pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ngày Môi trường Thế giới (5/6): Nâng cao vai trò của phụ nữ trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai
Đội xung kích nữ của Hội LHPN quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng
Những mô hình hiệu quả
Vào mùa mưa bão 2022-2023, phường Hoà Khánh Nam (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) bị ảnh hưởng nặng nề, với 3 người thiệt mạng, hàng nghìn ngôi nhà ngập nước và bị cô lập. Các công trình dân sinh bị ngập và bùn non phủ kín, có những nơi nước ngập hơn 2 mét.
Để chủ động ứng phó trước những hiện tượng thời tiết cực đoan, tháng 3 vừa qua, Hội LHPN quận Liên Chiểu đã thành lập "Đội xung kích nữ", gồm 50 thành viên tại 5 phường. Đội tham gia cùng với chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt mệnh lệnh về di tản dân đến nơi an toàn; hỗ trợ người dân trong việc phòng, chống trước, trong và sau mưa bão; thành lập các nhóm thiện nguyện sẵn sàng hỗ trợ nấu ăn phục vụ người dân vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai…
"Ngoài ra, Hội còn tiến hành khảo sát nhà ở của hội viên có khả năng chịu tác động của mưa bão tại các khu vực có nguy cơ ngập lụt để khi mưa bão xảy ra, có phương án đưa người dân đến nơi trú ẩn gần và an toàn", bà Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Hội LHPN quận Liên Chiểu, cho biết.
Là một trong những tỉnh thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, nhiều năm qua, các cấp Hội LHPN tỉnh Phú Yên đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ hội viên, phụ nữ nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai, hỗ trợ sinh kế, tín dụng cho các hộ dân bị ảnh hưởng để sớm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Còn nhớ cơn bão số 12 năm 2017 đã gây nhiều thiệt hại về người và của tại tỉnh Phú Yên. Hội LHPN tỉnh Phú Yên đã phối hợp Chương trình Phát triển Liên hợp Quốc (UNDP) thực hiện Dự án "Xây mới 100 căn nhà có tính năng chống bão, lũ, tính đến tác động của biến đổi khí hậu cho người dân bị ảnh hưởng". Đến nay, 100 căn nhà có tính năng chống bão, lũ vẫn đang phát huy tác dụng.
Tạo sinh kế, tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu
Tại Yên Bái, theo bà Hoàng Phương Thuý, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh, Hội đã vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân thực hiện các hành động thiết thực để góp phần bảo vệ môi trường như: Xử lý chất thải hữu cơ bằng men vi sinh, góp phần cải tạo chất lượng và phục hồi đất. Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước và các biện pháp phòng, chống hạn hán. Xây dựng và duy trì các mô hình thực hành bảo vệ môi trường hiệu quả, phù hợp với tình hình địa phương, góp phần hạn chế tối đa quá trình sa mạc hoá, ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, Hội cũng phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và các nền tảng mạng xã hội về nội dung liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Trong đó, tập trung tuyên truyền các mô hình, điển hình ứng dụng khoa học công nghệ trong việc phục hồi đất đai, chống hạn hán và sa mạc hoá.
Tại tỉnh Cà Mau, thực hiện phát động của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam về tăng cường việc phủ xanh đất trống, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Cà Mau đã phát động 100% cơ sở Hội trong tỉnh hưởng ứng Chương trình trồng cây xanh. Kết quả, Hội đã vận động hội viên, phụ nữ trồng 79.140 cây xanh tại các tuyến đường bị sạt lở. Đồng thời, Hội tiếp tục triển khai thực hiện Dự án "Bảo vệ khí hậu và rừng ngập mặn kết hợp với cải thiện thu nhập cho các cộng đồng dễ bị tổn thương". Tổ chức các lớp xử lý rác thải tại hộ gia đình, tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản dưới tán rừng; hỗ trợ thành lập 1 Tổ hợp tác "Mắm Hố Gùi" nhằm phát triển sinh kế cho hội viên, phụ nữ ven biển sinh sống dưới tán rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngày Môi trường Thế giới năm 2024 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề "Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá" nhằm kêu gọi các quốc gia chung tay hướng tới mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên thế giới.