Ngập trong nợ vì vay tiền tỉ để được sống với giới tính thật

27/12/2018 - 19:05
một người chuyển giới từ nam sang nữ - chia sẻ, cô đã chứng kiến nhiều trường hợp chuyển đổi giới tính xong thấy hoang mang, thậm chí muốn tự tử. Trong cả quá trình chuyển đổi giới tính, họ đã rất cô đơn và không tìm được sự tư vấn…

“Chui” toàn tập!

V.H thừa nhận, người chuyển giới (NCG) thiếu kiến thức về sức khỏe, họ đi Thái Lan phẫu thuật theo sự giới thiệu của người nọ, người kia, hoàn toàn không được tư vấn. Phẫu thuật xong, lẽ ra phải vui vì được sống đúng với giới tính mà họ mong muốn bấy lâu, nhưng không ít người có tâm trạng hoang mang, họ không thể nói chuyện với bác sĩ đã phẫu thuật cho mình vì không biết ngoại ngữ. Thậm chí, có trường hợp sau phẫu thuật về Việt Nam bị hoại tử.

1.jpg
Không ít trường hợp sau phẫu thuật chuyển đổi giới tính thấy hoang mang, thậm chí muốn tự tử - Ảnh minh họa

 

“Tôi biết có những người đã phẫu thuật chuyển giới tại Việt Nam nhưng vì ở đất nước mình chưa có Luật chuyển giới nên đây vẫn là phẫu thuật chui. Chính những bác sĩ thực hiện các phẫu thuật này cũng không thể đưa ra những tư vấn cần thiết cho NCG. Áp lực cuộc sống, sự kỳ thị và nỗi lo về sinh mạng của mình sau khi sử dụng hoóc môn (dùng theo sự mách bảo của người đi trước, không có kê đơn và phải mua hàng không rõ nguồn gốc)… khiến chúng tôi khá mệt mỏi”- V.H trải lòng.

Bà Vũ Thị Thanh Nhàn, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI)- người đã cùng các đồng nghiệp của mình thực hiện khảo sát nhu cầu và thực trạng về cung cấp dịch vụ cho NCG tại 6 tỉnh, TP (Hà Nội, TPHCM, Nghệ An, Hải Phòng, Cần Thơ, Bến Tre) chia sẻ: Đa phần NCG bất chấp rủi ro về tính mạng, sử dụng thông tin không chính thức từ mạng, từ các bạn chuyển giới (đặc biệt là những người đi phẫu thuật tại Thái Lan), họ không quan trọng việc nguy hiểm tính mạng mà chỉ quan trọng mình có đẹp hay không; nhiều người sống trong cảnh cả đời nợ nần chồng chất vì đã dành toàn bộ tiền, vay mượn cho việc phẫu thuật chuyển giới, làm đẹp… Họ chấp nhận chi phí cao như làm ngực từ 70 đến 100 triệu đồng, bộ phận sinh dục 500 triệu đồng, thậm chí tới cả tỉ đồng. “Nhiều người cả đời sống trong nợ nần để chuyển giới. Sau khi phẫu thuật có tới 66% NCG lo lắng, căng thẳng, mất ngủ kéo dài, có ý nghĩ bi quan tiêu cực, có tới 27% NCG muốn tự tử… Hầu như họ để nó tự qua đi, hoặc tìm đến NCG trong nhóm để xem họ đã vượt qua bằng cách nào. Rất ít NCG tìm đến cơ sở tư vấn tâm lý vì không có tiền, hoặc không biết phải tìm đến đâu”.

“Có rất nhiều NCG gặp phải các vấn đề tâm lý trước và sau khi phẫu thuật; việc sử dụng hoóc môn cũng làm cho tâm tính NCG chưa kịp thích nghi. Họ cũng cho biết rất khó tiếp cận với các cơ sở dịch vụ y tế công bởi các rào cản về chính sách, vì bị kỳ thị… Họ mong muốn người cung cấp dịch vụ phải hiểu được các vấn đề đặc thù của NCG như nghề nghiệp, thu nhập, cuộc sống bấp bênh và sau phẫu thuật, những vấn đề tâm lý khi sử dụng hoóc môn, tình dục của NCG…”- bà Thanh Nhàn chia sẻ.

TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho hay: Theo thống kê, Việt Nam hiện có trên 300.000 người muốn chuyển giới. Do chưa có luật nên những người có nhu cầu phải sang Thái Lan và các quốc gia khác để chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, họ không biết rằng phẫu thuật chuyển đổi giới tính ở Thái Lan- nơi được coi là thiên đường chuyển đổi giới tính- lại không được nhà nước công nhận. Vì thế, đó cũng là thị trường bất hợp pháp. “Vì chưa có luật nên hành nghề ở Việt Nam cũng là không phép. Điều trị nội tiết tố, sử dụng hoóc môn phải có nguồn gốc xuất xứ, nồng độ hoóc môn nam nữ khác nhau, trường hợp nào tiêm bắp, mông, uống, bôi nhưng cũng vì chưa có luật nên NCG vẫn sử dụng hoóc môn ở chợ đen- với nhiều rủi ro lớn về sức khỏe. Đã có trường hợp tử vong khi sử dụng hoóc môn không được phép”.

Việt Nam hoàn toàn có thể phẫu thuật chuyển đổi giới tính

Theo ThS. Đinh Thị Thu Thủy, chuyên viên Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cần có 5 dịch vụ tâm lý, y tế cho NCG, bao gồm: hỗ trợ tâm lý, điều trị nội tiết tố (hoóc môn), phẫu thuật ngực, phẫu thuật bộ phận sinh dục và chăm sóc sức khỏe toàn diện phẫu thuật thẩm mỹ. “Thực tế tại Việt Nam chưa có trường hoặc chuyên ngành đào tạo bác sĩ tâm lý cho NCG. Số lượng bác sĩ được đào tạo ở nước ngoài về tâm lý cho NCG không nhiều. Tại các bệnh viện đang thực hiện phẫu thuật hoặc hướng dẫn sử dụng hoóc môn không có bác sĩ tâm lý cho NCG. Nhiều NCG do không được hỗ trợ tâm lý nên đã trầm cảm, bức bối về giới, thậm chí tự tử”.

2.jpg
Trước khi thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính, người đề nghị phải có nhận diện giới tính khác giới tính của mình hiện có - Ảnh minh họa

 

Trong dự thảo Luật chuyển đổi giới tính cũng có quy định trước khi thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính, người đề nghị phải có nhận diện giới tính khác giới tính của mình hiện có; bệnh viện thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính phải thực hiện việc xác định người đề nghị có nhận diện giới tính khác giới tính của mình hiện có… “Việc nhận diện được Hội đồng xác định tâm lý do bệnh viện thành lập tối thiểu gồm 3 người bác sĩ tâm lý lâm sàng, cử nhân tâm lý, bác sĩ chuyên khoa điều trị nội tiết tố sinh dục…”- bà Thu Thủy bày tỏ.

Xuất phát từ thực tế, bà Thanh Nhàn và nhóm nghiên cứu rất mong Luật chuyển đổi giới tính sớm được ban hành; cần có những biện pháp (tập huấn nâng cao nhận thức, tuyên truyền, truyền thông…) giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với NCG. Nâng cao hiểu biết cũng như nhận thức của NCG các kiến thức về phẫu thuật chuyển giới và sử dụng hoóc môn an toàn. NCG cần biết những rủi ro, hậu quả về sức khỏe khi sử dụng các dịch vụ y tế phẫu thuật, tiêm/uống hormone trước khi quyết định phẫu thuật chuyển giới. Về phía Bộ Y tế, có chiến lược đào tạo bác sĩ và nhân viên y tế để cung cấp các dịch vụ y tế cho NCG nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho việc triển khai Luật chuyển đổi giới tính ngay sau khi Luật được ban hành; hướng dẫn nhân viên, bác sĩ tại các dịch vụ y tế về các làm việc với NCG để có thể cung cấp dịch vụ thân thiện cho NCG; khuyến khích NCG và các tổ chức xã hội có làm việc với NCG cung cấp các dịch vụ y tế có liên quan (xét nghiệm HIV, tư vấn…).

45514400_2192747821045908_960539185235692006_n.jpg
Ảnh minh họa

 

Hiện tại, Bệnh viện Việt Đức là 1 trong 4 bệnh viện được Bộ Y tế cho phép thực hiện can thiệp y tế xác định lại giới tính. ThS. Ngô Hải Sơn, Khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ chia sẻ, Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện nhiều ca phẫu thuật phức tạp như nối liền dương vật bị đứt rời, thậm chí có ca chưa từng được thực hiện ở Việt Nam như ca đứt rời cả dương vật, tinh hoàn; tạo hình cơ quan sinh dục nữ hay tạo hình dương vật vốn là phẫu thuật phức tạp nhất; nam hóa/nữ hóa khuôn mặt; phẫu thuật ngực cho cả nam và nữ…

Theo ThS Ngô Hải Sơn: “Với liệu pháp hoóc môn hiện tại có tới 83% NCG tự sử dụng theo kiểu truyền miệng, nhưng thực tế liều dùng hoóc môn cho nam và nữ khác nhau, có người sẽ tiêm, người uống hoặc bôi. Chỉ cần xây dựng quy trình, với chuyên môn của bác sĩ nội tiết thì không có khó khăn gì. Kể cả việc phẫu thuật chuyển đổi giới tính, nếu Luật cho phép, Bệnh viện Việt Đức hoàn toàn có thể thực hiện tốt. Chuẩn bị tâm lý kỹ càng hơn trước khi phẫu thuật cho NCG sẽ giảm thiểu được biến chứng, tiếc nuối sau mổ”.

Tại Hội thảo quốc gia về cung cấp dịch vụ tâm lý, y tế dành cho người chuyển đổi giới tính do SCDI và Bộ Y tế tổ chức ngày 27/12/2018 tại Hà Nội, TS. Nguyễn Huy Quang cho rằng: “Nhu cầu ở Việt Nam là có thật, khả năng phẫu thuật đáp ứng được nhưng vì chưa có luật nên những người có nhu cầu phải ra nước ngoài. Rất mong Quốc hội đưa Luật chuyển đổi giới tính vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020”.

59,6% người từng sử dụng hormone chưa từng được khám và tư vấn trước khi bắt đầu sử dụng hoóc môn; 40% tự tiêm hormone cho bản thân, 24,5% nhờ bạn bè, người quen tiêm hộ, chỉ có 25,2% tìm đến cơ sở hoặc người có chuyên môn; 71% sử dụng hormone có xuất xứ từ nước ngoài (Thái Lan, Hà Lan); 51,2% sử dụng hormone không rõ nguồn gốc trên mạng hoặc tư nhân.

(Báo cáo trải nghiệm y tế và nhu cầu chuyển đổi giới tính của NCG ở Việt Nam do iSee tiến hành vào tháng 11/2017)

 

* Bà Vũ Hoàng Mai Châu, Trưởng mạng lưới người chuyển giới Việt Nam: Cần thống nhất khung về quy trình chuyển đối giới tính để khi bệnh viện được phép phẫu thuật chuyển đổi giới tính sẽ áp dụng đúng khung này và những người có nhu cầu chuyển giới nắm bắt được.

* BS. Luật gia Trịnh Lê Trâm: Về y tế không đáng lo, khi các cơ sở ở Việt Nam đang sẵn sàng chuẩn bị lên bệ phóng. Khi luật thông qua thì mọi thứ đều sẵn sàng đi vào quỹ đạo. Cơ sở nào có đủ điều kiện mới được phẫu thuật chuyển đổi giới tính, sử dụng hoóc môn… Điều kiện đưa ra trong dự thảo luật tương đối phù hợp. Khi Luật được ban hành thì danh sách các cơ sở được phép phẫu thuật chuyển đổi giới tính cần được công bố rộng rãi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm