Tin tổng hợp

Nghệ sỹ Nguyễn Thị Dũng: Sinh ra để làm gốm

Thế Anh 07/11/2019 - 07:47 AM
Nữ tính, bình dị với những chủ đề luôn gần gụi thiên nhiên, đó là phong cách sáng tác mà nghệ sỹ gốm Nguyễn Thị Dũng đã định hình cho những tác phẩm của mình.

“Cơm áo không đùa với khách thơ”

Xưa nhà thơ Xuân Diệu đã viết: “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Có lẽ thời nào cũng vậy, không chỉ riêng nhà thơ mà người nghệ sỹ nói chung, để sống chân chính với nghề, chưa bao giờ là điều dễ dàng. Dẫu vậy, Nguyễn Thị Dũng đã kiên quyết chọn cho mình con đường nhiều chông gai đó bởi như thế chị mới được thỏa sức cho niềm đam mê sáng tác.

 

Nghệ sỹ gốm Nguyễn Thị Dũng 

Khi nhiều bạn bè Cao đẳng Mỹ thuật Đồng Nai ra trường rẽ sang chuyên ngành khác thì Nguyễn Thị Dũng vẫn cặm cụi với gốm, tính đến nay cũng gần 20 năm chị gắn bó với nghề. Chị làm việc tại nhiều bộ phận của nhiều công ty gốm khác nhau, học hỏi được rất nhiều kiến thức mà cho đến giờ chị vẫn cảm thấy đó là điều vô cùng may mắn. Tuy vậy, môi trường làm việc tập trung vào tính ứng dụng cao nên chị khó có thể bay bổng trong sáng tác.

 

 

Năm 2014, khi vẫn đang làm ở công ty, chị cùng chồng là nghệ sỹ gốm Ngô Trọng Văn quyết định mua một chiếc lò nung để làm gốm handmade, một tài sản khá lớn trong lúc không dư giả chỉ để thỏa niềm đam mê chứ bước đầu chưa nghĩ đến việc thu hồi vốn.

Là người thích sự sáng tạo, mới mẻ, không muốn đi theo những gì trước giờ vẫn làm nên Dũng đã điều chỉnh đất, điều chỉnh men dẫn đến tỷ lệ hư rất cao. Mẻ đầu hư 50%, mẻ sau tỷ lệ hư còn cao hơn. “Có thời điểm tiền lương hàng tháng lĩnh về chỉ để “đốt lò”, cứ như là mình đang đốt tiền vậy”, Nguyễn Thị Dũng chia sẻ về những gian nan ngày đầu khởi nghiệp.

 

 

Khó khăn chồng chất, bế tắc bủa vây khiến nhiều lần chị muốn bỏ cuộc. “Nhưng Ông Tổ nghề cũng vui lắm, không bao giờ để mình phải thất bại hoàn toàn, những lúc đang cảm thấy đuối lắm rồi thì tác phẩm xuất sắc lại đột nhiên xuất hiện níu mình lại”, chị tâm sự.

 

Quá trình định hình phong cách riêng

Sau 2 năm trải qua nhiều biến cố, mọi việc cũng dần đi vào ổn định, chị nghỉ hẳn việc công ty để tập trung phát triển sự nghiệp riêng.

Dũng đặc biệt quan tâm đến khâu chọn lọc và xử lý đất. Đất mua về được ủ một thời gian, khi mang ra làm lại nhồi lại. Mỗi sáng Dũng đều dành một khoảng thời gian cho việc nhồi và ủ đất. Ngoài ra, chị còn chú trọng đến men màu, một tác phẩm thường được sử dụng nhiều màu như tranh vẽ chứ không phải làm gốm; sản phẩm dù nhỏ hay lớn cũng phải sử dụng nhiều lớp men. Đó cũng là điểm khác biệt trong các tác phẩm của nghệ sỹ gốm Nguyễn Thị Dũng mà khó có thể sao chép được.

 

 

Bất kể kỹ thuật nào trong gốm, Dũng cũng luôn cố gắng để làm tốt nhất. Tuy nhiên, chị thiên về đắp nổi, chạm và lộng. Cứ vài tháng chị làm về đắp nổi rồi luân phiên qua kỹ thuật khác, mỗi lần thay đổi sẽ có một sự nâng cao. Trong một tác phẩm cũng thường có sự kết hợp của nhiều kỹ thuật và màu sắc. Ví như trước giờ kỹ thuật lộng khó đưa vào ứng dụng, thường dùng để đèn là chính. Dũng đã kết hợp lộng một phần ở trên, phần dưới có thể ứng dụng để cắm hoa

 Hiện chị có dòng gốm ứng dụng và dòng tác phẩm tách biệt. Với dòng gốm ứng dụng, các sản phẩm của Dũng cũng không giống nhau hoàn toàn, có thể khác về màu sắc hay sự nhấn nhá của các họa tiết. Chị cũng trăn trở nhiều với mảng ứng dụng nên đã có những tiết chế trong sáng tác. Những cánh hoa, những bông hoa không bay bổng được như sáng tác vì còn tính toán đến tính năng sử dụng có tốt hay không, quá trình vận chuyển có dễ sứt mẻ?.

 

Người sinh ra để làm gốm

Chị dành nhiều thời giờ cho công việc sáng tác và những tác phẩm của Dũng đã để lại dấu ấn riêng cho những ai từng thấy, từng sưu tập.

 

Chiêm ngưỡng tác phẩm của chị, ta cảm nhận được sự bình dị, gần gũi với thiên nhiên. Dù ứng dụng kỹ thuật chạm hay đắp nổi, người xem vẫn luôn thấy hình ảnh trong trẻo, tươi mới của những cánh rừng, nụ hoa hay những chú chim… Sáng tác của Nguyễn Thị Dũng luôn hướng tới tình yêu cuộc sống, sức vươn mãnh liệt của sự sống.

Ngập tràn trong các sáng tác của chị là hoa nên chị từng được nhắc tới với tên gọi “người làm hoa nảy mầm từ đất sét”. Dưới bàn tay điêu luyện của chị, những đóa hoa gốm cũng trở nên thật mềm mại, nhẹ nhàng, mang trong mình tâm hồn dung dị của người nghệ sỹ cùng hơi thở cuộc sống.

 

Mỗi năm, chị sẽ chọn một chủ đề hoa để chuẩn bị cho triễn lãm. Mặc dù các triển lãm trước đây đều là triển lãm nhóm nhưng bộ sưu tập hoa của chị luôn để lại ấn tượng khó phai cho những người yêu nghệ thuật gốm. Bộ sưu tập 2019-2020 sẽ gồm 3 loài hoa: bưởi, khế và chuối, dự kiến ra mắt công chúng vào tháng 1 năm 2020.

Không màu mè, đa sắc như những gam men màu chị sử dụng cho các tác phẩm của mình, Dũng cá tính nhưng bình dị và khiêm tốn. Chị không nói về thành công mà gọi đó là những điều làm được và chưa làm được. Với tinh thần không ngừng học hỏi, chị luôn để các tác phẩm lỗi trước mặt để ngày ngày cố gắng làm tốt hơn.

Để định hình nên một phong cách Nguyễn Thị Dũng như ngày hôm nay, tất cả xuất phát từ tình yêu mãnh liệt với nghệ thuật gốm hay như chồng chị, nghệ sỹ gốm Ngô Trọng Văn nhận xét: “Có thể nói Dũng mang trong mình niềm đam mê gốm rất ghê gớm”.

 

Vợ chồng nghệ sỹ gốm Nguyễn Thị Dũng và Ngô Trọng Văn

 

Viết về Dũng, bất chợt tôi nhớ tới câu nói của nữ triệu phú da màu đầu tiên trên thế giới: “Không có con đường trải hoa dẫn lối đến thành công mà nếu có chắc tôi cũng không nhìn thấy nó”. Dũng cũng đã bước trên một con đường gập ghềnh sỏi đá và tự mình gieo mầm cho những đóa hoa để sự sống được hồi sinh trên mảnh đất khô cằn như  ý tưởng trong bộ sưu tập “Mầm xanh” của chị. 

Thông tin liên hệ:

Nghệ sỹ gốm Nguyễn Thị Dũng

Địa chỉ: 118N Nguyễn Thái Bình, Phường Phú Hòa, Tỉnh Bình Dương.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn