Chị Vân Anh cho biết, trước đây, cũng chính vì nghiện game nên con trai chị thường xuyên trốn học đi chơi game. Để có tiền “nướng” vào game, cu cậu đã thường xuyên nói dối mẹ xin tiền đi học thêm, xin tiền đóng quỹ lớp. Ở lớp, con cũng không ít lần nói với cô giáo là bị ốm, bị đau bụng… để xuống phòng y tế nằm, nhưng thực chất là lẻn ra ngoài cổng trường chơi điện tử.
Từ ngày nghiện game, con trai chị có học lực yếu. Năm lớp 7, con đã bị đúp lại lớp. Năm học vừa qua, chị đã phải bỏ bê công việc để kèm con sát sàn sạt. Cũng may, sau 1 năm sát sao con từng li từng tí, phối hợp với cô giáo chặt chẽ, cậu con trai đã tách được game và học tiến bộ hẳn.
Thế nhưng, năm nay, vừa nghỉ hè được không lâu, cu cậu lại bị tái nghiện game. Chị Vân Anh cho biết, con nghỉ học ở nhà, mẹ không thể nghỉ ở nhà quản con được nên sểnh một tí là con trốn ra ngoài chơi game. Ở nhà, con suốt ngày dính mắt vào smartphone từ sáng đến đêm khuya. Dù phân tích thế nào, dù nói với con nhẹ nhàng thế nào để con hiểu rằng “nghiện game sẽ hủy hoại tương lai của con”, thế nhưng cu cậu vẫn không dứt được game. Nhìn mắt con đờ đẫn, nhiều lúc vô hồn, chị Vân Anh cảm thấy vô cùng bất lực.
Không giống như con trai chị Vân Anh có “tiền sử” nghiện game, con trai anh Đoàn Hữu Đức (Cầu Giấy, Hà Nội) vốn là cậu bé học giỏi, ngoan ngoãn. Năm học vừa qua, ngoài thành tích học sinh giỏi, con còn có một số thành tích về tiếng Anh cấp quận, cấp thành phố. Tin tưởng con là đứa trẻ hiểu biết, anh Đức thưởng cho con chiếc smartphone như lời hứa từ trước. Cứ ngỡ con sẽ sử dụng điện thoại cho việc học tiếng Anh, thế nhưng từ ngày nghỉ hè đến giờ, cu cậu như tìm thấy niềm đam mê mới trong thế giới của game.
Anh Đức cảm thấy tá hỏa khi phát hiện nhiều hôm con chơi game đến 2-3 giờ sáng. Dù nhiều lần “mềm mỏng, ngon ngọt” với con nhưng cu cậu “chỉ vâng dạ rồi để đấy”. Anh Đức loay hoay không biết ứng xử với con trai tuổi teen của mình thế nào để con dứt hẳn được game.
Theo TS Vũ Thu Hương, chính việc trẻ không có việc gì làm dịp hè đã tìm đến game cho đỡ buồn. Trẻ không phải đến trường, suốt cả ngày ở nhà, trẻ không thể ngồi im một chỗ nên ban đầu chơi game để “giết” thời gian và dần dần chúng sẽ nghiện game. Chính vì vậy, nghỉ hè, bố mẹ phải nghĩ cách để con bận rộn bằng việc cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa, làm việc nhà, đọc sách, chơi thể thao…. "Cắt" game cho con nhưng cha mẹ phải “trám” thứ khác vào, đó là việc tạo sân chơi cho con, giao việc nhà cho con. Khi giao việc cho con, nhất định cha mẹ phải giám sát con chứ không để con làm qua quýt và có thời gian rảnh.