Ngô Thị Ngọc Dao - bậc mẫu nghi thiên hạ

15/08/2016 - 17:09
Bà Ngô Thị Ngọc Dao là người có công lớn với 3 vị hoàng đế triều Lê. Đặc biệt, bà là người có ảnh hưởng trực tiếp đến vua Lê Thánh Tông để 38 năm trị vì của vị vua này, nước Đại Việt bước vào giai đoạn phát triển rực rỡ, cực thịnh.
Quang thục Hoàng thái hậu  Ngô Thị Ngọc Dao có một vị trí đặc biệt trong lịch sử triều Lê. Bà là vợ vua Lê Thái Tông, mẹ vua Lê Thánh Tông và là bà nội vua Lê Hiến Tông - ba vị vua kế thừa và phát triển thành công nhất sự nghiệp xây dựng nhà nước quân chủ tập quyền theo hướng Nho giáo của triều Lê, khiến cho thời Lê sơ trở thành thời kỳ thịnh trị nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam.

Bà sinh năm Canh Tý 1420, nguyên quán ở xã Đồng Phang, huyện Yên Định, Thanh Hóa. Họ Ngô của bà vốn là một dòng họ lớn ở thời Trần, sau nhờ có công giúp Lê Lợi trong kháng chiến đánh đuổi quân Minh mà trở thành công thần nhà Lê. Bà là con gái thứ ba của quan Bình Ngô Khai quốc đệ nhất công thần Bàng Khê hầu Ngô Từ. Mẹ bà họ Đinh ở Thanh Hóa, tên Đinh Ngọc Kế. Bà ngoại bà là con gái tôn thất nhà Trần, hậu duệ của Tá Thánh Thái sư Chiên Văn vương Trần Nhật Duật.
bia-khn-nguyn-cch-m-hong-thi-hu-ng-th-ngc-dao-khong-100-m-v-pha-ty.jpg
 Bia Khôn Nguyên chí đức hay còn gọi bia Quang thục Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao cách mộ bà khoảng 100 m về phía Tây.
Lúc nhỏ do cha mẹ mất sớm nên bà được nuôi nấng ở nhà bà nội. Năm 1436, bà 16 tuổi, bấy giờ chị ruột của bà là Ngọc Viên, nguyên là cung nhân của Thái tổ Lê Lợi còn đang ở trong cung. Bà vào cung chơi với chị, được vua Lê Thái Tông để ý cho giữ lại làm cung nhân.

Tháng 12 năm Đinh Tỵ 1437 xảy ra vụ án của Huệ phi Nhật Lệ. Cung nhân Ngô Thị Ngọc Dao bị ngờ là dính líu vào vụ án, có cơ nguy đến tính mạng. Nhờ sự cứu giúp của Nguyễn Trãi và bà Nguyễn Thị Lộ nên bà thoát chết và được đưa ra ở tạm tại chùa Huy Văn.

Không bao lâu bà lại được đưa trở về cung và tháng 6 năm Canh Thân 1440 được phong là Tiệp dư, cho ở cung Khánh Phương vốn là cung cũ của Huệ phi Nhật Lệ. Cuối năm này bà sinh con gái đầu lòng là Ngọc Phương tức Thao Quốc trưởng công chúa, con gái thứ 5 của vua Lê Thái Tông. Hai năm sau, vào ngày 20/7/1442, bà sinh hoàng tử Tư Thành (tức vua Lê Thánh Tông sau này). Từ đó bà được vua Lê Thái Tông rất sủng ái.

Hoàng tử Tư Thành ra đời mới được vài tháng thì xảy ra vụ án Lệ Chi Viên, vua Lê Thái Tông qua đời. Vua Lê Nhân Tông nối ngôi khi mới 3 tuổi, Tuyên từ Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh nhiếp chính.

Năm 1445, hoàng tử Tư Thành 4 tuổi được Thái hậu Nguyễn Thị Anh phong làm phiên vương ở đất Bình Nguyên gọi là Bình Nguyên vương, dựng phủ đệ ở phía tây hoàng thành. Bà Ngọc Dao được thăng làm Sung Viên cho ra phụng sự nhà Thái miếu.

Như vậy, cho đến năm 1460, gần 15 năm hai mẹ con bà Ngọc Dao sống bên ngoài hoàng cung. Hoàng tử Tư Thành hàng ngày cùng các vương tử khác vào cung học tập, bà Ngọc Dao trông coi việc hương khói cho nhà Thái miếu.

Năm 1459, Lạng Sơn vương Nghi Dân gây biến, vua Lê Nhân Tông và Tuyên từ Thái hậu Nguyễn Thị Anh đều bị hại. Năm 1460, các quan đại thần trong triều dẹp xong loạn Nghi Dân, xét thấy Bình Nguyên vương Lê Tư Thành thiên tư sáng suốt, khí lược hùng tài hơn hẳn các thân vương khác nên cùng nhau phò tá lên ngôi, tức vua Lê Thánh Tông.

Sau khi con trai lên ngôi, vào tháng 6 năm đó, bà Ngọc Dao được dâng sách ngọc tôn làm Hoàng thái hậu, sống trong điện Thừa Hoa. Khi đó bà 39 tuổi. Từ đó suốt 37 năm, bà Ngô Thị Ngọc Dao giữ ngôi Thái hậu, là bậc mẫu nghi thiên hạ.

Bà là người có tư chất cao quý thuần hòa, thông minh mẫn tiệp, lại được sinh ra trong một cự tộc, được hưởng một nền giáo dục theo chuẩn mực lễ giáo Nho gia nên có lối sống hết sức mẫu mực. Tuy ở ngôi cao quý nhưng bà không sống xa hoa, luôn luôn cần kiệm.

Các việc nữ công nữ tắc như may vá thêu thùa, cỗ bàn cơm rượu bà đều rất khéo léo, thường tự tay làm. Bà cẩn thận kỹ càng từ nét mặt dáng đi, xiêm áo luôn chỉnh tề, đối xử với mọi người luôn giữ vẻ ôn hòa.

Để khuyến khích Nho phong, bà thường chuyên cần tuân thủ lễ pháp. Ở ngôi thái hậu nhưng bà không bao giờ cậy thế để tham dự việc triều chính. Bà luôn cẩn trọng trong các nghi lễ, nghiêm trang cung kính nơi tông miếu. Mỗi khi các nơi đưa của ngon vật lạ đến dâng tiến, bà đều cho lệnh phải dâng cúng trước rồi mới tiến cho vua dùng.

Bà tuy nghiêm khắc nhưng thường thương xót chu cấp cho người nghèo. Khi Thiếu phủ cung cấp vàng lụa, bà đều đem ban cho mọi người. Từ con cháu đến kẻ hầu người hạ ai cũng nhận được sự thương mến của bà. Vì vậy ở trong cung, mọi người đều tôn gọi bà là “Phật sống”.

Vua Lê Thánh Tông mỗi khi gặp việc khó nghĩ thường tìm đến nhờ mẹ chỉ bảo. Không chỉ với vua, đối với các con cháu trong hoàng tộc bà đều quan tâm chăm sóc dạy bảo chu đáo. Riêng với thái tử Lê Tranh (vua Lê Hiến Tông sau này), bà có một tình cảm đặc biệt. Biết thái tử sẽ là người gánh vác trọng trách cai trị đất nước, Thái hậu gần gũi thái tử không rời, chăm lo dạy bảo chu đáo.

Không chỉ thông minh mẫn tiệp, Ngô Thị Ngọc Dao còn là một phụ nữ rất xinh đẹp, một vẻ đẹp giản dị, nền nã. Khi tuổi tác đã cao, lúc nhàn rỗi bà vẫn làm thơ, đem kinh sách sử truyện ra dạy dỗ con cháu.

Văn bia tại lăng mộ bà cho biết một điều đặc biệt lạ ở bà là khi bà đã ngoài 70 tuổi mà tóc không bạc, răng không rụng, mắt không mờ, dáng mạo không suy, phong thái trẻ trung chỉ như người chừng 40 tuổi.
bo-vt-quc-gia-khn-nguyn-ch-c-chi-bi-d-hn-500-nm-tui-nhng-cn-kh-nguyn-vn.jpg
 Bảo vật quốc gia Khôn Nguyên Chí Đức Chi Bi dù đã hơn 500 năm tuổi nhưng còn khá nguyên vẹn.
Tư chất cũng như trí tuệ và đức độ của Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao khiến từ cung đình cho đến dân gian ai cũng ngưỡng mộ. Khi bà qua đời, quần thần làm hàng trăm bài thơ ai điếu, hiện những bài thơ này vẫn còn được lưu lại trên bia tại lăng mộ bà. Sự thương tiếc đối với một vương hậu như trường hợp của bà rất hiếm có trong lịch sử.

Ngô Thị Ngọc Dao được các đại thần đương triều đánh giá rất cao và cho rằng bà là người có công lớn với xã tắc. Đặc biệt, bà là người có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời và sự nghiệp của vua Lê Thánh Tông, nuôi dạy đức vua từ nhỏ đến lúc trưởng thành, luôn kề vai sát cánh cùng đức vua trong quá trình cai trị đất nước, giáo hóa nhân dân.

Năm 1496, bà lâm bệnh nặng rồi mất ở điện Thừa Hoa, thọ 76 tuổi, được đưa về an táng ở Lam Sơn theo về Hựu lăng (lăng vua Lê Thái Tông). Bà chỉ qua đời trước vua Lê Thánh Tông 10 tháng. Như vậy cả cuộc đời của vị hoàng đế anh minh này luôn có sự quan tâm của người mẹ đáng kính của mình.

Với những gì được sử sách ghi nhận, Quang thục Hoàng thái hậu thật xứng đáng là người đứng đầu trong các vương hậu của nước Đại Việt.
quanh-nh-bia-hong-thi-hu-ng-th-ngc-dao-c-nhiu-tng-rng-rt-uy-nghi.jpg
 Quanh nhà bia Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao có nhiều tượng rồng đá rất uy nghi.
Bia Khôn nguyên chí đức hay còn gọi bia Quang thục Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao là một trong 12 Bảo vật quốc gia được Thủ tướng ký quyết định công nhận năm 2014, là tấm bia tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc, giá trị văn hóa, lịch sử được lưu giữ đến ngày nay. Cùng với bia Vĩnh Lăng (Lam Sơn Vĩnh Lăng Bi), hai bảo vật này góp phần tạo nên giá trị đặc biệt cho Khu di tích lịch sử Lam Kinh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm