pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ngôi làng có dân số đông ngang một quận nhưng có duy nhất 1 họ
Có vô số địa điểm du lịch hấp dẫn ở Trung Quốc. Trong số đó, làng Dachanglong ở khu vực Triều Sán (Quảng Đông) luôn tạo cho du khách ấn tượng tốt về sự đoàn kết và sôi nổi. Đến đây, du khách có thể đi ngắm biển và tham quan thành cổ, trải nghiệm ẩm thực nổi tiếng với bò viên, lẩu bò và nhiều món ăn nhẹ.
Sở dĩ làng có tên Dachanglong là do được khai hoang trên núi Dachanglong có lịch sử hơn 700 năm và được biết là ngôi làng khổng lồ. Bởi nơi đây là ngôi làng đông dân nhất ở Trung Quốc với số người cư trú ở nơi này là gần 14 triệu người (theo Wikipedia), có thể so sánh với số dân của một huyện nhỏ.
Đáng chú ý, người dân ở làng chỉ có duy nhất một họ là họ Trần, mà ngôi làng còn có con cháu ở khắp nơi trên thế giới. Vào năm 2019, họ Trần là tên họ phổ biến thứ 5 ở Trung Quốc, là họ phổ biến nhất ở các tỉnh phía nam như Chiết Giang, Phúc Kiến và Quảng Đông.
Những ngôi nhà cổ ở khu Triều Sán có bầu không khí cổ kính. Chúng đều là những dãy nhà nhỏ đơn lẻ được sắp xếp ngay ngắn với mọi ngõ ngách đều thông nhau, có hai tầng với tầng trên thường được bố trí làm phòng ngủ, lối vào thứ nhất là nhà bếp và khu vực vệ sinh còn lối vào thứ hai là phòng khách. Mỗi hộ gia đình đều có kiểu nhà và cách trang trí giống nhau, các chi tiết kiến trúc cũng phản ánh văn hóa địa phương.
Văn hóa nhà thờ tổ tiên truyền thống ở nơi đây cũng làm sâu sắc thêm tình đoàn kết truyền thống. Theo thống kê, làng Dachanglong có hơn 70 nhà thờ họ. Vì vậy, người dân làng Dachanglong phân bổ ở nhiều quốc gia nhưng họ vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ.
Đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán, khu vực Triều Sán là nơi có không khí Tết nhất cả nước, đồng thời là điểm nhộn nhịp và tấp nập nhất. Bên cạnh đó, lễ hội long trọng nhất trong năm của làng Dachanglong là ngày 14/4 hay còn gọi là Ngày Con Gái, có nghĩa con gái đã lấy chồng phải đưa chồng con về với gia đình cha mẹ để thăm hỏi họ hàng.
Khung cảnh cả gia đình đoàn viên cùng nhau ăn cơm và trò chuyện, náo nhiệt chẳng kém ngày Tết. Nhà nào có con gái chưa lấy chồng thì người nhà cúng tế thần linh, ăn cơm sum họp tại nhà. Lễ hội hoành tráng đến mức dù gia đình không có người ở trong làng hay đi nước ngoài, họ vẫn cử người đại diện trở về để tổ chức lễ hội và thờ cúng.
Người dân Triều Sán đề cao văn hóa gia đình, kính trọng người lớn tuổi và cha mẹ, đó là những gì họ được dạy dỗ ngay từ khi còn nhỏ. Bất kể ai trong gia đình làm ăn phát đạt, nhất định sẽ đưa theo anh chị em của họ cùng phát triển, giúp đỡ tiền bạc và công sức, truyền nhân đức từ đời này sang đời khác. Theo thời gian, mọi người đều cảm thấy rằng sự đoàn kết trong gia đình là điều đương nhiên.