao thượng đó!” – ông nhìn nhận.

Vấn đề cuối cùng được đại biểu Giang nhấn mạnh chính là bê bối gian lận thi cử rúng động dư luận năm 2018. Đại biểu này cho rằng, vụ việc là “giọt nước tràn ly” buộc ngành giáo dục phải xem xét lại thực chất của việc nhập hai kỳ thi làm một, xem lại phương pháp coi thi, chấm thi…

20_qrab.jpg
Cơ quan chức năng bắt tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với các đối tượng liên quan đến vụ án gian lận thi cử tại tỉnh Sơn La 

Đánh giá về mức độ tiêu cực thi cử, ông Trường Giang cho rằng trước đây chỉ diễn ra vụ việc nhỏ lẻ, nhưng nay đã chuyển thành gian lận có tổ chức, quy mô hơn, tinh vi hơn và diễn ra ở nhiều địa phương do những người có chức, quyền, tiền và thế lực trong và ngoài ngành giáo dục thực hiện.

“Gian lận thi cử 2018 là hành vi ăn cướp, vô liêm sỉ vì cướp mất tương lai của học  học thật thi thật, băng hoaị nền tảng xã hội và nền tảng giáo dục. Tôi đề nghị Bộ GD&ĐT hãy nhìn thẳng sự thật, đánh giá trúng, đúng để có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn để cứu vãn nền giáo dục nước nhà!” – đại biểu Giang thẳng thắn.

Trước đó vào buổi sáng, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cũng bức xúc chỉ ra tiêu cực trong thi cử 2018 mà ông cho là “khoảng tối” của nền giáo dục. Ông cũng thẳng thắn cho rằng, Bộ GD&ĐT vẫn chưa thấy hết hệ quả tệ hại mà sai phạm này mang lại, mà đỉnh điểm là làm mất niềm tin của người dân vào nền giáo dục nước nhà.

“Là người tổ chức kỳ thi do chính mình xây dựng và tiến hành nhưng Bộ GD&ĐT không kiểm soát được tình hình. Ngay cả sai phạm khi xảy ra thì không phải bộ phát hiện mà do một nhóm các thầy giáo ở Hà Nội phát hiện, tố giác rồi bộ mới vào cuộc. Nhưng điều đáng nói hơn là khi làm rõ được sai phạm thì việc công khai danh tính của những học sinh và phụ huynh liên quan đến sai phạm thì bộ không có chính kiến rõ ràng vì cho rằng nào là nhạy cảm, nào là nhân văn, nhưng tất cả những mất mát lớn nhất của vụ việc này là mất đạo đức xã hội” – ông Nguyễn Sỹ Cương chỉ rõ vấn đề.

Vị đại biểu này khẳng định, chỉ khi xử lý triệt để vụ này thì mới lấy lại niềm tin của người dân và để người dân tin rằng đất nước này vẫn còn pháp luật. “Sau sai phạm năm 2018, bộ đang nỗ lực cải tiến kỳ thi năm 2019 nghiêm túc và an toàn nhưng ai dám bảo đảm sai phạm đó sẽ không xảy ra?” – ông đặt câu hỏi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm