pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nghệ sĩ Trịnh Việt Cường hát để vơi nỗi lòng xa xứ ngày Tết
Ca sĩ – nhạc sĩ Trịnh Việt Cường cho biết, anh và gia đình cố nhạc sĩ Bắc Sơn có mối giao tình sâu nặng. Anh chia sẻ: "Tôi có cơ duyên biết chú Bắc Sơn khi làm chung với chú và thím ở Đoàn Ca nhạc kịch Bông Hồng trước đây. Phải nói đây là quãng thời gian tuyệt vời nhất trong đời tôi khi được tiếp cận với dàn sao của thập niên 1980 như các anh chị Thẩm Thúy Hằng, Tú Trinh, Bạch Lan Thanh, Nguyển Chánh Tín, Trần Quang, Huỳnh Thanh Trà...
Đặc biệt chú Bắc Sơn người mà tôi có nhiều ấn tượng nhất với giọng nói vang, mạnh mẽ, khẳng khái mỗi khi phát biểu trong các buổi họp Đoàn. Viết được bài hát mới, chú thường nói cho tôi biết. Chú hay chia sẻ với tôi khi tâm đắc với một ca khúc nào đó. Có lần chú bảo tôi: "Cường có giọng hát truyền cảm ấm áp, hát dân ca Nam Bộ hay lắm".
Còn thím Bắc Sơn - nhà thơ Ngọc Bích, là một phụ nữ rất yêu chồng. Thím săn sóc cho chú tùng ly tùng tí. Thím làm việc trong bộ phận phục trang của Đoàn, rất hiền lành, vui vẻ và được mọi người quý mến, thương yêu".
Trong gia đình nhạc sĩ Bắc Sơn, nghệ sĩ Trịnh Việt Cường rất thân với người con trai cả Thái Dũng. "Anh Thái Dũng thường xuyên đến Đoàn Bông Hồng chuyện trò với tôi. Nhiều hôm, chúng tôi ngồi quán café cùng nhau tâm sự vui buồn đến khuya. Anh Thái Dũng là một người bạn hiền lành, tử tế, vui vẻ và đặc biệt là anh rất thương yêu, chu đáo với các em gái của mình", ca sĩ – nhạc sĩ Trịnh Việt Cường cho biết.
Sau khi qua Mỹ định cư, nghệ sĩ Trịnh Việt Cường không thường xuyên liên lạc với những người bạn, người em của mình trong gia đình nhạc sĩ Bắc Sơn. Cách đây mấy ngày, khi gọi điện về cho Bích Lan – diễn viên kịch của Đoàn Kim Cương trước đây và là 1 trong 5 người con gái của nhạc sĩ Bắc Sơn, anh mới biết Thái Dũng qua đời đã 3 năm. "Tôi nghẹn ngào không cầm được nước mắt. Bao nhiêu kỷ niệm lại ùa về…", anh bày tỏ.
Cảm xúc dâng trào trong lòng Trịnh Việt Cường, thôi thúc anh thể hiện ca khúc Em đi trên cỏ non nổi tiếng của nhạc sĩ Bắc Sơn. "Đây là bài hát mang âm hưởng dân ca Nam bộ mượt mà, tha thiết mà tôi rất thích. Tôi hát để tri ân, để tưởng nhớ người chú kính yêu và người anh thân thiết mà mình không bao giờ có cơ hội gặp lại nữa. Đây cũng là một cách để tôi làm dịu bớt nỗi nhớ thương trong lòng mình, nhất là khi Tết đang cận kề", anh bộc bạch.
Nghệ sĩ Trịnh VIệt Cường hát "Em đi trên cỏ non"
Cũng như bao người con đất Việt, Tết luôn là thời điểm quan trọng, thiêng liêng đối với nghệ sĩ Trịnh Việt Cường. Sống xa xứ sở, mỗi khi Tết đến Xuân về anh lại càng nhớ quê hương, nhớ những cái Tết quê nhà hơn bao giờ hết. Đặc biệt, khi những lời ca của Em đi trên cỏ non như nói hộ tiếng lòng của người con tha hương: "Cha già… nơi quê nhà mong đợi. Bước chân con… nơi xứ xa quê người. Tuổi thơ êm đềm… cha dắt dìu quên sắc. Từng bước chân con trên cỏ non xanh mượt. Tiếng ru tình quê hương… vấn vương lòng tha phương".
Nghệ sĩ hải ngoại Trịnh Việt Cường chia sẻ thêm, dù Em đi trên cỏ non đã được nhiều ca sĩ thể hiện rất thành công, nhưng anh không cảm thấy áp lực. Theo anh, mỗi người có một cái riêng, anh luôn mong và tin mình sẽ được khán giả yêu thương ủng hộ. Anh cũng cho biết, anh luôn mong được về Việt Nam sinh sống và biểu diễn. "Nếu không có dịch bệnh thì tôi đã về Việt Nam trong mùa hè năm vừa rồi để thực hiện liveshow Bài tình ca Da vàng. Bước sang năm mới 2021, tôi mong tình hình dịch bệnh sẽ được kiểm soát, mang lại cuộc sống bình thường cho mọi người và tôi có thể thực hiện được ước nguyện của mình là hát ở nơi mình sinh ra", anh nói.
Nghệ sĩ Trịnh Việt Cường trước đây là ca sĩ của Đoàn Ca nhạc kịch Bông Hồng với nghệ danh là Quốc Cường. Khi sang định cư ở hải ngoại, anh đổi nghệ danh. Anh sáng tác nhiều thể loại, từ những bài hát quê hương đến ca khúc về tình yêu đôi lứa như: Thương mẹ Việt Nam, Tiếng nhạn kêu sương, Đường về quê xưa, Tình nhạt phai, Vẫn là em hôm qua, Nhật ký cho con, Con tàu cuối sân ga...
Ngoài sáng tác, nhạc sĩ Bắc Sơn còn là một diễn viên nổi tiếng. Ông tham gia diễn xuất trong khoảng 60 phim điện ảnh, là tác giả của 80 kịch bản phim. Ông được phong tặng NSƯT năm 1997.