'Nghi án' lừa đảo 15.000 tỉ đồng tiền ảo: Còn nhiều đường dây khác?

13/04/2018 - 16:09
Theo một số người từng tham gia đầu tư tiền ảo, hiện ở Việt Nam không chỉ có Modern Tech với 'sản phẩm' iFan mà thực tế còn có nhiều đường dây huy động vốn thông qua hình thức đầu tư tiền ảo đa cấp đang tồn tại và hoạt động khá manh, số người tham gia có thể từ vài nghìn đến vài chục nghìn.

Ngay sau khi thông tin nhiều người tố Modern Tech có dấu hiệu lừa đảo hàng chục nghìn người với số tiền lên đến 15.000 tỉ đồng, chị Na, 36 tuổi, hiện làm việc cho một doanh nghiệp nước ngoài ở quận 2, TPHCM, tỏ ra khá lo lắng. Chị không tham gia đường dây của Modern Tech nhưng lại đang tham gia một đường dây khác cũng có phương thức hoạt động tương tự.

“Tôi đưa vô đó vài chục ngàn USD từ hồi tháng 11 năm ngoái, mỗi tháng được nhận tiền lãi từ vài trăm đến hơn 1.000 USD. Giờ thấy bên Modern Tech như vậy, mình cũng chỉ cầu sao “nó” tồn tại đến khi mình lấy đủ vốn thôi!”, chị Na chia sẻ.

Chị Na cho biết, trong gia đình chị còn có một số người trước kia tham gia sàn tiền ảo Bitconnect thông qua người thân bên Mỹ. Cách đây ít lâu, sàn này bị “sập” do nhà chức trách “sờ gáy”, khoản tiền “quăng” vô đó không “chạy” kịp, mất gần 50.000 USD.

Anh Cường Phạm, một chuyên gia về tin học - tài chính, phân tích: Xét về bản chất, kiểu “đầu tư tiền ảo đa cấp” của Modern Tech có nhiều nét tương đồng với phương thức hoạt động của Bitconnect. “Nếu như Bitconnect là một trong số các đồng tiền thuật toán vận hành dưới dạng mô hình Ponzi, được cộng đồng thế giới khẳng định chắc chắn là mô hình đa cấp biến tướng trong suốt năm 2017, thì iFan của Modern Tech có vẻ “hạ cấp” hơn, khi nó không phải là “tiền thuật toán”, mà chỉ là một loại “tiền” được các “nhà sáng lập” phát hành mà hoàn toàn không có chút giá trị gì. Sự giống nhau giữa 2 loại “tiền ảo” này là vận hành theo mô hình đa cấp biến tướng, lấy tiền của nhà đầu tư sau trả cho nhà đầu tư trước - một cách lừa đảo đã quá phổ biến tại Việt Nam”, ông Cường giải thích.

1.jpg
Một dự án đầu tư tiền ảo
 

Theo ông Cường và chị Na, ngay cả sau khi xảy ra “sự cố” đối với iFan, có không ít nhà đầu tư tiếp tục “quăng” tiền vào một số mã vẫn còn huy động vốn lãi cao. Thậm chí, chính những “nhà đầu tư” đã bị mất tiền ở iFan cũng đổ xô sang đầu tư các mã khác mong gỡ gạc!

Qua tìm hiểu, được biết hiện có một số “gói đầu tư” với số tiền 1.000 USD, hứa trả lãi 30%/tháng và trả gốc sau 189 ngày (hơn 6 tháng). Số tiền đầu tư càng lớn, thời gian rút gốc càng ngắn. Nếu đầu tư gói 10.000 USD trở lên có thể rút gốc sau 99 ngày. “Sự thật là cũng có một số người “thắng” với kiểu “đầu tư” này. Họ nằm trong số những nhà đầu tư “thế hệ đầu tiên”, kịp thu hồi vốn và hưởng một phần lãi trước khi đường dây gặp “sự cố”.

2.jpg
Trang giới thiệu dự án tiền ảo VNDC

 

Hiện có một số đồng tiền ảo khác sắp sửa “trình làng”, một số nhà đầu tư “cấp 1” đang ra sức “chiêu binh mãi mã”, rủ rê những người khác “quăng” tiền vào. Trong đó nổi bật hơn cả là đồng Martcoin, dự kiến sẽ được tung ra trong quý II/2018 cùng lúc trên nhiều nước, với chương trình huy động vốn lãi suất 1%/ngày. 

Có vẻ như cái “mác” cách mạng công nghiệp 4.0 cùng các khái niệm “trí tuệ nhân tạo” và “blockchain” đang được một số tay lừa đảo lợi dụng để “làm hoa mắt” nhiều người khác, qua đó thực hiện hành vi lừa đảo của mình một cách dễ dàng hơn?!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm