pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ngôi nhà cao gần gấp đôi tháp Big Ben của gia đình giàu nhất Châu Á cần hơn 600 nhân viên để vận hành
Không chỉ đơn giản là một ngôi nhà, Antilia, nơi ở của một trong những tỷ phú nổi tiếng nhất Châu Á Mukesh Ambani có thể nói là một kiệt tác kiến trúc. Cái tên Antilia được đặt theo tên của hòn đảo thần thoại nằm ở Đại Tây Dương. Với kích thước hùng vĩ và số tiền đầu tư khổng lồ, Antilia có thể “vượt mặt” những ngôi nhà của tất cả các vị tỷ phú khác trên thế giới.
Nguồn cảm hứng đằng sau lối kiến trúc khác thường
Nơi ở nguy nga của tỷ phú Ambani được bắt đầu khởi công xây dựng vào năm 2006 và hoàn thành vào năm 2010, nhưng phải đến hai năm sau đó thì gia đình Ambani mới chuyển đến ở. Nguyên nhân của sự chậm trễ này là do họ tuân theo Vastu Shastra - một triết lý của đạo Hindu liên quan tới việc sắp xếp kiến trúc để tạo ra sự hài hòa cho một ngôi nhà.
Tòa "lâu đài" này được thiết kế bởi hai công ty kiến trúc của Mỹ là Perkins & Will (Chicago) và Hirsch Bedner Associates (Los Angeles). Nhờ việc chiêm ngưỡng và bị mê hoặc bởi những tác phẩm của hai công ty kiến trúc này, vị tỷ phú đã quyết định phải thuê họ xây một ngôi nhà cho mình.
Tất cả mọi chi tiết dù là nhỏ nhất của Antilia đều được kết nối với nhau một cách chặt chẽ, dù đó có là một ngọn cỏ đi nữa. Khu vườn rộng lớn chiếm cả một tầng được dùng để ngăn cách hầm đỗ xe với phần không gian bên trên, nhưng đó chưa phải là nơi duy nhất có không gian xanh.
Nhiều khu vườn được trồng xen kẽ vào các tầng để vừa tạo hiệu ứng thú vị cho tòa nhà, vừa cung cấp bóng mát và làm giảm hiện tượng đảo nhiệt đô thị (hiện tượng nóng lên ở khu vực trung tâm thành phố so với khu vực ngoại thành).
Bên cạnh đó, vật liệu hoặc cấu trúc của các tầng cũng có sự khác biệt để đảm bảo tầng nào cũng là độc nhất trong tòa nhà. Nhiệm vụ này không dễ dàng với tòa kiến trung cao hơn 170m. Tuy có chiều cao “khủng", nhưng tòa nhà lại vô cùng kiên cố và có thể chịu được trận động đất 8 độ richter.
Khi mới được hoàn thành, Antilia không chỉ là ngôi nhà lớn nhất tại Mumbai mà còn là một trong những dinh thự tư nhân đắt tiền nhất thế giới, với chi phí xây dựng lên đến 2 tỷ USD (tương đương 47,3 nghìn tỷ đồng).
Không những thế, tổng diện tích sử dụng của Antilia là 400.000 ft vuông (tương đương 37,2 nghìn mét vuông), tọa lạc trên con đường Altamount nổi tiếng ở thành phố Mumbai, thường được mọi người gọi là con đường của các tỷ phú.
Tư dinh này được dùng để phục vụ Mukesh cùng vợ là Nita, hai con trai là Anant và Akash cùng con gái Isha.
Trong số 27 tầng, 6 tầng trên cùng là khu vực nhà riêng của gia đình và có thể lên bằng thang máy tốc độ cao. 6 tầng khác được sử dụng như một gara trưng bày 168 chiếc xe ô tô sang trọng gồm Bentley Bentayga, Mercedes-Benz S600 Guard, BMW 760Li, cùng với vô số loại xe khác. Vậy nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi vị tỷ phú này có hẳn một trạm dịch vụ xe chuyên dụng bên trong ngôi nhà của mình.
Trong tháng đầu tiên được sử dụng, Antilia đã tiêu thụ 637.240 đơn vị điện năng, tương đương với lượng sử dụng của 2.125 hộ gia đình ở Ấn Độ. Điều này đã đưa đến một hóa đơn điện trị giá 87.000 USD (2 tỷ đồng). Theo thông tin được biết, hiện tại hóa đơn tiền điện của Antilia là 150.000 USD/tháng (3,5 tỷ đồng).
Những điểm đặc biệt khiến Antilia trở thành độc nhất
Antilia là một tòa nhà đặc biệt ở cả bên ngoài lẫn bên trong. Điểm đầu tiên phải kể đến là tiệm kem nằm bên trong căn phòng phun tuyết nhân tạo. Những thành viên trong gia đình hay những vị khách đến đây có thể thoải mái ngồi tận hưởng que kem sô-cô-la mới ra lò dưới màn tuyết trắng lãng mạn.
Chưa hết, Antilia còn có spa tư nhân, phòng tập yoga, một vài hồ bơi, đường chạy bộ và phòng tập thể hình được trang bị đầy đủ dụng cụ. Phu nhân Nita Ambani còn là một vũ công chuyên nghiệp, vậy nên không có gì lạ khi trong nhà còn có một phòng tập nhảy riêng.
Nếu những điều trên vẫn chưa đủ để khiến Antilia trở nên khác biệt, thì lực lượng lao động dùng để vận hành căn nhà gồm 600 người chắc chắn sẽ khiến ai cũng phải há hốc mồm. Nhưng dù vậy, vị tỷ phú này vẫn giáo dục con mình bằng cách để chúng tự dọn dẹp phòng mà không nhận được sự giúp đỡ từ những người phục vụ.
Để lấp đầy một tòa nhà với kích thước khổng lồ như vậy, chắc chắn không thể thiếu những món đồ nội thất. Và phu nhân Nita Ambani, fan “cuồng” của Noritake, thương hiệu sản xuất gốm sứ hàng trăm năm của Nhật Bản, đã bay thẳng đến nhà máy để đặt hàng hơn 25.000 món đồ, rồi tự chuyển nó về trên chiếc phi cơ riêng của mình mà chẳng cần nhờ đến một đơn vị vận chuyển nào.