Ngày Dân số Việt Nam 26/12: 10 nghìn đàn ông ở một quận của Hà Nội có nguy cơ ế vợ

26/12/2018 - 10:08
Trong số 14 phường tại quận Long Biên (Hà Nội), có tới 9 phường mất cân bằng giới tính khi sinh, chiếm 64%. Với tốc độ chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh như hiện nay, trong vòng 20 năm nữa, quận Long Biên có khoảng 10.000 nam giới đến tuổi trưởng thành khó tìm được vợ trên địa bàn.

Theo Trung tâm Y tế quận Long Biên, 9 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn quận có 9/14 phường rơi vào tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Theo đó, toàn quận có 3.075 trẻ sinh ra, trong đó có 1.447 trẻ gái. Địa phương mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất tại quận là Giang Biên, với 141 bé trai/100 bé gái; xếp thứ 2 là Việt Hưng, với 140 bé trai/100 bé gái... Còn năm 2017, 10/14 phường của quận có sự chênh lệch giới tính khi sinh, số bé trai sinh ra còn sống cao hơn nhiều so với số bé gái.

 

long.JPG
Cán bộ dân số quận Long Biên họp triển khai công tác truyền thông giảm tỉ lệ sinh con thứ 3
 

 

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, cán bộ Chuyên trách Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) phường Việt Hưng, cho biết, năm 2017, tỷ số giới tính khi sinh tại phường là 129 bé trai/100 bé gái. Tính cả năm 2018, con số này có thể sẽ cao hơn. Trong những năm qua, phường Việt Hưng luôn có tỷ số giới tính khi sinh ở mức chênh lệch rất cao (dao động từ 125 - 129 bé trai/100 bé gái).

 

Thượng Thanh cũng là phường chênh lệnh giới tính khi sinh cao tại quận Long Biên. Theo cô Nguyễn Thị Quyên - Hiệu trưởng trường Mầm non Ánh Sao, phường Thượng Thanh - trường hiện có trên 540 học sinh, trong đó số học sinh nam là 284 bé, nữ là 260. Từ năm 2012 đến nay, số hồ sơ nộp vào trường tỷ lệ nam cũng nhiều hơn nữ, như năm học 2018 – 2019, tỷ lệ nhập học vào trường là 132 trẻ nam/100 trẻ nữ.

 

Cũng theo Trung tâm Y tế quận Long Biên, với tốc độ chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh như hiện nay, dự kiến trong vòng 20 năm nữa, quận Long Biên có khoảng hơn 10.000 đàn ông đến tuổi trưởng thành khó lấy được vợ. Bình quân thừa từ 750 đến 800 đàn ông trên một phường sẽ gặp khó khăn để lấy được vợ theo đúng lứa tuổi.

 

Vẫn nặng tư tưởng trọng nam hơn nữ 

Như nhiều địa phương khác, tỷ lệ trẻ trai sinh ra là con thứ 3 ở Long Biên cao hơn so với trẻ gái. Theo bà Nguyễn Thị Lan, Trưởng phòng DS-KHHGĐ (Trung tâm Y tế quận Long Biên), cũng như năm 2017, một số phường trong quận có tỷ lệ chênh lệnh giới tính khi sinh ở trẻ sinh ra là con thứ 3 cao. Cụ thể, từ đầu năm 2018 đến tháng 9 năm nay, phường Ngọc Lâm có 6 trẻ sinh ra là con thứ 3 thì có 5 bé là trai; phường Bồ Đề có 13 trẻ sinh ra là con thứ 3 thì có 10 bé là trai; con số này ở phường Đức Giang là 6 trẻ trai/2 bé gái.

 

bieu-do-chenh-lech-gioi-tinh-9-thang-2018-tai-long-bien.jpg
Biểu đồ tỉ số giới tính khi sinh 9 tháng đầu năm 2018 của quận Long Biên, Hà Nội

 

Cũng theo bà Nguyễn Thị Lan, để giảm tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh, Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ quận Long Biên đã tăng cường công tác truyền thông, nói chuyện chuyên đề, tư vấn nhóm nhỏ, tư vấn trực tiếp tại hộ gia đình; Tổ chức ký cam kết thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ, không sinh con thứ ba đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại UBND quận và chỉ đạo các phường ký cam kết với các hộ gia đình có nguy cơ cao vi phạm chính sách DS-KHHGĐ tại cộng đồng.

 

Ngoài ra, còn thường xuyên thành lập đoàn kiểm tra giám sát các cơ sở y tế ngoài công lập thực hiện dịch vụ KHHGĐ và siêu âm sản khoa trên địa bàn quận, yêu cầu các cơ sở ký cam kết thực hiện đúng quy chế chuyên môn theo lĩnh vực ngành hoạt động. Tuy nhiên, tình trạng sinh con thứ 3 và mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn diễn ra.

 

Là người có nhiều năm làm công tác dân số, bà Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, nếu một gia đình có 2 con gái, muốn sinh con thứ 3 thì đa phần sẽ tìm mọi cách để đẻ được con trai. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là tư tưởng trọng nam khinh nữ, có con trai để nối dõi tông đường vẫn ăn sâu vào tiềm thức của nhiều cặp vợ chồng và người thân. Bên cạnh đó, do sự tiến bộ của khoa học, tình trạng lựa chọn giới tính trước sinh của các cặp vợ chồng hiện nay cũng phổ biến; một số phòng khám, cơ sở y tế bằng nhiều cách vẫn công bố tình trạng giới tính thai nhi.

 

Bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết thêm, tại Việt Hưng chỉ có 1 phòng khám sản phụ khoa, hằng năm cơ quan chức năng của phường đều yêu cầu chủ phòng khám ký cam kết không công bố tình trạng giới tính thai nhi khi siêu âm nhưng cam kết là một chuyện, còn thực tế phòng khám có thực hiện không thì rất khó kiểm soát. Bởi cán bộ siêu âm có thể thông báo giới tính thai nhi bằng nhiều cách như cử chỉ, thay cho lời nói. Hơn nữa, thai phụ có thể đến nhiều phòng khám khác tại quận hoặc thành phố Hà Nội để siêu âm nên nếu gia đình quyết tâm có con trai thì rất khó để khuyên bảo họ không lựa chọn giới tính trước sinh.

 

Do đó, điều quan trọng nhất vẫn là thay đổi quan niệm. Nếu xóa bỏ được tư tưởng trọng nam khinh nữ, chỉ con trai mới được thờ cúng cha mẹ... thì mới có thể hạn chế mất cân bằng giới tính khi sinh.

Theo Tổng cục DS-KHHGĐ, 55 trong số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước có sự chênh lệch giới tính khi sinh, trung bình tỷ lệ giới tính khi sinh là 112,8 nam/100 nữ. Trong đó, Sơn La đứng đầu cả nước với tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh là 120 trẻ trai/100 trẻ gái. Tiếp đến là Hưng Yên 118,6 trẻ trai/100 trẻ gái; Bắc Ninh 117,6 trẻ trai; Thanh Hóa 117,2 trẻ trai/100 trẻ gái. Trong khi đó, mức chuẩn sinh học bình thường là 105 trẻ nam trên 100 trẻ gái chào đời. Đây là hệ quả của việc coi trọng con trai, lựa chọn giới tính thai nhi.

Nếu tình trạng này không được cải thiện, đến năm 2050, sẽ có hơn 4 triệu đàn ông Việt lâm vào cảnh ế vợ. Quan niệm thích con trai hơn con gái của nhiều gia đình là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến mất cân bằng giới tính nghiêm trọng ở Việt Nam.

Vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh không được giải quyết, còn dẫn đến nhiều hệ luỵ lớn trong xã hội. Việc gia tăng tỷ số giới tính khi sinh không những không cải thiện được vị thế của người phụ nữ mà thậm chí còn làm gia tăng sự bất bình đẳng giới như nhiều phụ nữ phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn sẽ tăng cao, tình trạng bạo hành giới, mua dâm, mua bán phụ nữ sẽ gia tăng...

Theo Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội, tỷ số giới tính khi sinh năm 2017 của Hà Nội là 113,5 trẻ trai/100 trẻ gái. 9 tháng năm 2018, toàn thành phố có gần 5.800 trẻ sinh ra là con thứ 3. Dự kiến cả năm 2018, chênh lệnh giới tính khi sinh của Hà Nội như năm 2017 (113,5 trẻ trai/100 trẻ gái). Tỷ lệ này vẫn trên mức báo động. Nếu không có những can thiệp mạnh mẽ, kịp thời, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm