Báo cáo tại buổi làm việc này, ông Bùi Quang Cẩm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, hiện nay, toàn tỉnh đang đào tạo 135 VĐV cho 6 nội dung, trong đó 2 nội dung tập thể là bóng đá nữ và bóng chuyền nữ, còn lại là 4 nội dung cá nhân.
Về cơ sở vật chất phục vụ phát triển thể thao, Hà Nam là một trong những tỉnh được quan tâm đầu tư khi có một Nhà thi đấu quy mô lớn, Trung tâm huấn luyện của tỉnh. Đây là nơi tập luyện và tổ chức các giải đấu thể thao của Hà Nam.
Để phát triển thế mạnh môn bóng đá nữ, tỉnh Hà Nam cũng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để hỗ trợ các VĐV. Từ năm 2014, tỉnh đã có đề án thể thao thành tích cao trong đó ưu tiên phát triển bóng đá nữ.
Cùng với đó, nhờ thu hút từ nguồn xã hội hóa, hằng năm đội tuyển bóng đá nữ Hà Nam cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp của địa phương.
Ngoài ra, đối với một số VĐV đạt thành tích cao ở các giải đấu quốc tế, khu vực, tỉnh cũng tạo điều kiện để giữ lại công tác trong ngành thể thao sau khi hết tuổi thi đấu.
Cũng theo ông Bùi Quang Cẩm, với truyền thống hoạt động trong 20 năm qua, Hà Nam chính là một trong những lò đào tạo cho bóng đá nữ Việt Nam. Rất nhiều tên tuổi lớn của bóng đá nữ Việt Nam trưởng thành từ lò đào tạo Hà Nam như: Văn Thị Thanh, Nguyễn Thị Tuyết Dung.
Nhờ đó, bóng đá nữ Hà Nam trong những năm qua đã đạt được những thành tích hết sức ấn tượng như: Vô địch giải bóng đá nữ quốc gia năm 2018, vô địch giải bóng đá nữ U19 quốc gia…
Tuy vậy, Hà Nam hiện vẫn đang gặp một số khó khăn như: Đội ngũ HLV tuy tích cực nhưng chưa có chuyên môn sâu; chưa có các chuyên gia về y tế, dinh dưỡng, đánh giá chuyên môn cho các VĐV.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải ghi nhận sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Hà Nam đối với phát triển lĩnh vực thể thao đặc biệt là môn bóng đá nữ.
Thứ trưởng nhấn mạnh: "Tôi rất ấn tượng với những kết quả mà bóng đá nữ Hà Nam đạt được trong thời gian qua. Có thể thấy, Hà Nam có khu ăn ở, tập luyện cho VĐV mà không phải tỉnh nào cũng có được".
Thứ trưởng Lê Khánh Hải cũng cho rằng, mô hình phát triển bóng đá nữ hiện nay ở Hà Nam là một trong những mô hình điển hình. Chính vì vậy, thời gian tới, Liên đoàn bóng đá Việt Nam sẽ nghiên cứu để phát triển và nhân rộng mô hình này.
Thứ trưởng cho biết, phát triển bóng đá nữ là nhiệm vụ xuyên suốt trong những năm qua của Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa có lò đào tạo bóng đá nữ trẻ. Do đó, sau cuộc họp này, ý tưởng thành lập Trung tâm đào tạo bóng đá nữ trẻ tại Hà Nam sẽ được Liên đoàn bóng đá Việt Nam nghiên cứu tính khả thi. Ngoài ra, VFF sẽ hỗ trợ cho đội tuyển nữ ở Hà Nam về chuyên môn, giáo án chương trình đào tạo.
Cũng tại cuộc họp này, Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam Cấn Văn Nghĩa lưu ý tỉnh Hà Nam trong công tác đào tạo bóng đá nữ: "Bóng đá nữ rất khó huấn luyện, có những kỹ thuật nam chỉ cần dạy khoảng 1 tháng nhưng nữ sẽ cần khoảng 6 tháng, chính vì vậy HLV cần phải hết sức kiên nhẫn. Ngoài ra ở lứa tuổi 11 – 13 cũng cần phải quan tâm đến chiều cao, hiện nay bóng đá nữ rất thiếu các cầu thủ có chiều cao tốt".
Trong khuôn khổ chuyến làm việc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải cũng trao tặng số tiền 200 triệu đồng cùng nhiều trang thiết bị tập luyện để hỗ trợ phát triển bóng đá nữ Hà Nam.