pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nghịch lý thuế tiêu thụ đặc biệt: Máy điều hòa, xăng bị áp thuế, hàng xa xỉ thì không
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH TPHCM
Đánh thuế đặc biệt với điều hòa trong khi người lao động nghèo ở trọ cũng dùng
Ngày 22/11, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Theo tờ trình dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) trình lên Quốc hội, Chính phủ vẫn giữ nguyên quy định áp thuế 10% với máy điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống như luật hiện hành. Song, loại trừ việc đánh thuế với máy điều hoà theo thiết kế của nhà sản xuất chỉ để lắp trên phương tiện vận tải bao gồm ô tô, toa xe lửa, tàu, thuyền, máy bay.
Ngoài ra, trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất bán hoặc tổ chức, cá nhân nhập khẩu nhập tách riêng từng bộ phận là cục nóng hoặc cục lạnh thì hàng hóa bán ra hoặc nhập khẩu (cục nóng, cục lạnh) vẫn thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như đối với sản phẩm hoàn chỉnh (máy điều hòa nhiệt độ hoàn chỉnh).
Thảo luận về tổ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH TPHCM - cho rằng quy định như dự luật sẽ đẩy lùi điều kiện sinh hoạt của Việt Nam về lại 30 - 40 năm trước.
Theo ông Nghĩa, thuế tiêu thụ đặc biệt thường nhằm mục tiêu hạn chế, không khuyến khích người dân sử dụng một mặt hàng nào đó. Đặt câu hỏi mùa hè nóng, nhất là ở thành phố thì liệu có chịu được khi không có điều hòa trong khi khí hậu Việt Nam là khí hậu nhiệt đới, đại biểu cho rằng, hiện nay, kể cả người lao động nghèo ở các nhà trọ cũng lắp đặt, sử dụng máy điều hòa, phục vụ cho sinh hoạt. Vì vậy, đánh thuế máy điều hòa là không hợp lý.
"Theo tôi chỉ nên áp dụng thuế môi trường với mặt hàng này thôi", ông Nghĩa nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng - Đoàn ĐBQH TP.HCM - cho rằng, khi sử dụng điều hòa người dân đã chịu chi phí điện tính theo lũy tiến. Nay họ lại phải chịu thêm mức thuế suất đặc biệt khi lắp đặt điều hoà là không hợp lý.
"Lắp đặt máy điều hòa là yêu cầu tất yếu của cuộc sống đối với đông đảo người dân, không nên xem đây là mặt hàng xa xỉ. Trong khi chúng ta nói đất nước chúng ta phát triển, chúng ta đang có cuộc sống hạnh phúc hơn thì phải tạo điều kiện để người dân có cuộc sống thoải mái hơn", đại biểu cho hay.
Đánh thuế xăng làm ảnh hưởng đến nông dân, người lao động
Theo luật hiện hành, xăng là một trong những loại hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Dự thảo luật sửa đổi tiếp tục giữ nguyên quy định này, với mức thuế suất là 10%.
Theo đại biểu Nguyễn Minh Hoàng, xăng là nhiên liệu thiết yếu để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, phục vụ hoạt động của các máy móc, thiết bị nông nghiệp.
Xăng cũng tác động rất lớn đến logictis, nhất là trong bối cảnh sức cạnh tranh logictis của Việt Nam hiện còn thấp. "Nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng thì sẽ đẩy giá cao hơn nữa, như vậy về mặt xã hội, người lao động, kinh doanh, sản xuất đều ảnh hưởng rất lớn", ông Hoàng nói.
Bởi lẽ trên, vị đại biểu đề nghị không quy định xăng là hàng hóa thuộc danh mục chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị phải đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với một số mặt hàng như mỹ phẩm, trang sức xa xỉ, trò chơi điện tử… Trong đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu ví dụ: Người dân bỏ ra 5 triệu đồng để đi xem BlackPink biểu diễn thì đây là dịch vụ văn hóa xa xỉ, phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt chứ không thể cho hưởng thuế suất như loại hình văn hóa khác.
Phó Chủ tịch Quốc hội: Cần rà soát kỹ lưỡng đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt
Thảo luận tại tổ 12, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị đối với những mặt hàng không có lợi hoàn toàn và cần phải thay đổi hành vi thì phải "đánh" thuế thật cao. Đơn cử như hàng mã, vàng mã không mang lại lợi ích cho xã hội mà chỉ mang tới tác hại cho người dân về các vấn đề liên quan tới mê tín dị đoan. Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh cho rằng cần tăng cao mức thuế tiêu thụ đặc biệt để thay đổi hành vi, thậm chí tạo áp lực để không còn sản xuất, dịch vụ về lĩnh vực này.
Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần đánh giá tác động rõ ràng hơn, rành mạch hơn của từng loại thuế tiêu thụ đặc biệt để đánh giá đúng thực tiễn, đáp ứng mục tiêu hạn chế những sản phẩm có hại cho con người, nền kinh tế và khuyến khích những sản phẩm tốt, phục vụ cho phát triển đất nước.