Nghiên cứu toàn cầu: Hầu hết vợ có thu nhập thấp hơn chồng

Kim Ngọc
14/10/2021 - 10:41
Nghiên cứu toàn cầu: Hầu hết vợ có thu nhập thấp hơn chồng

Ảnh minh họa: Getty

Một nghiên cứu mới dựa trên dữ liệu công khai từ 45 quốc gia trong khoảng thời gian 40 năm cho thấy, hầu hết phụ nữ đều có thu nhập thấp hơn chồng.

Theo một nghiên cứu toàn cầu mới về thu nhập giữa các cặp vợ chồng, hầu hết phụ nữ đều không kiếm nhiều tiền hơn chồng. Nghiên cứu kiểm tra dữ liệu công khai từ 45 quốc gia trong suốt bốn thập kỷ - từ năm 1973 đến năm 2016 trong cuộc khảo sát toàn cầu đầu tiên về bất bình đẳng giới liên quan đến thu nhập của các gia đình.

Hầu hết thu nhập của vợ đều thấp hơn chồng

Các nhà nghiên cứu gồm GS Hema Swaminathan và Giáo sư Deepak Malghan, thuộc Trung tâm Chính sách Công, Học viện Quản lý Ấn Độ ở Bangalore đã sử dụng dữ liệu từ 2,85 triệu hộ gia đình trong độ tuổi từ 18 đến 65. Dữ liệu được đối chiếu bởi tổ chức phi lợi nhuận Nghiên cứu Thu nhập Luxembourg (LIS).

"Các đánh giá nghèo đói thông thường xem cả hộ gia đình như một đơn vị. Giả định chung là trong một hộ gia đình, thu nhập được gộp chung và phân bổ đồng đều", GS Hema Swaminathan nói.

Ấn Độ nổi tiếng là quốc gia được biết đến với vấn đề bất bình đẳng giới trong lực lượng lao động. Nhìn chung, phụ nữ ít tham gia lực lượng lao động và ít có khả năng làm việc toàn thời gian hơn.

Nghiên cứu toàn cầu cho thấy hầu hết vợ có thu nhập thấp hơn chồng - Ảnh 1.

Ấn Độ nổi tiếng là quốc gia được biết đến với vấn đề bất bình đẳng giới trong lực lượng lao động. Ảnh: Getty

GS Swaminathan và Malghan muốn đánh giá bức tranh toàn cầu, chẳng hạn như các nước Bắc Âu được coi là ánh sáng hy vọng về bình đẳng giới, sự phân bổ công việc và tiền của có bình đẳng không. Và theo đó, các nhà nghiên cứu đã xếp hạng các quốc gia về bất bình đẳng tổng thể và bất bình đẳng trong hộ gia đình. Theo kết quả của họ, bất bình đẳng giới vẫn tồn tại ở nhiều nước, theo thời gian và giữa các hộ gia đình giàu và nghèo.

"Dữ liệu gần đây nhất cho thấy rằng ngay khi cả vợ và chồng đều đi làm, không có bất kì quốc gia nào, kể cả ở những vùng giàu có hay phát triển nhất mà người vợ có thu nhập nhiều hơn chồng. Ngay cả ở các nước Bắc Âu, những quốc gia có mức bất bình đẳng giới thấp nhất trên thế giới, chúng tôi nhận thấy tỷ lệ đóng góp của phụ nữ ở mọi nơi đều dưới 50%".

Lí do phụ nữ có thu nhập thấp nam giới

Về mặt văn hóa, đàn ông được coi là trụ cột gia đình, trong khi phụ nữ được coi là người giữ vai trò nội trợ. Nhiều phụ nữ tạm nghỉ hoặc nghỉ việc hẳn sau khi sinh con. Độ chênh lệch về mức lương theo giới và việc trả lương không bình đẳng (phụ nữ trả lương ít hơn nam giới cho cùng một công việc) vẫn còn là một thực tế ở nhiều nơi trên thế giới. Ngoài ra, những công việc không được trả lương như công việc chăm sóc và việc nhà vẫn chủ yếu được xem là trách nhiệm của phụ nữ.

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế năm 2018, trên toàn cầu, phụ nữ thực hiện 76,2% trên tổng số giờ làm các công việc chăm sóc không được trả lương, nhiều hơn gấp ba lần so với nam giới. Ở Châu Á và Thái Bình Dương, con số này tăng lên 80%.

Theo đó, báo cáo chỉ ra rằng công việc chăm sóc không được trả lương là "rào cản chính ngăn cản phụ nữ tham gia, duy trì và phát triển trong lực lượng lao động".

Nghiên cứu toàn cầu cho thấy hầu hết vợ có thu nhập thấp hơn chồng - Ảnh 2.

Công việc chăm sóc và việc nhà vẫn chủ yếu được xem là trách nhiệm của phụ nữ. Ảnh: Getty

Các nhà nghiên cứu cho biết phụ nữ có thu nhập thấp hơn có thể gây ra những hậu quả ngoài kinh tế, ảnh hưởng đến động lực giới trong hộ gia đình và khiến phụ nữ rơi vào tình thế bất lợi.

"Người vợ đóng góp vào gia đình với tư cách là người nội trợ thường không được công nhận, trong khi góp tiền bạc thì có thể dễ dàng nhận ra. Vì vậy, khi người vợ có tiền lương, góp tiền vào gia đình sẽ có địa vị nhất định trong nhà. Điều đó giúp họ nâng cao quyền tự quyết và mang lại tiếng nói trong gia đình", GS Swaminathan nói.

"Thu nhập tăng cũng làm tăng khả năng đàm phán của phụ nữ, cung cấp cho phụ nữ công cụ thương lượng, thậm chí giúp họ thoát khỏi hoàn cảnh bị lạm dụng".

GS Malghan cho biết sự chênh lệch cũng ảnh hưởng đến an ninh tài chính dài hạn vì phụ nữ có mức tiết kiệm và tích lũy tài sản thấp hơn cũng như khả năng thu nhập giảm khi về già do chính sách lương hưu gắn liền với thu nhập.

Tín hiệu lạc quan

Một điểm nhấn đáng chú ý trong báo cáo là bất bình đẳng trong nội bộ hộ gia đình đã giảm 20% từ năm 1973 đến năm 2016 – khoảng thời gian được nghiên cứu.

Ở hầu hết các nơi trên thế giới, kinh tế đều phát triển và tăng trưởng, phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động cũng tăng lên. Nhiều nơi trên thế giới đã đưa ra các chính sách thân thiện với phụ nữ hơn và giúp thu hẹp khoảng cách; những phong trào đòi trả lương bình đẳng trong công việc cũng được diễn ra. Tất cả điều này đã dẫn đến việc thu hẹp khoảng cách. Nhưng bất chấp sự sụt giảm trên, mức độ hiện tại vẫn còn khá đáng kể và khoảng cách này phải được thu hẹp hơn nữa, GS Swaminathan cho biết.

"Nhiều nơi vẫn chưa thực hiện song song 'nói đi đôi với làm'. Các công ty không tuyển dụng những phụ nữ gặp bất lợi vì làm công việc chăm sóc và việc nhà không được trả lương. Vì vậy, chúng ta phải đặt câu hỏi: công việc của phụ nữ có được công nhận không? Có chính sách thân thiện với gia đình và trẻ em không? Chưa kể chúng ta cũng cần những người đàn ông có tư tưởng tốt hơn - những người sẽ chia sẻ gánh nặng trong các công việc không được trả công".

Nguồn: BBC
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm