Black Friday là ngày thứ 6 đầu tiên sau ngày lễ Tạ ơn. Đây là thời điểm mua bán hàng giá rẻ nhộn nhịp nhất trong năm của người Mỹ. Vào ngày này, hàng nghìn tín đồ mua sắm đổ xô ra những con phố để tìm cho mình các món đồ ưng ý với giá siêu rẻ.
Black Friday là ngày hội mua sắm lớn nhất nước Mỹ với lịch sử ra đời đầy thú vị. |
Quay trở lại lịch sử, vào thời tổng thống Abraham Lincoln, ngày lễ Tạ ơn được xác định là ngày thứ 5 cuối cùng của tháng 11 (có thể sẽ vào tuần thứ 4 hoặc tuần thứ 5 của tháng 11). Tuy vậy đến năm 1939, trong thời kỳ của cuộc đại suy thoái, ngày thứ 5 cuối cùng lại rơi vào tuần thứ 5 của tháng 11, khiến các nhà bán lẻ than phiền và lo lắng về thời gian dành cho mua sắm quá ít. Họ đã kiến nghị lên tổng thống lúc bấy giờ là Franklin D.Roosevelt quyết định đẩy ngày lễ lên trước 1 tuần. Thật không may, lúc đó các gia đình đã lên hết các kế hoạch vào cuối năm của họ, vì vậy họ rất khó chịu với sự thay đổi nên gọi ngày này là ‘Frankgiving day’ để chế diễu tổng thống Roosevelt. Chỉ có 32 bang là theo quyết định của tổng thống Roosevelt, còn những nơi khác lại ăn mừng cả 2 ngày lễ khiến tình trạng trở nên lộn xộn. Câu chuyện chỉ dừng lại khi vào năm 1941, Quốc hội Mỹ quyết định lấy ngày thứ 5 của tuần thứ 4 là ngày lễ Tạ ơn.
Tuy vậy, phải đến năm 1965, Black Friday mới ra đời từ sau tình trạng kẹt xe xảy ra vào ngày thứ 6 sau lễ Tạ ơn ở Philadelphia. Khi đó, người Mỹ chen chúc đông nghẹt các con phố để mua sắm cho lễ Noel sắp đến. Giới kinh doanh Mỹ không thể nào bỏ qua một dịp tuyệt vời như vậỵ, ngay lập tức, họ tung ra các độc chiêu quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng và đồng loạt khuyến mãi, giảm giá để thu hút khách hàng. Cục Cảnh sát Philadelphia đã thốt lên cụm từ này để mô tả sự ùn tắc giao thông của các đám đông ở trung tâm thành phố.
Vào ngày này, các thương hiệu giảm giá mạnh, thu hút rất nhiều người đến với cuộc đua săn hàng giá rẻ. |
Còn trong kinh doanh, cái tên Black Friday bắt nguồn từ thuật ngữ ‘in the black’ và ‘in the red’ của tiếng Anh. ‘In the black’ là thuật ngữ chỉ tình trạng doanh nghiệp làm ăn thuận lợi, có lợi nhuận và đối nghịch với nó, ‘in the red’ chỉ tình trạng kinh doanh thua lỗ, buôn bán thất bát.
Trước đây, để tiện phân biệt và theo dõi sổ sách, các kế toán thường ghi sổ lãi bằng mực đen và sổ lỗ bằng mực đỏ. Từ đó, người ta đặt tên ngày mua sắm lớn nhất trong năm là Black Friday, nhằm chỉ sự ‘ăn nên làm ra’ của các doanh nghiệp.
Vào ngày này, người Mỹ ùn ùn đổ ra các siêu thị săn tìm hàng giá rẻ. Các công ty kinh doanh cũng không ngại giảm giá thậm chí đến 60 - 70% để bán được nhiều hàng hóa. Có người còn phải chờ từ 4h sáng để mong có thể tậu cho mình một món đồ giá rẻ như cho không.
Nhiều người thường có suy nghĩ, hàng giảm giá là hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, điều này lại hoàn toàn không đúng ở Mỹ, bởi rất nhiều nhãn hãng có tên tuổi cũng tham gia giảm giá. Vì thế, người Mỹ có thể yên tâm đến 95% về chất lượng của các sản phẩm được bán ra trong ngày Black Friday.
Mọi người thậm chí xếp hàng từ sáng sớm và trở về lúc tối muộn để thu được vô số chiến lợi phẩm có giá rẻ như cho. |
Thu hút là vậy nhưng không phải tất cả những người Mỹ đều thích thú với “Ngày thứ 6 đen”. Lý do bởi những người này không thích sự chen lấn xô đẩy và thay vì việc lao vào những siêu thị, cửa hàng để mua đồ giảm giá, họ ngồi ở nhà xem tivi. Thậm chí, có người còn cho rằng tình trạng chen lấn nhau để mua hàng làm xấu đi hình ảnh nước Mỹ và họ kêu gọi lập nên ngày 'No Shopping Day', tức là ngày không mua sắm để tẩy chay Black Friday.
Tuy vậy, sau nhiều thập niên, Black Friday vẫn 'sống khỏe' và trên đà phát triển. Ngày nay, Black Friday đã được toàn cầu hóa. Các nhà bán lẻ Canada đã phải nhăn mặt khi khách hàng của họ tìm xuống phương Nam (nước Mỹ) để mua sắm trong ngày này, do đó, những chiến lược bán hàng tương tự được đưa ra. Không chỉ ở Bắc Mỹ, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng du nhập ngày này, tạo nên hiệu ứng mua sắm vô cùng sôi nổi.