pnvnonline@phunuvietnam.vn
“Ngày chủ nhật Nông thôn mới” đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở Bến Tre
Phụ nữ góp phần xây dựng nông thôn mới. Ảnh minh họa
Hiện toàn tỉnh Bến Tre có 49 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20 xã đạt 15-18 tiêu chí, 56 xã đạt 10-14 tiêu chí, 17 xã đạt 5-9 tiêu chí và không có xã đạt dưới 5 tiêu chí nông thôn mới. Tỉnh đang hoàn chỉnh hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Chợ Lách đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Bến Tre hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.
“Ngày chủ nhật Nông thôn mới” là một hoạt động mang tính chất riêng biệt, đột phá của tỉnh. Theo hướng dẫn của tỉnh, vào ngày chủ nhật cuối cùng của tháng, các trong tỉnh tổ chức các hoạt động xoay quanh 19 tiêu chí xã nông thôn mới. Mục tiêu chính của hoạt động nhằm khơi dậy phong trào trong dân, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. “Ngày chủ nhật Nông thôn mới” đã được thực hiện hơn 1 năm, mang lại hiệu ứng tích cực trong cộng đồng dân cư, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại các xã.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bến Tre vẫn còn không ít khó khăn cần tập trung tháo gỡ. Hiện tỉnh vẫn còn 18 xã đạt dưới 10 tiêu chí nông thôn mới. Tác động của dịch bệnh Covid– 19, dịch bệnh trên vật nuôi và giá cả nông sản xuống thấp đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, thu nhập và sức đóng góp của người dân trong xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến tiêu chí Tổ chức sản xuất (do hạn, mặn ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi), từ đó lợi nhuận mang lại không cao, ảnh hưởng đến tiêu chí Thu nhập trong xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, việc thiếu nước sạch, nước ngọt cũng ảnh hưởng đến tiêu chí Môi trường và An toàn thực phẩm… Riêng các tiêu chí thuộc nhóm hạ tầng kinh tế - xã hội, tiến độ bị chậm lại do thiếu nước ngọt phục vụ cho công tác thi công.
Để góp phần xây dựng nông thôn mới, công tác phòng, chống hạn mặn trong thời gian tới ở Bến Tre cần được quan tâm hàng đầu. Trong đó, cần huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh, huyện đến xã và người dân, thực hiện đồng bộ cả 2 giải pháp công trình và phi công trình. Nhất là vai trò tích cực, chủ động của người dân trong thực hiện các giải pháp phòng chống, ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn là hết sức cần thiết.