pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ngành học nghe tên dễ “mích lòng” phụ huynh nhưng cơ hội việc làm cao
Khi nói đến game, nhiều cha mẹ thường có cái nhìn thiếu thiện cảm. Những thông tin cảnh báo trên báo đài và các phương tiện truyền thông về việc lạm dụng game gây nên một số hậu quả nghiêm trọng khiến phụ huynh muốn con tránh xa lĩnh vực này càng sớm càng tốt.
Hiện nay, vẫn không ít người cho rằng "làm game" không phải là một nghề, không có tương lai phát triển, chỉ suốt ngày chơi game, nghiện game... Xã hội hầu như chỉ nhìn vào mặt tiêu cực để đánh giá về cả lĩnh vực. Tuy nhiên, bản chất của game không xấu và chơi game cũng không phải là hành vi lệch lạc nếu biết tiết chế.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, trong những năm gần đây, game đang phát triển vô cùng mạnh mẽ tại Việt Nam. Các công ty sản xuất và kinh doanh game xuất hiện nhiều khiến nhu cầu nhân lực ngày càng "nóng". Ngành thiết kế game, lập trình game vì thế được nhiều sĩ tử lựa chọn mỗi mùa tuyển sinh.
Thiết kế game - ngành tiềm năng
Hiểu một cách đơn giản, thiết kế game là quá trình phát triển một trò chơi, từ một ý tưởng đơn giản trở thành một trò chơi hoàn chỉnh. Trò chơi, luật chơi, nhân vật, cách chơi,... tất cả đều được tạo ra trong quá trình thiết kế game.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 200 công ty phát hành game và được xếp hạng 7 trong các quốc gia phát hành mobile game trên toàn cầu. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, 50% những game nổi tiếng nhất trên thế giới hiện nay có bàn tay đóng góp của người Việt.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 28,2 triệu người chơi game và đánh giá đó là con số mơ ước của nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 2021, doanh thu ngành game tại Việt Nam đạt 665 triệu USD. Theo dự báo năm 2022, doanh số ngành game Việt còn khả quan hơn rất nhiều.
"Game là một trong những lĩnh vực hiếm hoi của nước ta có thể xuất khẩu nội dung số ra thế giới. Đó là thế mạnh cần tập trung phát triển và chúng tôi kỳ vọng đó sẽ là ngành mũi nhọn về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số Việt Nam trong thời gian sắp tới," ông Lê Quang Tự Do cho biết.
Người làm việc trong ngành thiết kế game thường xuyên tiếp xúc với việc chơi game giúp tư duy linh hoạt hơn, tăng cường khả năng làm việc nhóm, khả năng nắm bắt thông tin, tư duy logic, phát huy khả năng lãnh đạo,... Theo các chuyên gia trong lĩnh vực game, không nhất thiết phải chơi game giỏi mới có thể làm game. Quan trọng là phải có tư duy nhanh nhạy, niềm yêu thích cái mới, sau đó là sự hiểu biết nhất định về sản phẩm.
Ngành thiết kế game có rất nhiều vị trí công việc khác nhau như thiết kế bản mẫu, thiết kế lập trình, thiết kế vận hành, thiết kế hệ thống..., với mức lương dao động từ 15 đến 35 triệu đồng/tháng và có thể cao hơn.
Thiết kế game học gì, ở đâu?
Ở Việt Nam, bạn có thể theo học Cử nhân Thiết kế Game tại RMIT. Đây là chương trình đạt chuẩn quốc tế đầu tiên về thiết kế game tại Việt Nam.
Bạn sẽ được rèn luyện tư duy phân tích các dạng thức khác nhau của game, nâng cao kỹ năng thiết kế và kỹ thuật, phát triển ở nhiều khâu trong thiết kế và sản xuất game như: Thiết kế màn chơi, cân bằng gameplay, nghệ thuật dẫn dắt và kể chuyện hay quản lý dự án số, trang bị cho bản thân những kiến thức cơ bản về hình ảnh game, lập trình game và lập trình kịch bản.
Ngoài ra, bạn có thể chọn lựa các trường học có ngành học liên quan như thiết kế đồ họa, truyền thông đa phương tiện, Nghệ thuật số; Các ngành học về lập trình… để có kiến thức nền tảng học thiết kế game như Đại học Mỹ thuật Công nghiệp; Đại học Mỹ thuật TP HCM; Đại học Kiến trúc; FPT Arena (ngành Mỹ thuật đa phương tiện).
Nếu muốn nhanh chóng tốt nghiệp đi làm thì có thể học bậc cao đẳng, trung cấp, hoặc các khoá học tại các trung tâm có đào tạo về lập trình với thời gian ngắn hơn.