Nghị định 19: Công cụ cần thiết để kiểm soát 'tín dụng đen' hình thức hụi, họ

03/03/2019 - 12:00
Rất nhiều gia đình điêu đứng, lâm vào cảnh tán gia bại sản, thậm chí có người còn tìm đến cái chết như một sự giải thoát vì vỡ hụi, họ. Trong bối cảnh đó, Nghị định số 19/2019/NĐ-CP của Chính phủ vừa ban hành mới đây được cho là công cụ pháp lý cần thiết để kiểm soát loại hình ‘tín dụng đen’ này.
‘Xuống đời’ vì hụi
 
Hiện nay, chơi hụi không còn là một hình thức góp vốn để các thành viên san sẻ, hỗ trợ lẫn nhau mà đã biến tướng nguy hiểm, như một hình thức tín dụng đen, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Phong trào chơi hụi lan tới cả nhiều cán bộ lợi dụng uy tín của mình đứng ra làm chủ.
 
Đơn cử như giữa năm 2018, vụ vỡ hụi hàng trăm tỷ đồng ở Bắc Ninh đã thu hút sự chú ý của dư luận. Theo đó, bà Hoàng Thị Kh (trú tại xã Tam Đa, Yên Phong, Bắc Ninh) huy động số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng của người dân địa phương, hứa trả lãi suất cao. Tuy nhiên, đầu tháng 8/2018, bà Kh tuyên bố mất khả năng thanh toán. Từ thời điểm ấy, nhiều người đến nhà bà Kh gây sức ép. Những người cho bà Kh vay tiền hiện cũng lâm cảnh khốn đốn.
 
vo-hui.JPG
Tháng 11/2017, nhiều người dân phản ánh về việc vỡ hụi do bà Phan Thị Thanh T. (39 tuổi, ngụ thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, Đắk Lắk). Ảnh: Minh Quý. 
Cay đắng hơn, do sức ép của những người đến nhà đòi tiền quá lớn, ông Tr (chồng bà Kh) đã uống thuốc cỏ tự tử. Mặc dù được phát hiện, đưa đi cấp cứu nhưng ông Tr không qua khỏi.
 
Trên thực tế, chỉ tính riêng trong vòng 5 – 6 năm trở lại đây, không hiếm những vụ vỡ hụi từ hàng chục đến vài trăm tỷ đồng xảy ra tại nhiều địa phương trên khắp cả nước.
 
Tháng 7/2013, nhiều người dân ở TP Lạng Sơn trở thành nạn nhân của cú lừa 600 tỷ đồng do vợ chồng Nguyễn Văn Trung và Tạ Bích Liên gây ra rồi bỏ trốn. Theo điều tra, vợ chồng Trung và Liên huy động vốn từ năm 2010 để đáo hạn ngân hàng. Với mức lãi suất cao gấp nhiều lần ngân hàng, nhiều người bán cả nhà cửa lấy tiền cho 2 đối tượng trên vay. Trong số những người “nhẹ dạ cả tin” có cả những cán bộ TP Lạng Sơn khi đó.
 
Một vụ vỡ hụi khác cũng xảy ra vào năm 2013 tại tiệm vàng Ý Loan (Đồng Nai) với tổng số tiền gần 300 tỷ đồng. Một ngày trước khi vỡ hụi, chủ tiệm vàng vẫn huy động vốn của người dân và chuẩn bị sẵn hành lí định bỏ trốn sang Mỹ. Chỉ đến khi một người khách mua USD phát hiện thông tin chủ hụi định bỏ trốn thì mọi việc mới vỡ lở.
 
Cũng với hình thức chơi phường hụi, vụ vỡ nợ tại huyện Tĩnh Gia và Như Thanh (Thanh Hóa) có quy mô ước tính gần 100 tỷ đồng. Đánh vào tâm lý hám lợi của người dân, các chủ hụi đưa ra mức lãi suất cao: 10 nghìn đồng/1 triệu đồng/ngày, kèm theo 1,5-2% lãi suất mỗi tháng. Đến khi không đáp ứng thỏa thuận, con nợ bị người dân tố cáo lên cơ quan chức năng.
 
Trước những trường hợp vỡ hụi, việc được quan tâm nhất là làm sao để chủ nợ đòi lại được tiền. Tuy vậy, đây lại là việc khó khăn nhất, gần như bất khả.
 
Kiểm soát hụi, họ: Chậm nhưng cần thiết
 
Trước thực trạng trên, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2019/NĐ-CP về họ, hụi, biêu, phường và sẽ có hiệu lực từ ngày 5/4/2019. Nghị định quy định rõ về nguyên tắc tổ chức họ, hụi, biêu, phường; điều kiện là thành viên, chủ họ; gia nhập, rút khỏi họ; văn bản thỏa thuận về họ; thứ tự lĩnh họ, lãi suất; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của thành viên, chủ họ.
 
Việc tổ chức họ phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật Dân sự; chỉ được thực hiện nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau giữa những người tham gia quan hệ về họ; không được tổ chức vì mục đích cho vay nặng lãi, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.
 
Điều kiện tham gia quan hệ hụi, họ cũng được quy định rõ ràng. Cụ thể, đối với thành viên: là người đủ 18 tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Đối với người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu có tài sản riêng có thể là thành viên của dây họ nhưng phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Đối với chủ họ, phải là người đủ 18 tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; phải được hơn một nửa tổng số thành viên bầu (trừ tường hợp các thành viên có thỏa thuận khác).
 
 
Mức lãi suất khi chơi hụi, họ cũng được quy định không được vượt quá 20%. Đối với họ không có lãi, thứ tự lĩnh họ được xác định theo hình thức bốc thăm, biểu quyết, bình chọn hoặc hình thức khác do những người tham gia dây họ thỏa thuận. Đối với họ có lãi thì thành viên ra mức lãi cao nhất sẽ là thành viên lĩnh họ; trong trường hợp có nhiều thành viên thành viên cùng trả một mức lãi cao nhất thì bốc thăm để xác định thành viên lĩnh họ.
 
Ngoài ra, việc quy định “văn bản hóa” việc chơi hụi, họ được xem là cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các vụ hụi, họ khi bị vỡ, tránh rủi ro cho các bên.
 
Nghị định số 19/2019/NĐ-CP được xem là một trong những công cụ cần thiết để Chính phủ từng bước kiểm soát và đẩy lùi tín dụng đen hiện nay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm