Ngành Thông tin và Truyền thông lần đầu tiên kỷ niệm Ngày truyền thống

26/08/2016 - 18:35
Lần đầu tiên, ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sẽ tổ chức kỷ niệm Ngày truyền thống của ngành (28/8). Lễ mít tinh Kỷ niệm được tổ chức vào ngày 27/8 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Hà Nội.
truong-minh-tuan.jpg
 Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn

Ngày 19/2/2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 258/QĐ-TTg lấy ngày 28/8 hằng năm là Ngày truyền thống Ngành TT&TT. Năm nay là năm đầu tiên toàn ngành TT&TT tổ chức kỷ niệm Ngày truyền thống. Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, đây là dịp khẳng định vai trò, vị trí của ngành đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng của đất nước và hội nhập quốc tế.

Nhân dịp này, xin giới thiệu với độc giả những hình ảnh sống động về một số lĩnh vực của ngành TT&TT:

11.jpg
 Internet đến với bà con các tỉnh vùng sâu vùng xa
22.jpg
 Việc trao đổi thông tin đã trở nên dễ dàng với bà con dân tộc
33.jpg
 Vệ tinh viễn thông Vinasat - 1 đầu tiên của Việt Nam được phóng lên quỹ đạo ngày 19/4/2008
44.jpg
 Công nghệ thông tin được ứng dụng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống
55.jpg

Đội ngũ báo chí Ngành TT&TT ngày càng phát triển lớn mạnh

66.jpg
 Các phần thưởng cao quý nhất của Đảng, nhà nước tặng thưởng cho Ngành Thông tin và Truyền thông qua các thời kì
77.jpg
 Ngành Bưu điện - tiền thân của Ngành Thông tin và Truyền thông - đón nhận 10 chữ vàng truyền thống "Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình"

Ngành TT&TT đồng hành cùng dân tộc  

Trải qua 71 năm xây dựng, phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, ngành TT&TT đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, thực hiện trọn vẹn sứ mệnh cao cả của cách mạng được Đảng, Nhà nước và Bác Hồ tin tưởng giao phó.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hào hùng của dân tộc, các thế hệ cán bộ, công nhân viên chức của ngành TT&TT đã đem tất cả sức lực, trí tuệ và cả xương máu của mình, vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, hiểm nguy trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, xây dựng và giữ vững huyết mạch thông tin phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, góp phần đắc lực vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Gần 10.000 người con ưu tú của ngành Bưu điện và phóng viên đã anh dũng hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Thông tin và Truyền thông là ngành có nhiều liệt sĩ nhất đã hy sinh trong chiến tranh, chỉ sau Quân đội.

Bước vào thời kỳ đổi mới, tiếp bước truyền thống hào hùng, dưới ánh sáng của đường lối đổi mới của Đảng, với tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, Ngành TT&TT đã dũng cảm lựa chọn hướng đi mang tính đột phá, đó là: Bỏ qua công nghệ trung gian, đi thẳng vào công nghệ hiện đại theo hướng số hóa, tự động hóa và đa dịch vụ; lấy Viễn thông quốc tế làm đột phá khẩu, với phương châm “lấy ngoài nuôi trong”, tự vay tự trả và tự chịu trách nhiệm, Ngành đã phá được thế bao vây cấm vận, đưa công nghệ  hiện đại nhất vào Việt Nam.

Theo ông Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Bưu chính, Viễn thông: Tổng cục Bưu điện đã có 2 quyết định chiến lược rất quan trọng tạo đột phá và bước ngoặt cho việc phát triển của viễn thông và internet Việt Nam. Quyết định thứ nhất là đi thẳng vào số hóa viễn thông Việt Nam với công nghệ hiện đại, cung cấp những dịch vụ tiên tiến kể cả internet, đáp ứng nhu cầu liên lạc của cả đất nước thời kỳ mở cửa và hội nhập. Quyết định thứ hai là xóa bỏ độc quyền, mở cửa cạnh tranh với quốc tế. Với Internet là năm 1997, và với viễn thông là từ năm 2000. Nhờ có cạnh tranh mà giá cước giảm mạnh, chất lượng dịch vụ được nâng cao. Dịch vụ viễn thông và internet Việt Nam được phổ cập nhanh và rộng rãi đến đa số người dân kể cả vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.

Tiếp đó, giai đoạn từ 1993 đến năm 2000 và những năm tiếp theo, Ngành đã nhanh chóng hiện đại hóa mạng lưới, đa dạng hóa dịch vụ, đưa bưu chính - viễn thông Việt Nam sánh vai với các nước phát triển trong khu vực, đồng thời tự tin và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy công cuộc đổi mới đất nước.

Đây là bước đột phá mang tính quyết định đã làm thay đổi cả chất lương và số lượng cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng cơ sở hệ thống thông tin liên lạc của Việt Nam. Đến năm 1995, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 249/TTg thành lập Tổng Công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam VNPT trực thuộc Chính phủ, đồng thời quyết định thành lập Công ty cổ phần dịch vụ Bưu chính  viễn thông Sài Gòn và Công ty Viễn thông Quân đội Viettel, khởi động quá trình cạnh tranh trong lĩnh vực bưu chính - viễn thông; từ năm 2003, ngành Bưu chính - Viễn thông Việt nam thực sự chuyển từ độc quyền công ty sang cạnh tranh tất cả các loại dịch vụ.


Trở thành ngành đi đầu trong hội nhập kinh tế

Ngành TT&TT đã có 71 năm thành lập và phát triển, kể từ ngày 28/8/1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tuyên cáo về việc thành lập Chính phủ của nước Việt Nam mới và công bố danh sách nội các thống nhất quốc gia, gồm 13 Bộ, trong đó có Bộ Thông tin, Tuyên truyền và Bộ Giao thông công chính – là nền tảng cơ bản của ngành TT&TT ngày nay. Với việc thành lập Bộ TT&TT vào tháng 8/2007, lịch sử ngành TT&TT Việt Nam đã bước sang một trang mới. Kể từ khi thành lập đến nay, Bộ tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn trong tất cả lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông, Công nghệ thông tin, Báo chí, Xuất bản, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế.

Lĩnh vực Báo chí, cả nước hiện có gần 859 cơ quan báo, tạp chí in, 67 đài phát thanh, truyền hình với 180 kênh phát thanh, truyền hình trong nước và 40 kênh truyền hình nước ngoài; 126 cơ quan báo, tạp chí điện tử; gần 18.000 nhà báo đã được cấp thẻ

Lĩnh vực Xuất bản, hiện cả nước có 63 nhà xuất bản, 1.500 cơ sở in công nghiệp, 13.000 cơ sở phát hành xuất bản phẩm, số lượng sách xuất bản hàng năm khoảng 24.000 cuốn, góp phần nâng cao dân trí và làm phong phú đời sống tinh thần cho toàn xã hội.

Lĩnh vực Viễn thông và Internet, tổng số thuê bao điện thoại di động đạt trên 126 triệu thuê bao, tỉ lệ phủ sóng di động trên toàn quốc đạt 95%. Trên 44 triệu người sử dụng Internet trên toàn quốc; tổng doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông năm 2015 đạt gần 526.132 tỷ đồng; nộp ngân sách ước đạt 48.247 tỷ đồng; đồng thời cũng là một trong những lĩnh vực đóng góp nhiều nhất cho ngân sách. Công tác thông tin liên lạc phục vụ an ninh, quốc phòng, phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai và phục vụ các ngày lễ, tết, các sự kiện quan trọng của đất nước luôn được bảo đảm.

Lĩnh vực CNTT, hiện có trên 15.000 doanh nghiệp hoạt động; kim ngạnh xuất khẩu điện thoại và linh kiện hàng năm đạt hơn 32 tỷ USD; tổng doanh thu công nghiệp CNTT năm 2015 đạt hơn 20 tỷ USD.

Lĩnh vực Bưu chính, mạng bưu chính công cộng hiện nay có 12.738 điểm phục vụ, trong đó có 8.184 điểm Bưu điện - Văn hóa xã. Bưu chính, phát hành báo chí đảm bảo đưa chủ trương của Đảng và Nhà nước, tin tức và kiến thức thiết thực đến cho đồng bào cả nước.

Công tác Thông tin cơ sở, Thông tin đối ngoại được tập trung đẩy mạnh trên toàn quốc từ miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và đến bạn bè quốc tế, góp phần tích cực vào việc thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm