"Ngọc nữ Bolero" Hellen Thủy là con nhà nghèo

24/04/2017 - 18:48
Cô gái có vóc dáng tiểu thư xinh đẹp và giọng ca mùi mẫn được cả 4 HLV: Quang Lê, Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng, Ngọc Sơn tranh giành trong cuộc thi “Thần tượng Bolero 2017” lại có một cuộc sống khác hẳn so với những gì người ta nhìn thấy trên sân khấu.
00.jpg
Hellen Thủy trên sân khấu "Thần tượng Bolero"

Chỉ là “ma mới” với Bolero

Hellen Thủy là gương mặt đang gây sốt ở cuộc thi Thần tượng Bolero. Cô được chú ý không chỉ bởi ngoại hình xinh đẹp, nữ tính mà quan trọng hơn cả là giọng ca rất mùi mẫn. Từ vòng ngoài cuộc thi, giọng hát và cách xử lý của cô được đánh giá là có nhiều nét tương đồng với “Nữ hoàng Bolero” Lệ Quyên: Chậm rãi, da diết và đầy thổn thức. Chính sự biểu cảm, nhập tâm và giọng hát có phần liêu trai, ma mị của Hellen Thủy khi thể hiện ca khúc Đồi thông hai mộ đã khiến những ngôi sao hàng đầu trong dòng nhạc Bolero tìm mọi cách “dụ dỗ” cô về đội của mình.

Tiếp đó, trong đêm so tài tối 20/4, khi Hellen Thủy đã quyết định chọn về đội của Đàm Vĩnh Hưng, cô gái 25 tuổi này lại thêm một lần để lại dấu ấn mạnh mẽ. Mr Đàm đã phải thốt lên khen ngợi, ví giọng hát của cô như “dải lụa nhẹ nhàng mong manh bay trước gió” khi song ca cùng Alan Hùng Cường bản mashup cần sự lãng mạn, nhẹ nhàng như Kỷ niệm nào buồn -– Biển tình. Để rồi, Đàm Vĩnh Hưng đã quyết định loại “hot boy siêu mẫu” Alan Hùng Cường và chọn Hellen Thủy vào vòng trong.

Nghe Hellen Thủy hát trên sân khấu, không ít người cho rằng cô gái này sinh ra là để dành cho Bolero và hát Bolero từ rất lâu rồi. Thực tế, Thủy đang là sinh viên thanh nhạc trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và cô được đào tạo về thính phòng, dân gian. Tại cuộc thi Sao Mai 2015, cô lọt vào Top 9 toàn quốc dòng Dân gian. Cùng với học ở trường, Thủy đã đi diễn khá nhiều, nhưng đều là nhạc đỏ hoặc dân gian, tuyệt nhiên không hề dính chút Bolero nào.

Ấy thế mà khi biết có cuộc thi Thần tượng Bolero, Thủy nhất quyết phải dự thi cho bằng được. Bởi càng ngày càng cảm thấy thích Bolero. Nhiều khi buồn, cô mở những bản tình ca Bolero nghe, thấy vơi đi những muộn phiền. “Nghe Bolero, tôi cảm thấy nó gần gũi với cuộc sống của mình, thấy mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn. Và tôi bắt đầu hát những bản tình ca này”, cô chia sẻ.

2.jpg
 Hellen Thủy được đào tạo hát thính phòng, dân gian

Bolero có cách luyến láy, nhả chữ khác hẳn với dân gian và thính phòng, bởi vậy, việc hát dòng nhạc này không hề dễ dàng với Thủy. Cô bước vào Thần tượng Bolero cũng ngơ ngác chẳng khác gì một thí sinh nghiệp dư. Nhưng sau mấy vòng thi, cô đã bật hẳn lên trông thấy, trở thành gương mặt được chú ý hàng đầu tại cuộc thi này.

Những dấu ấn ban đầu đó không phải bỗng dưng từ trên trời rơi xuống với Thủy. Ý thức được mình là “ma mới” của Bolero, cô tham gia Thần tượng Bolero với tất cả năng lượng mà mình có. “Người ta vẫn nói đi thi để trải nghiệm, để học hỏi. Nhưng tôi không coi đây chỉ là sự trải nghiệm, học hỏi mà là một dịp để mình thực sự cố gắng hết khả năng của mình”, Thủy nói.

Với sự hướng dẫn của HLV Đàm Vĩnh Hưng, Thủy miệt mài tập luyện. Có những đêm, tranh thủ mượn được phòng trà Đồng Dao sau giờ nghỉ, cô miệt mài luyện hát, luyện diễn trên sân khấu suốt từ nửa đêm đến tận 3 giờ sáng. “Tôi muốn chinh phục mọi người bằng khả năng, bằng cảm xúc chứ không phải bằng ngoại hình hay chiêu trò gì”, cô khẳng định.

18143143_10211785079158169_2115666847_n.jpg
 Cô sinh năm 1993 ở Bình Thuận

“Ngọc nữ” xuất thân chân lấm tay bùn

Nhìn Hellen Thủy trên sân khấu lộng lẫy, sang trọng như công chúa, có thể khán giả sẽ hình dung rằng cô là một tiểu thư con nhà khá giả. Trong khi đó, Thủy xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo ở Tánh Linh, Bình Thuận. Ngày trước, bố mẹ Thủy nghèo lắm, phải rất vất vả mới lo nổi cho Thủy và anh trai ăn học. Tuổi thơ của Thủy cũng như bao bao cô bé học trò trường làng ở những vùng quê nghèo, ngoài thời gian học ở trường thì phụ giúp cha mẹ làm ruộng vườn chứ không có điều kiện để tiếp xúc với âm nhạc từ nhỏ như bạn bè ở thành phố lớn. Cô đến với ca hát hoàn toàn bằng sự yêu thích và năng khiếu bẩm sinh.

Ngay cái tên trong giấy khai sinh của Thủy cũng rất mộc mạc: Nguyễn Thị Thủy. Sau này đi hát, cô đổi thành nghệ danh Kim Thủy. Nhưng khi vào cuộc thi Thần tượng Bolero, HLV Đàm Vĩnh Hưng góp ý cái tên này nghe không bật lên được, gợi ý cô chọn tên Karon Thủy hoặc Hellen Thủy. Thủy chia sẻ, đến giờ cô vẫn chưa thực sự quen với nghệ danh này, dù rằng khán giả truyền hình đã ấn tượng với tên mới của cô cũng như ưu ái gọi cô là “Ngọc nữ Bolero”.

Ngày nhỏ, Thủy đến với ca hát vì đam mê, không được đào tạo trường lớp bài bản. Người dạy hát cho Thủy không ai khác chính là mẹ của cô. Dù chỉ là nông dân làm ruộng nhưng bà lại có giọng hát hay và rất thích hát. Tình yêu nghệ thuật hồn nhiên của bà cũng cứ thế truyền sang con gái một cách tự nhiên. Niềm hạnh phúc của bà chính là chứng kiến con gái như một họa mi nhỏ, tham gia các phong trào, hội diễn văn nghệ của trường, rồi cấp huyện, cấp tỉnh.

3.jpg
"Ngọc nữ Bolero" có một tuổi thơ khó khăn, vất vả 

Từng là văn công biên phòng

Có tiếng là cây văn nghệ của tỉnh Bình Thuận từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, khi mới tốt nghiệp phổ thông, Thủy tham gia cuộc thi hát phong trào của bộ đội biên phòng tuyến biên giới phía Nam và được Huy chương Vàng. Nhờ đó, cô được Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng tuyển thẳng. Vậy là cô gái 19 tuổi khăn gói rời mẹ cha ra Hà Nội theo nghiệp ca hát.

Một mình ở Hà Nội, không có người quen thân, lại chưa quen với môi trường quân đội, nhiều khi Thủy tủi thân phát khóc. Nhưng những vất vả tại Hà Nội không ăn thua gì so với những chuyến đi biểu diễn. Là đoàn nghệ thuật của biên phòng, nên cứ địa bàn nào xa xôi nhất của đất nước là Thủy và đồng nghiệp đến phục vụ.

Thủy có vóc dáng bé nhỏ, sức khỏe không tốt nhưng cũng như các đồng nghiệp khác, cô đi công tác liên miên, có 1 tháng tới 29 ngày liên tục. Có những nơi xa xôi, 1 giờ sáng mới diễn xong, về đến chỗ nghỉ đã 2 giờ sáng, đặt lưng được một lúc lại phải lên đường lúc 5 giờ. “Nhiều khi mệt quá, tối lên sân khấu diễn chẳng muốn trang điểm luôn”, Thủy cho biết.

Vất vả là thế nhưng đó cũng là những chuyến đi mang đến cho Thủy thật nhiều cảm xúc. Các anh bộ đội cũng như những người dân ở các tuyến biên giới đón nhận đoàn văn công biểu diễn bằng tất cả sự háo hức, thích thú. Kể cả trời mưa, người ta cũng đến, đội áo mưa xem cho bằng được. Chính tình cảm đó của khán giả khiến Thủy được tiếp thêm “lửa” để cất tiếng hát.

hnn_0576.jpg
Cô có gần 3 năm gắn bó với Đoàn Văn công Bộ đội biên phòng 

Chọn cuộc sống giản dị, bình yên

Sau khi làm việc ở Đoàn Văn công Bội đội Biên phòng được gần 3 năm, Thủy thi vào trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và trở thành 1 trong số 15 thí sinh trúng tuyển hệ A. Đây là hệ được Nhà nước bao cấp hoàn toàn chuyện ăn ở cũng như chi phí học tập. Điều này rất có ý nghĩa với một cô gái nghèo như Thủy.

Có người cho rằng, một cô gái có thanh, có sắc, lại hoạt động trong môi trường nghệ thuật như Thủy thì thiếu gì đại gia dòm ngó. Nhưng Thủy khẳng định, cô hoàn toàn tự đi bằng đôi chân của mình, dù phải vất vả. Như những ngày đầu mới ra Hà Nội, cô chắt chiu từ cát-xê đi hát 300 nghìn đồng mỗi tối tại các quán cà phê, dành dụm để trang trải cuộc sống và cả hỗ trợ bố mẹ…

Trong khi những ca sĩ trẻ đẹp thường giấu kín chuyện riêng tư thì Thủy ngược lại, cô không giấu diếm về người thương luôn đồng hành cùng mình trên mọi nẻo đường. Khi tham gia Thần tượng Bolero, Thủy cũng nghe ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nói nửa đùa nửa thật với các học trò của mình rằng phải giấu chuyện đã có người yêu. Thế nhưng, với trường hợp của Thủy, Mr Đàm cũng phải… bó tay, bởi: “Anh chưa thấy đôi nào như đôi này, cứ dính nhau hoài”.

img_5118.jpg
HLV Đàm Vĩnh Hưng "lôi kéo" Thủy về đội của mình trong cuộc thi Thần tượng Bolero

Nghe Helen Thủy thể hiện bản mashup "Kỷ niệm nào buồn - Biển tình" cùng Alan Hùng Cường:

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm