Nghệ sĩ Phạm Việt Tùng kể chuyện quay phim với cố NSND Trần Phương

Minh Anh
27/08/2020 - 13:51
Nghệ sĩ Phạm Việt Tùng kể chuyện quay phim với cố NSND Trần Phương

Cố NSND Trần Phương (phải) và bạn diễn Đức Hoàn trong phim "Vợ chồng A Phủ" (Ảnh tư liệu)

NSND Trần Phương, vai A Phủ trong "Vợ chồng A Phủ", đã qua đời ngày 26/8 vì tuổi cao sức yếu, để lại tiếc thương cho nhiều người, trong đó có đồng nghiệp-nhà quay phim Phạm Việt Tùng.

“Anh em chúng tôi làm việc, chơi thân với nhau, yêu quý nhau lắm. Ông ấy mất rồi mọi người đều thương,” người quay những thước phim “Vợ chồng A Phủ” (tác phẩm của đạo diễn Mai Lộc năm1961) - NSƯT Phạm Việt Tùng bày tỏ sự tiếc thương khi nghe tin NSND Trần Phương qua đời, hưởng thọ 90 tuổi.

Chia sẻ về người đồng nghiệp thân quý của mình với PV, ông cho biết người anh Trần Phương diễn theo bản năng chứ không theo học trường lớp. Ở vị trí đạo diễn, ban đầu Trần Phương phụ việc cho đạo diễn Trần Vũ rồi mới lên đạo diễn, cho ra tác phẩm ‘Rừng lạnh’ hay là ‘Hy vọng cuối cùng’...

Tuy vậy, vai diễn của Nghệ sĩ Trần Phương (A Phủ) cùng bạn diễn Đức Hoàn (Mị) đã để lại tác phẩm đáng nhớ trong lòng nhiều thế hệ khán giả Việt Nam khi khắc họa ấn tượng nhân vật.

“Hồi đó, đoàn làm phim phải đi thực tế hàng tháng liền và tìm hiểu về phong tục của người Mông. Địa điểm quay là khu vực Chùa Trầm và núi Cốt 400 của Ba Vì, trước đó, cả đoàn phải đi thực tế ở Tà Xùa, Sơn La. Anh Trần Phương với nữ diễn viên Đức Hoàn đến ở với bà con để tìm hiểu phong tục của họ,” nhà quay phim Phạm Việt Tùng kể lại.

Nghệ sĩ Phạm Việt Tùng kể chuyện quay phim với cố NSND Trần Phương - Ảnh 1.

Nghệ sĩ ưu tú, nhà quay phim Phạm Việt Tùng (trái) là người quay phim cho "Vợ chồng A Phủ" (Ảnh: NVCC)

“Có lúc quay phim, diễn cảnh cõng nước lại phải đi qua đúng đoạn hồi nãy có người vệ sinh ở đó, thế là phải dọn đi để có chỗ diễn,” Nghệ sỹ ưu tú Phạm Việt Tùng nhớ lại quá trình làm phim.

Nằm trong chương trình Ngữ Văn 12, truyện "Vợ chồng A Phủ" được nhiều thế hệ học sinh yêu mến và trích dẫn lời thoại, hình ảnh trong cuộc sống đời thường. Tác phẩm này là nguồn cảm hứng cho "hiện tượng" Youtube "1997Vlog," cặp anh em sinh đôi Trung Anh, Việt Anh "chế biến" lại những tác phẩm bất hủ trong nền văn học Việt pha lẫn với khiếu hài hước của người trẻ hiện nay, đưa các tác phẩm ngày xưa đến gần hơn với thế hệ mới.

Nghệ sỹ nhân dân Trần Phương (1930-2020) sinh ra tại Thái Nguyên. Ông là đạo diễn, diễn viên thuộc thế hệ trước, trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến của đất nước.

Ông bắt đầu đóng phim năm 1960, mở đầu sự nghiệp với vai chính A Phủ trong “Vợ chồng A Phủ,” (1961) sau đó ông tiếp tục tham gia trong các phim “Chị Tư Hậu” (1962) đóng vai chồng Nghệ sỹ nhân dân Trà Giang, “Trên Vĩ tuyến 17” (1965), “Tiền tuyến gọi” (1969), "Vợ chồng anh Lực" (1973) của cố đạo diễn Trần Vũ - người mà Trần Phương sau này đi theo để hỗ trợ, học việc...

Từ năm 1981 đến năm 1994, ông bắt đầu trở thành đạo diễn, cho ra mắt phim đầu tay “Hy vọng cuối cùng” có sự tham gia của Nghệ sỹ ưu tú Đặng Tất Bình, nữ diễn viên Như Quỳnh. Bộ phim đã giành giải Bông sen bạc tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ VI và Nghệ sỹ nhân dân Trần Phương đạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất....

Nghệ sĩ Phạm Việt Tùng kể chuyện quay phim với cố NSND Trần Phương - Ảnh 2.

Cố nghệ sĩ Trần Phương (Ảnh: Quý Đoàn)

Năm 2001, đạo diễn Trần Phương được trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân. Tới năm 2007, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các phim “Hy vọng cuối cùng,” “Dòng sông hoa trắng.” Cũng trong thập niên này, ở tuổi ngoài 70, ông vẫn tiếp tục sự nghiệp, đam mê phim ảnh của mình qua các bộ phim "Đêm Bến Tre" (đề tài Đồng Khởi Miền Nam) và "Khi người ta yêu nhau."

Ông Trần Như Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Phim truyện 1, cho biết Lễ viếng Nghệ sỹ nhân dân Trần Phương sẽ được gia đình cùng Công ty Phim truyện 1 tổ chức tại Nhà tang lễ Phùng Hưng (Hà Nội), ngày 30/8 từ 14 giờ 20 đến 15 giờ 30.

Nguồn: Vietnam+
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm