Nghe người phố giày đong đầy cùng quá khứ

08/11/2016 - 09:39
Con đường ấy đông đúc nhưng vẫn thấp thoáng vẻ dịu dàng của nàng tiểu thư đài các với 2 hàng cây cao đổ bóng xuống những mái ngói thâm nâu. Những người cao niên nhiều năm gắn bó với phố kể rằng, đó là con phố gắn với nhiều sự tích đẹp đẽ của Sài Gòn.
2_bc.JPG
2 hàng cây cao đổ bóng rợp mát

Cách đây khoảng 70-80 năm, vào cuối mỗi tuần, nhiều người Sài Gòn có thói quen dạo phố Hamelin để ngắm cảnh và thưởng thức giai điệu lãng mạn từ những cây guitar trong các tiệm đàn trải dọc con phố. Hồi ấy, con đường này được mệnh danh là “phố đàn”.

Mặc dù phố đàn đã dời sang đường Nguyễn Thiện Thuật từ khá lâu, nhưng đến mãi gần đây, tiếng tăm của những Phùng Đinh, Trần Rắc, Mười Út… vẫn được nhiều người nhắc đến với sự ngưỡng mộ - bởi đó là những nghệ nhân làm đàn guitar giỏi nhất Đông Dương. Đặc biệt, những tay đàn vọng cổ trứ danh như Năm Cơ, Bảy Bá còn hoài nhớ về con phố nhỏ, với những người thợ làm đàn không chỉ giỏi cầm cưa, cầm đục, mà còn có niềm say mê nghệ thuật cải lương ít ai sánh nổi. Chính niềm say mê ấy đã thôi thúc họ sáng tạo ra cây guitar phím lõm để tấu lên những câu vọng cổ mùi mẫn bi ai, mà những người theo Tây học còn gọi bằng một cái tên rất Pháp: “Octavina”.

Ngay cả khi con đường đổi tên thành Hồ Văn Ngà, nghề làm đàn ở đây vẫn rất thịnh. Người ta có thể gặp rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi dạo phố, kiếm mua 1 cây đàn tâm đắc, đồng thời tranh thủ biểu diễn vài khúc nhạc cho người đi đường thưởng thức.

Con đường vốn đã xinh xắn, lãng mạn càng trở nên đáng yêu hơn với những khúc tình ca ngân vọng trong nắng, trong mưa…

*

Theo những đổi thay của thời thế, không khí “chợ búa” dần lấn át cái “chất văn nghệ” của con phố này. Bởi xét về địa lý, nó ở rất gần 2 khu chợ lớn bậc nhất Sài Gòn là chợ Bến Thành và chợ Ông Lãnh. Đặc biệt, chợ Ông Lãnh lúc bấy giờ khét tiếng với giới thương hồ “ăn sóng nói gió” kết hợp với đám giang hồ tứ xứ tụ về, khiến cho nhịp sống trên con đường nhanh chóng bị đảo lộn. Con đường biến thành một phố buôn bán từ đó, cho đến tận bây giờ, khi nó đã mang tên mới: Lê Thị Hồng Gấm từ gần 40 năm nay.

Giờ, nói đến con đường này, người ta thường chỉ biết đó là “phố giày”. Bởi gần như suốt từ đầu đến cuối đường, chỗ nào cũng thấy bán giày, đủ loại ta lẫn Tây, giá từ vài chục ngàn tới dăm bảy triệu đồng. Thời còn sinh viên, tôi cũng từng nhiều lần đến đây để tìm những đôi giày “khác người” với giá “bèo” - phù hợp với túi tiền “còm cõi” của người đang phụ thuộc kinh tế gia đình. Và ngay cả bây giờ, khi cuộc sống của tôi cùng gia đình ở Sài Gòn đã khá ổn định, tôi vẫn chưa từ bỏ thói quen ấy.

1_bc.JPG
Các loại giày, ví da được bán nhiều trên phố

Cô Mai, một người làm nghề may bạt ở đây đã mấy chục năm qua, nói rằng, nghề buôn bán giày xuất hiện vào giữa lúc cuộc sống của người dân đang rất khó khăn trong giai đoạn cuối thời bao cấp. Hồi ấy, những sản phẩm tiêu dùng vô cùng khan hiếm, nên các món đồ cũ nhập qua biên giới Campuchia rất có giá trị. Hàng hóa khi ấy bày bán dọc con đường, trên những sạp nhỏ, chủ yếu dép Lào, dép con voi, dép “Ý” (thực chất là dép xốp của Trung Quốc). Sau đó ít lâu, khi đất nước mở cửa, lại thêm nhiều loại giày “xách tay” đổ vào Việt Nam, gồm cả giày mới và giày “second hand”. Không chỉ bán hàng nhập hay từ các cơ sở sản xuất nội địa, nhiều sạp ở đây còn nhận ký gửi, trao đổi các loại giày dép “thượng vàng hạ cám”. Đường Lê Thị Hồng Gấm chính là nơi đầu tiên bán những đôi giày hàng hiệu, “hàng độc” không thể tìm thấy ở những nơi khác.

Có lần, chúng tôi ghé vào 1 sạp vỉa hẻ hỏi mua đôi giày Ý. Cô chủ sạp cười rất tươi, đưa ra gần chục đôi giày có kiểu dáng rất đẹp, da mềm mượt như nhung: “Chị cứ lấy một đôi đi thử, không thích thì đem ra đổi lại, chẳng phiền gì đâu!”. Thế mới hay, cung cách bán buôn ở đây thật dễ chịu, có thể khiến ai đó dẫu chưa thật ưng ý với món hàng cũng phải mềm lòng mà sẵn sàng móc hầu bao. Sau khi trao cho tôi đôi giày đựng trong chiếc túi nylon màu xanh, cô hàng giày còn nói với lúc tôi đã nổ máy xe: “Chừng nào đi mà thấy không thích nữa thì cứ đem ra đổi. Ở đây còn nhiều đôi xịn lắm, chị xỏ vô thì cứ gọi là sang như bà hoàng…”. Rồi cô còn “bonus” cho tôi tiếng cười giòn tan. Cứ ngỡ như không phải vừa kết thúc một cuộc bán mua, mà là cuộc chia tay của những người bạn vui tính…

***

Những năm gần đây, mặc dù nhiều đổi thay lớn đã diễn ra xung quanh: Chợ Cầu Muối đã bị giải tỏa, những tòa cao ốc chọc trời mọc lên phía cuối đường, song hoài niệm về bóng dáng của ngày xưa vẫn thấp thoáng trong mỗi mái nhà cũ, tán cây, trong câu chuyện của những người đi xa lâu ngày trở về.

Trong những dấu tích xưa còn lại, nhiều người nhắc tới căn nhà số 43 từng là Tòa soạn báo Dân Chúng (cơ quan của Đảng Cộng sản Đông Dương). Đó là căn nhà phố trệt không quá lớn, mái lợp ngói âm dương, tường gạch thô mộc. Mặc dù tờ báo chỉ xuất bản được 80 số rồi đóng cửa, nhưng sự tồn tại gần như nguyên trạng của căn nhà cho đến tận hôm nay như một lối nhỏ dẫn những bước chân tìm về quá khứ đong đầy kỷ niệm…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm