pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nghịch lý chốn công sở: "Ngủ mê" trong vùng an toàn, sợ hãi chỉ trích mang tính xây dựng
Chúng ta yêu những ai luôn ngon ngọt với mình mà lại không thích nghe lời chỉ trích, đó là sự thật và cũng là nghịch lý trong môi trường công sở: Yêu quý, mong muốn ta phát triển lại là người hay chỉ trích ta nhất; trong khi đó những kẻ muốn ta chôn chân tại chỗ, lại thường ru ngủ bằng những lời đường mật.
Thật ra, lời chỉ trích có 2 dạng, một dạng là lời chỉ trích mang tính xây dựng, dạng còn lại là lời chỉ trích hằn học, chứa đựng cảm xúc thù địch đối đầu. Ở đây, ý muốn chỉ đến những lời chỉ trích mang tính xây dựng như “sếp mắng mình trong cuộc họp vì làm việc trễ deadline”, “đồng nghiệp bĩu môi bảo hôm nay mình xịt nước hoa mùi nồng nặc quá”, “cô lao công trách sao suốt ngày đi toilet mà vẩy nước đầy ra sàn”,...
Nghe những lời như trên, chắc hẳn chúng ta buồn lắm chứ nhưng rõ ràng họ mắng có sai đâu và chính cái việc buồn đó sẽ góp phần giúp chúng ta cải thiện mình hơn trong tương lai: làm ăn đúng tiến độ, tinh tế hơn trong việc tôn trọng khứu giác của người xung quanh và khéo léo hơn để cô lao công đỡ phải nhắc - đơn giản vậy thôi!
Chúng ta không thích nghe lời chỉ trích vì 2 nguyên do chính:
Chúng ta nghĩ mình luôn đúng
Tiếc rằng trên đời này chẳng có ai là luôn đúng 100% cả, chẳng qua chúng ta đang cố chấp tự nhốt mình trong bức tường “tự cao tự đại” mà thôi. Sẽ tốt hơn biết mấy nếu chúng ta hiểu ra điều này để chấp nhận những lời chỉ trích mang tính xây dựng và khoan dung khi đối mặt với những người dám đứng ra nói thẳng những lời ấy. Những ý hay thường nằm trong những câu khó nghe, lời chỉ trích mang tính xây dựng cũng thế, khó nghe nhưng nó tốt cho mình.
Chúng ta sợ mất sĩ diện
Thật ra sĩ diện cao quá chỉ tổ khiến mọi người xung quanh xa lánh, nghe hay không nghe những lời chỉ trích không ảnh hưởng gì đến sĩ diện hay lòng tự tôn của một người cả, nhất là khi đó là những lời chỉ trích đúng. Người sĩ diện thường sợ người khác không tôn trọng mình, nhưng mình có tôn trọng người khác bằng cách lắng nghe ý kiến của họ chưa mà mong họ tôn trọng mình?
Đừng chỉ biết đắm mình trong những lời ngon tiếng ngọt của những kẻ xu nịnh hoặc những người sợ làm mình mất lòng để rồi sau này phạm phải những sai lầm lớn hơn. Lúc đó, thốt lên cái câu “sao không ai nói cho tôi biết sớm hơn?” e là đã muộn màng.
Nên nhớ, mẹ mình là người chỉ trích, than phiền về mình nhiều nhất trong đời nhưng đó xuất phát từ tấm lòng yêu con. Đồng nghiệp, sếp không hẳn là cao cả như vậy nhưng những lời chỉ trích mang tính xây dựng của họ, cốt cũng vì mục đích muốn mình tốt hơn hoặc chí ít là giúp mình nhận ra bản thân còn nhiều khiếm khuyết.
Dân công sở ngưng biện hộ, chấp nhận lời chỉ trích và học cách thừa nhận sai lầm đi thôi!