Nghe Thu Phương kể 'Mùa thu của Phương'

11/11/2016 - 09:35
Hôm nay (11/11), ca sĩ Thu Phương sẽ tổ chức đêm nhạc “Mùa thu của Phương” tại Hà Nội để kỷ niệm 30 năm ca hát của mình. Đêm nhạc hoàn toàn do Thu Phương bỏ tiền túi ra thực hiện và không bán vé.

Đêm nhạc tạ ơn cuộc đời

Rất nhiều người sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để được nghe Thu Phương hát. Nếu bán vé “Mùa thu của Phương”, có phải chị vừa được làm đêm nhạc đặc biệt, vừa có thêm một khoản kha khá không?

Tôi đi hát cả 30 năm rồi mà. 30 năm đó, tôi đã gặt hái được rất nhiều. Đêm nhạc này tôi muốn làm như một lời tạ ơn cuộc đời, tạ ơn thầy cô, bạn bè… đã giúp đỡ tôi trên con đường nghệ thuật. Người ta còn bán cả nhà cửa để làm được điều mình muốn kia mà!

Tại sao chị lại chọn Nhà hát Tuổi trẻ chứ không phải một sân khấu lộng lẫy, đẳng cấp hơn?

Nhiều người cũng đã động viên và sẵn sàng đứng ra giúp đỡ để tôi làm ở những sân khấu lớn hơn. Nhưng Nhà hát Tuổi trẻ chính là nơi tôi đã gắn bó những ngày đầu tiên khi rời Hải Phòng lên Hà Nội theo đuổi đam mê âm nhạc. Có lẽ sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ không đủ sang trọng, hoành tráng như mọi người kỳ vọng, nhưng tôi tin không có sự lựa chọn nào khác ý nghĩa và phù hợp với tôi hơn thế. Nó có thể không hoàn hảo, nhưng cảm xúc và ý nghĩa câu chuyện mới là quan trọng. Tôi biết mình sẽ đầy cảm xúc khi được kể lại câu chuyện 30 năm của mình tại nơi tôi đã đặt chân đầu tiên này, bởi với tôi đây thực sự là một sự trở về.

1nv.jpg

Với quy mô nhỏ của Nhà hát Tuổi trẻ, sẽ rất nhiều người nuối tiếc khi không được nghe Thu Phương hát ở một chương trình mà chị dành trọn vẹn cảm xúc?

Tôi nghĩ chuyện đó bây giờ không quá khó khăn, khi có nhiều kênh livestream chất lượng tốt để khán giả có thể cập nhật, theo dõi.

Ngày 11/11 có ý nghĩa riêng gì với chị không, hay chỉ đơn giản là con số dễ nhớ?

Tôi muốn tổ chức đêm nhạc vào đúng ngày 25/9 kia, ngày mà 30 năm trước con bé Thu Phương 14 tuổi ốm nhách ốm nheo đặt chân đến Nhà hát Tuổi trẻ. Nhưng tôi không có đủ thời gian để chuẩn bị. Tôi nghĩ tháng 11 cũng có điều đặc biệt khi mình được cảm ơn thầy cô, các anh chị, bạn bè đã cưu mang, giúp đỡ mình. Còn ngày 11, là tôi cứ chọn, không hề xem ngày, chỉ linh cảm đó là ngày đẹp. Với tôi, đó là một ngày tuyệt vời, khi dự án của tôi được nhiều người ủng hộ, mọi việc đều thuận buồm xuôi gió.

Trong đêm nhạc chắc không thể thiếu sự hiện diện của Jimmy Nguyễn?

Quả thực, nếu không được làm khách mời trong live show của Jimmy Nguyễn vào năm 1997, thì câu chuyện của Thu Phương giờ này đã khác. Có thể tôi sẽ không được nhiều người biết đến như bây giờ. Anh Jimmy Nguyễn đã hủy sô tháng 9 để về nước hát trong “Mùa thu của Phương” dự kiến tổ chức vào thời gian đó. Nhưng do tôi không kịp chuẩn bị, chuyển sang tháng 11 như bạn biết, nên anh ấy không tham gia được.

Đứng cùng sân khấu của tôi là anh Quang Linh, người đã chứng kiến những chặng đường đầu tiên của tôi và khá gắn bó với tôi trong sự nghiệp. 2 khách mời đặc biệt khác là nhạc sĩ Việt Anh và Hoàng Dũng - học trò của tôi ở “The Voice”.   

2nv.JPG

Cuộc trở về với kỷ niệm

Chị gọi đêm nhạc “Mùa thu của Phương” là một cuộc trở về, là một dự án được làm bằng kỷ niệm. Có thể hình dung Thu Phương trong kỷ niệm như thế nào nhỉ?

Ngày đầu tiên đặt chân đến Nhà hát Tuổi trẻ, 30 năm rồi mà với tôi vẫn như hôm qua. Khi bố dẫn tôi đến Nhà hát theo giấy nhập học, tôi là một con bé đen nhẻm, còi cọc, cao chỉ 1,39m. Tôi không quên được, trước khi về Hải Phòng, bố tôi gửi cho cô giáo tiếp nhận tôi 1 gói mì chính và nghẹn ngào nói: “Cháu bé quá, chúng tôi thương cháu lắm nhưng không biết làm thế nào. Gia đình nghèo, chỉ có gói mì chính làm quà, nhờ các cô cưu mang cháu”.

Hồi ấy, tôi được phân ở trong 1 căn phòng rất nhỏ, chỉ 6m2, trong đó có 1 cái giường, 1 cái xô nhựa, 1 cái chạn và 1 cái vali rất bé. Hành trình của tôi bắt đầu như thế, khó khăn và đầy nước mắt. Chiều nào cũng vậy, cứ khoảng 4-5 giờ là tôi lại khóc. Đi học, tôi như không có việc gì ngoài khóc. Lúc đó tôi bé quá, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, thiếu thốn tình cảm, nhìn xung quanh đâu cũng thấy khó khăn. Nói thật là tôi hoang mang lắm, không biết rồi mình sẽ ra sao. Tôi nhớ ô cửa sổ trong căn phòng trên tầng 5 của Nhà hát Tuổi trẻ, chỉ cần đưa tay ra ngoài là với được hoa sữa. Mùi hương hoa sữa và ánh đèn của đường phố khi bắt đầu chiều tối ám ảnh cả tuổi thơ cô độc của tôi. Khi đó, những nhà ở xung quanh cơm nước, sum vầy, chỉ có tôi một mình…

Có bao giờ chị trách bố mẹ đã để chị rời xa gia đình quá sớm?

Tôi đã đặt câu hỏi là tại sao bố mẹ lại để mình đi. Nhưng hỏi không phải để trách. Làm cha mẹ, ai chẳng muốn bao bọc con trong vòng tay của mình. Bố mẹ biết tôi có năng khiếu, có đam mê nên đã gạt đi nỗi nhớ, chấp nhận cho con đi xa. Và họ tin con sẽ vượt qua được, sẽ thực hiện được ước mơ. Đến giờ này, câu trả lời cho tôi là bố mẹ đúng. Tôi thực sự cảm ơn quyết định… “khủng khiếp” của bố mẹ mình.

Chị được gọi là “ca sĩ của nước mắt” vì rất hay khóc trên sân khấu. Phải chăng sự nhạy cảm đó được hình thành từ những năm tháng tuổi thơ thiếu thốn?

Không phải tôi ôn nghèo kể khổ nhưng trời ơi, làm sao quên được những năm tháng ấy! Tôi nhớ những lần hết tiền, hết gạo phải bắt xe buýt, thậm chí là đi bộ, đến tận khu Mai Dịch ăn nhờ các anh chị đồng nghiệp. Tôi đã trải qua nhiều thăng trầm, từ hát không tiền, đến mức cát-xê 1 ngàn, 4 ngàn, 10 ngàn, 17 ngàn, rồi 200 ngàn đồng… Nhiều lần ăn phở ký nợ ở gần Nhà hát, đi diễn về mới có tiền trả. Lắm lúc tôi cũng tự hỏi làm thế nào mà mình vượt qua được. Thế nên, khi hát những gì gợi về những kỷ niệm, tôi xúc động vô cùng, lần nào tôi cũng khóc. Tôi thậm chí còn không cất tiếng lên hát được vì quá nghẹn ngào.

Tuy nhiên, tôi khóc nhiều không có nghĩa là tôi yếu đuối. Suốt những năm tháng tuổi trẻ cho đến sau này, tôi thấy mình vẫn đủ mạnh mẽ để đối diện với nỗi đau và sóng gió. Tôi thấy nỗi buồn hay niềm vui đều có giá trị riêng của nó và càng đau đớn, tôi càng hát mãnh liệt, khát khao.

3nv.JPG

Không muốn Dũng Taylor bênh vực mình

Người đàn ông bên cạnh chị, anh Dũng Taylor, vẫn thường bênh vực chị trên truyền thông và mạng xã hội mỗi khi chị trở thành tâm điểm của dư luận. Chị thấy sao về điều này?

Nói thật là tôi không thích. Nếu khán giả lên tiếng tôi, tôi sẽ cảm thấy hạnh phúc vì họ yêu quý mình. Nhưng anh Dũng Taylor là chồng tôi, khi anh ấy bênh vực tôi, người ta sẽ cảm thấy có sự thiên vị. Tôi không muốn như vậy. Song, tôi tôn trọng những điều anh ấy làm, vì đó là quyền của anh ấy.

Vậy trong gia đình thì sao? Có khi nào chị cảm thấy tình yêu quá lớn mà Dũng Taylor dành cho mình là một gánh nặng?

Anh Dũng luôn làm mọi thứ để mọi người yên tâm rằng tôi đã có một người đàn ông đến đúng lúc trong cuộc đời. Anh ấy không ngừng chứng tỏ cho mọi người thấy anh có thể làm mọi thứ cho cha mẹ, con cái và bản thân tôi. Thực lòng, điều đó không phải lúc nào cũng khiến mình dễ chịu, bởi mình nhận được quá nhiều.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm