Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4: Lan tỏa mạnh mẽ văn hóa đọc trong cộng đồng

Mộc Lan
21/04/2023 - 13:35
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4: Lan tỏa mạnh mẽ văn hóa đọc trong cộng đồng

Học sinh đọc sách trong buổi khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2023 tổ chức tại Thư viện Quốc gia Việt Nam

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đã trở thành một sự kiện văn hóa quan trọng, được sự hưởng ứng đông đảo của giới làm sách và bạn đọc trên cả nước. Từ những hoạt động ấy, ngày càng có nhiều người tìm đến sách, coi sách như người thầy, người bạn.

Trong Ấu học ngũ ngôn thi (thơ 5 tiếng cho trẻ học, nội dung khuyên các em chăm chỉ học hành) có câu: "Di tử nhất quỹ ngọc, bất như nhất quỹ thư, thư trung tự hữu ngọc", nghĩa là "Để lại cho con một hòm ngọc, không bằng để lại một hòm sách, vì trong sách có ngọc", hàm ý sách quý hơn vàng ngọc. Nhưng điều đó không có nghĩa có cuốn sách trong nhà như cầm được ngọc trong tay. Sách chỉ có giá trị, chỉ là ngọc khi nó được đọc.

Từ những chủ trương đúng

Nhận thức được tầm quan trọng của sách, những năm qua, đã có nhiều chủ trương, văn bản chỉ đạo nhằm thúc đẩy đọc sách được ban hành. Đặc biệt, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Sau 8 năm diễn ra, năm 2021, Chính phủ ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 284, nội dung lấy Ngày Sách trở thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Quyết định này vừa là bước để mở rộng biên độ tổ chức Ngày Sách, vừa nâng cao nhận thức xã hội về sách và đọc sách.

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản - In và Phát hành, cho rằng việc đọc sách không chỉ giúp mỗi người làm giàu tri thức, tâm hồn, khuyến khích tinh thần tự học; mà còn có tác động lớn tới ngành xuất bản. Ông ví văn hóa đọc chính là bệ đỡ cho thị trường xuất bản, bởi khi người dân đọc sách, tìm đến sách nhiều hơn là lúc thị trường xuất bản sôi động và phát triển.

Còn ông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - tổ chức xã hội - nghề nghiệp của những người làm công tác xuất bản cả nước, xác định Ngày Sách và Văn hóa đọc là dịp quan trọng để những người làm công tác xuất bản và văn hóa đọc đẩy mạnh hoạt động. Các hoạt động này đều có chung mục đích lan tỏa mạnh mẽ văn hóa đọc trong cộng đồng, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hệ giá trị văn hóa quốc gia, phát huy sức mạnh con người Việt Nam, xây dựng một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đã trở thành một sự kiện văn hóa quan trọng, được sự hưởng ứng đông đảo của giới làm sách và bạn đọc trong cả nước.

Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 2: Đề cập vấn đề ChatGPT và việc viết sách

Năm 2023, lần thứ 2 Ngày Sách và Văn hóa đọc được nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, trên khắp vùng miền. Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 do Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Trung ương và một số đơn vị phối hợp thực hiện sẽ khai mạc vào chiều 21/4 tại thành phố Huế.

Chương trình diễn ra từ 21 đến 25/4 với nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm, văn nghệ, hội sách... Một số hoạt động nổi bật có thể kể đến: Triển lãm "Huế xưa và nay", trưng bày sách Huế xưa và nay, các tư liệu cổ đang lưu giữ tại Huế, các tư liệu/hình ảnh về Huế thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập được xuất bản thành sách, Tủ sách Huế gồm 11 cuốn sách cổ. Ngày Sách và Văn hóa đọc tại Huế còn có các hoạt động giao lưu tác giả, giới thiệu tác phẩm trong và ngoài nước viết về Huế. Xen kẽ các hoạt động về sách là những chương trình văn nghệ giới thiệu văn hóa, nghệ thuật đất cố đô. Tại đây, lãnh đạo tỉnh sẽ gặp gỡ một số nhà xuất bản, công ty phát hành để trao đổi hợp tác phát triển tủ sách Huế.

Tại Hà Nội, Thư viện Quốc gia Việt Nam (31 Tràng Thi) đã có truyền thống tổ chức các sự kiện về sách. Ngày hội đọc sách tại Thư viện Quốc gia được khai mạc hôm 19/4 với chủ đề "Sách cho tôi, sách cho bạn". Triển lãm sách "Khát vọng vươn tới những tầm cao" trưng bày, giới thiệu 1.000 cuốn sách theo 4 nội dung: Đề cương về văn hóa Việt Nam và các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam; Các chặng đường văn hóa Việt Nam; Giải thưởng Sách Quốc gia và những đóng góp tích cực trong phát triển văn hóa đọc; Sách và văn hóa đọc - Nhận thức, đổi mới, sáng tạo. Thư viện Quốc gia cũng là nơi diễn ra các buổi giao lưu với tác giả, dịch giả, chuyên gia về những cuốn sách mới, sách đang được quan tâm trên thị trường.
Trong ngày Khai mạc, Thư viện Quốc gia đã thực sự trở thành ngày hội đọc sách với các hoạt động thú vị, thu hút đông đảo người Hà Nội, đặc biệt là học sinh tham gia. Trong đó có hoạt động Đọc sáng tạo, Huấn luyện trí tuệ siêu đọc sách, Thi kể chuyện theo sách bằng tiếng Anh, Khám phá Thư viện số, Thi vẽ tranh theo sách, Trò chơi trí tuệ, Mảnh ghép tri thức, Trưng bày các tác phẩm đạt giải cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc…

Bạn trẻ tại Hội sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ hai diễn ra ở TP HCM - Ảnh: Thanh Trần

Bạn trẻ tại Hội sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ hai diễn ra ở TPHCM - Ảnh: Thanh Trần

Tại TP HCM, nơi thị trường xuất bản diễn ra sôi động, hơn 80 sự kiện về sách, văn hóa đọc sẽ được tổ chức dịp Ngày Sách và Văn hóa đọc năm nay. Diễn ra từ 19 đến 23/4, bên cạnh 2 chủ đề chính "Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo" và "Sách cho tôi, cho bạn"; các hoạt động tại thành phố mang tên Bác còn có thêm thông điệp "Mỗi người dân là một Đại sứ văn hóa đọc". TP HCM tổ chức hội sách tại Công trường Công xã Paris (trước Bưu điện Thành phố) và Đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1) với sự tham gia của nhiều gian hàng, các chương trình giao lưu, trưng bày, giảm giá hấp dẫn. Chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc tại TP HCM năm nay bao gồm nhiều chủ đề mới được đông đảo người dân quan tâm như: ChatGPT và việc viết văn, viết sách của giới trẻ hiện nay; làm sao để hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em trong thời đại số; vì sao cần xuất bản sách điện tử… với nhiều diễn giả có kinh nghiệm trong các lĩnh vực.

Đây cũng là năm đầu tiên xuất hiện 10 Đại sứ văn hóa đọc. Họ là những tác giả, người có sức lan tỏa, truyền cảm hứng trong cộng đồng, cùng đồng hành các hoạt động với mục tiêu "mỗi người dân là một Đại sứ văn hóa đọc". Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, kỳ vọng với sự đồng hành của những người có tầm ảnh hưởng, có đóng góp nhiều cho xã hội và đặc biệt cũng là những người yêu sách sẽ đem lại nhiều thông điệp về sách, giúp lan tỏa, truyền cảm hứng để ngày càng nhiều người yêu sách, đọc sách nhiều hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm