pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nghiên cứu từ Mỹ và Ý chỉ ra loại thực phẩm "dẫn lối" cho ung thư
Loại thực phẩm làm tăng nguy cơ ung thư nếu tiêu thụ nhiều (Ảnh: Shutterstock)
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thực phẩm chế biến sẵn có liên quan tới các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như ung thư.
Hai nghiên cứu cùng được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh Quốc đã nhấn mạnh mức độ nguy hiểm của việc thường xuyên ăn các loại thực phẩm như bánh mì kẹp xúc xích, soda, khoai tây chiên.
Nghiên cứu đầu tiên có sự tham gia của hơn 24.000 người trưởng thành tại Ý. Theo đó, các nhà khoa học nhận thấy những người tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến với số lượng nhiều có nguy cơ tử vong nói chung cao hơn, đặc biệt là tử vong do bệnh tim, so với những người ăn ít các thực phẩm này.
Nghiên cứu thứ 2 được quan sát trên hơn 200.000 người Mỹ trong vòng từ 24-28 năm. Kết quả cho thấy những nam giới tiêu thụ nhiều thực phẩm siêu chế biến - trung bình hơn 9 khẩu phần ăn mỗi ngày - có nguy cơ mắc ung thư đại tràng cao hơn 29% so với những nam giới chỉ ăn khoảng 3 khẩu phần mỗi ngày.
Mối liên hệ giữa thực phẩm chế biến sẵn và ung thư
PGS Fang Fang Zhang của Đại học Tufts (Mỹ), tác giả chính của nghiên cứu thứ 2, cho biết nhóm tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến ở mức độ cao nhất có thể nhận được khoảng 80% lượng calo hàng ngày từ những thực phẩm đó. Nghiên cứu này không tìm thấy mối liên hệ giữa việc tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến và ung thư đại tràng ở nữ giới. Các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn được nguyên nhân dẫn tới kết luận này. PGS Zhang cho biết mức độ estrogen cao hơn ở nữ giới có thể là một giả thuyết. Tuy nhiên, kết quả này có thể là một điều bất thường, vì hầu hết các yếu tố nguy cơ gây ung thư đại tràng đều giống nhau ở cả 2 giới.
Các nghiên cứu trước đây cũng đã tìm thấy mối liên hệ giữa thực phẩm siêu chế biến và nguy cơ gia tăng mỡ máu, đái tháo đường, béo phì, suy giảm nhận thức, ung thư vú và nhiều loại ung thư khác.
Các thực phẩm siêu chế biến thường chứa nhiều thành phần nhân tạo hơn so với các thực phẩm được chế biến đơn giản bằng cách thêm muối, đường hoặc dầu ăn. Thực phẩm siêu chế biến thường có ít thành phần nguyên chất, thay vào đó là các hương liệu, chất tạo màu hoặc các chất phụ gia khác.
Walter Willett, giáo sư dịch tễ học và dinh dưỡng của Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan (Mỹ), nói: "Ung thư đại tràng có liên quan trực tiếp đến chế độ ăn uống hơn là các loại ung thư khác". Vị giáo sư này không tham gia cả 2 nghiên cứu ở trên.
Trẻ hóa độ tuổi mắc ung thư đại tràng
Tỷ lệ mắc ung thư đại tràng đã tăng lên ở những người trẻ tuổi trong vài thập kỷ gần đây. Một nghiên cứu từ Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cho thấy tỷ lệ ung thư đại tràng gia tăng hàng năm ở những người từ 20 đến 39 tuổi kể từ giữa những năm 1980.
Caroline Um, một chuyên gia của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, cho biết: "Chế độ ăn uống có thể góp phần vào việc gia tăng béo phì. Chúng ta đều biết rằng béo phì có liên quan tới ung thư đại tràng cũng như các bệnh ung thư khác".
Tuy nhiên, nghiên cứu thứ 2 đã phát hiện ra rằng nguy cơ mắc ung thư đại tràng cao hơn ở những người tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến sẵn và kết quả này độc lập với chỉ số khối cơ thể họ.
Các nhà nghiên cứu cho rằng những chất phụ gia hóa học trong thực phẩm chế biến sẵn hoặc hóa chất tổng hợp trong bao bì có thể góp phần vào các nguy cơ này. Nhiều loại thịt chế biến sẵn có chứa nitrat và nitrit - những chất bảo quản có thể làm tăng nguy cơ ung thư.
GS Willett nhấn mạnh mọi người nên hạn chế tiêu thụ các loại thịt đã qua chế biến. Riêng đồ uống có đường với thực phẩm giàu chất béo bão hòa nên hạn chế tối đa.
Tuy nhiên, không phải loại thực phẩm đã qua chế biến nào cũng có hại. Một số thực phẩm như bánh mì nguyên hạt, ngũ cốc ăn sáng có thể là nguồn cung cấp chất xơ, thậm chí còn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim hoặc ung thư.