pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nghệ sĩ Hồng Nga: Dám chọc tức NSND Út Trà Ôn, đi hát nguyên một làng mua vé tới xem
Đi diễn phải ngủ bờ ngủ bụi, ngủ dưới hầm sân khấu
Nghệ sĩ Hồng Nga tên thật là Đinh Thị Nga, sinh năm 1946 tại Sài Gòn, trong một gia đình nghèo.
Cha mẹ Hồng Nga đều là người Bắc. Ba bà mất sớm, một mình mẹ nuôi bà từ bé tới lớn. Hồng Nga kể lại, mẹ bà khá khó tính, không cho bà đi hát. Bà thường trốn đi hát rồi lần nào về cũng bị mẹ mắng, nhưng kiên quyết không bỏ đam mê.
Ngay từ nhỏ, Hồng Nga đã mê cải lương nên được một ông thợ hớt tóc biết đờn cổ nhạc dạy hát cho đúng nhịp. Vì có năng khiếu, bà được nhạc sĩ Tám Đen ở Cầu Dừa - quận 4 nhận làm con nuôi. Người nhạc sĩ này đã dạy cho Hồng Nga ca đủ 3 Nam, 6 Bắc, vọng cổ và các bài bản lớn. Ông còn hướng dẫn Hồng Nga đi ca cổ nhạc nơi quán Lệ Liễu trong khu giải trí trường Thị Nghè.
Vừa lớn lên, Hồng Nga đã theo gánh hát Hằng Xuân – An Phước của bà Bầu Sáu Đặng đi diễn khắp nơi, với nghệ danh Kim Nga. Sau đó, bà về đoàn Thống Nhất của NSND Út Trà Ôn hát, được ông dạy dỗ và đổi thành Hồng Nga.
Ngày đó, Hồng Nga đi diễn liên tục, đi khắp miền Tây ra miền Trung. Mỗi lần như vậy, bà thường đi đến 5, 6 tháng, nếu có về Sài Gòn cũng chỉ ở 2 tháng rồi lại đi. Vì không có điều kiện ở gần mẹ để chăm sóc nên Hồng Nga chỉ đi hát rồi đem tiền về nuôi mẹ.
Cuộc đời đi hát của Hồng Nga khá cực nhọc, luôn phải ngủ bờ ngủ bụi. Chỗ nào có phòng trọ thì thuê, không thì phải trải chiếu dưới hầm sân khấu mà ngủ. Bà đi diễn gần như kín hết miền Trung, ra tới tận Huế, chỗ nào cũng có mặt Hồng Nga. Lắm hôm diễn ở Huế, bà phải ngủ trên thuyền. Thuyền rung lắc quá nên ngủ không nổi.
Tuy nhiên, khi nhớ lại những ngày tháng gian khổ đó, Hồng Nga lại thấy rất vui vì nghệ sĩ được đoàn tụ, ăn ở chung với nhau, trò chuyện rôm rả. Hễ gặp nhau là lại xúm vào nói chuyện.
Gây lộn vì thấy khán giả khóc giàn dụa khi xem mình diễn
Như đã nói, gánh hát đầu tiên Hồng Nga tham gia là gánh hát Hằng Xuân – An Phước của bà bầu Sáu Đặng.
Nữ nghệ sĩ kể lại, đoàn này nghèo lắm, kéo phông màn lên mà rách te tua, nên nghệ sĩ đi hát cũng cực khổ, nhưng được cái vui. Ở đoàn, Hồng Nga dù không có ngoại hình, lại lùn, không biết mang giày cao gót, cũng không có tiền mua, nhưng lại luôn đươc giao hát đào chánh vì giọng rất hay, vừa ca đã khiến mọi người mê mẩn, chẳng ai trong đoàn hát hay hơn.
Tuy được nhiều đoàn lớn hơn mời về, nhưng Hồng Nga thương bà bầu nên không đi. Mãi tới khi không chịu nổi nữa, bà mới xin về đoàn Thống Nhất của NSND Út Trà Ôn.
Vì đây là đoàn hát lớn, tập trung nhiều nghệ sĩ danh tiếng nên Hồng Nga bị các kép, đào khác trù dập vì thấy bà quê mùa. Nhưng Hồng Nga cũng là người cá tính mạnh mẽ, bộc trực nên bị bắt nạt là phản ứng lại. Bà tự nhận, cuộc đời dạy bà phải như thế, nếu cứ hiền lành sẽ bị vùi dập.
Thậm chí, Hồng Nga còn dám chọc tức NSND Út Trà Ôn. Có lần, Hồng Nga được giao đóng vai mẹ của Út Trà Ôn. Sở dĩ được giao vai già dù còn rất trẻ vì Hồng Nga vốn có giọng mang âm sắc thổ pha đồng, trầm nhưng vang như tiếng chuông, phát ra rất đầm. Vì đóng vai này nên mỗi khi bị nghệ sĩ Út Trà Ôn mắng, Hồng Nga lại nói: "Này, tôi là mẹ ông đấy".
Trong sự nghiệp của mình, Hồng Nga được đánh giá là một nghệ sĩ tài ba và đa năng, có thể hóa thân vào nhiều nhân vật khác nhau và đóng vai nào cũng đạt, ra chất, lấy trọn cảm xúc khán giả. Bà đóng bi ra bi, hài ra hài, vào vai phản diện thì khiến người xem ghét cay ghét đắng, nhưng đóng chính diện lại lấy nước mắt khán giả.
Vở diễn đình đám nhất khi đó của Hồng Nga là Tuyệt tình ca, đóng với NSND Út Trà Ôn. Bà vào vai bà giáo Lan, khiến khán giả say mê, kéo đến đông mấy tháng trời. Lúc ấy, Hồng Nga đi hát mà có nguyên một làng, một xóm kéo tới mua vé, kín hết sân khấu. Người nào người nấy rơi nước mắt giàn dụa vì quá xúc động trước vai diễn của bà.
Thậm chí, nhiều khi Hồng Nga còn gây lộn với khán giả vì thấy họ đi xem khổ cực quá. Bà bảo, xem mà cứ khóc thế này thì xem làm gì. Khán giả thấy thế mới đáp: "Tại bà làm chúng tôi khóc chứ ai".