pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ngày 20/11 của hai mẹ con cô giáo cùng mắc ung thư
Những tháng ngày chiến đấu trên giường bệnh của 2 mẹ con đã giúp gia đình chị Hà thêm trân trọng những giây phút sum vầy
Biến cố liên tiếp ập đến
Hai vợ chồng chị Phạm Thị Thu Hà (Thanh Chương, Nghệ An) đều là nhà giáo, anh chị có với nhau hai cô con gái xinh xắn, ngoan ngoãn. Cô con gái út Nguyễn Phạm Bảo Ngọc (sinh năm 2009) từ nhỏ đã yêu thích nghệ thuật, bé thích học múa và hăng hái tham gia văn nghệ ở trường. Nhưng rồi biến cố xảy ra vào những ngày cuối năm 2015, Bảo Ngọc đột nhiên bị sốt liên miên cả tháng trời. Chị Hà đưa con lên bệnh viện huyện thăm khám nhưng không có kết quả. Thấy bệnh tình của con ngày một nặng hơn, vợ chồng chị quyết định đưa con ra Hà Nội khám. Tại đây, Bảo Ngọc được chẩn đoán ung thư máu.
2 mẹ con chị Hà khi điều trị tại bệnh viện
Khi gia đình chị vẫn chưa nguôi ngoai sau cú sốc con gái mắc căn bệnh "lành ít dữ nhiều" thì lại phải nhận thêm một tin sét đánh: Bản thân chị Hà cũng được chẩn đoán bị ung thư hạch khi khám bệnh.
Mọi khó khăn lúc này dồn lên đôi vai của chồng chị Hà - nhà giáo Nguyễn Xuân Ngọ. Mới vài tháng trước đây, cả nhà bốn người vẫn còn hạnh phúc êm ấm bên nhau, với những bữa cơm rộn tiếng cười và tiếng con gái hát, múa, học bài mỗi tối. Giờ đây, cả vợ và con anh đều đang mang trong mình căn bệnh ung thư - căn bệnh đã cướp đi sinh mệnh của biết bao người. "Tôi biết rằng mình là trụ cột trong gia đình, phải là bờ vai để vợ con có thể tựa vào, vậy nên tôi luôn tự động viên mình phải thật mạnh mẽ" - anh Nguyễn Xuân Ngọ tâm sự.
Hy vọng chưa bao giờ tắt
Xót xa cho hoàn cảnh hai mẹ con cùng bị ung thư, các y bác sĩ của Viện Huyết học - Truyền máu TW đã tạo điều kiện cho chị Hà và bé Bảo Ngọc cùng được điều trị tại Khoa Bệnh máu trẻ. Anh Ngọ phải xin trường cho nghỉ phép dài ngày lên chăm sóc vợ con. Dù tất cả số tiền anh chị tích cóp từ những năm dạy học đều lần lượt ra đi, chị Hà và anh Ngọ vẫn quyết tâm chiến đấu với căn bệnh đến cùng, niềm hy vọng gia đình lại trở về quây quần đầm ấm như xưa chưa bao giờ tắt.
Riêng với chị Phạm Thị Thu Hà, những ngày nằm trên gường bệnh làm chị nhớ da diết những ngày còn đứng trên bục giảng. Chị tâm sự: "Mơ ước từ nhỏ của tôi là trở thành cô giáo dạy Văn, được truyền tải tình yêu Văn học đến cho các em học sinh. Thời điểm bị bệnh là khi tôi vừa chuyển về trường mới công tác được một năm, lúc ở Viện tôi chỉ muốn mau lui bệnh để được tiếp tục dạy học".
Với hơn 20 năm làm cô giáo, chị Hà đã dìu dắt bao thế hệ học sinh trưởng thành. Tình thầy trò vẫn luôn là thứ tình cảm thiêng liêng và sâu sắc. Khi chị Hà nằm viện, những người học trò cũ của chị ở Hà Nội luôn đều đặn thăm hỏi cô giáo cũ. "Các em học sinh cũ còn thay phiên nhau vào chăm sóc tôi trong viện, để chồng tôi có thời gian tiếp tục dạy học ở trường" - Chị Hà chia sẻ mà trong mắt ánh lên niềm xúc động.
Bệnh ung thư máu cũng làm bé Bảo Ngọc phải nghỉ học nhiều ngày. May mắn vì có bố mẹ đều là giáo viên nên dù không thể đến trường, Ngọc vẫn được mẹ tranh thủ dạy học để không bị chậm kiến thức hơn so với các bạn.
Bằng nỗ lực và sự kiên cường hiếm có, cả hai mẹ con chị Hà đều lui bệnh và được trở về nhà. Chị Hà cho biết: "Mỗi ngày được lên lớp với các em học sinh, tôi hạnh phúc vô cùng. Hiện nay hai mẹ con chỉ cần lên viện kiểm tra sức khỏe định kỳ, cháu Bảo Ngọc vẫn đi học và vẫn năng nổ tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường. Mặc dù nghỉ học một thời gian nhưng cháu vẫn được cô giáo và các bạn tín nhiệm cử làm lớp trưởng".
Gần đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngôi nhà nhỏ của chị Hà và anh Ngọ càng nhiều tiếng cười và niềm vui hơn. Những ngày này, anh chị nhận được nhiều lời chúc, nhiều tình cảm tri ân từ các thế hệ học sinh. Hai chị em Bảo Ngọc cũng bận rộn hơn với các hoạt động kỷ niệm ở trường và những món quà dành cho bố mẹ.
Chị Hà kể trong niềm hạnh phúc: "Năm nào Bảo Ngọc cũng viết thiệp, viết thư chúc mừng bố mẹ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Nhìn các con khôn lớn, ngoan ngoãn, tôi càng hạnh phúc, càng tự hào hơn với nghề dạy học của mình".
Có những nhà giáo đã luôn thắp sáng ngọn lửa tâm huyết với nghề như gia đình chị Hà, anh Ngọ, dù có những lúc chồn chân mỏi gối, dù có những giông bão ập đến với cả gia đình, anh chị vẫn kiên tâm từng ngày gắn bó với bảng đen, phấn trắng, tiếp tục làm "người chèo đò" của bao thế hệ học sinh.