Ngon khó cưỡng lẩu cá linh bông điên điển

24/01/2019 - 09:17
Với tôi, được khám phá những món ăn đặc sản vùng sông nước miền Tây là một điều vô cùng thi vị. Tôi đặc biệt thích món lẩu cá linh bông điên điển.

Trong chuyến tham quan du lịch Đồng bằng sông Cửu Long 6 ngày, 5 đêm, chúng tôi có dịp dừng chân tại 5 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang. Mỗi tỉnh/thành phố có một nét đặc trưng riêng với những danh thắng nổi tiếng và những món ăn vô cùng phong phú của tôm, của cá cùng những loại rau dân dã vùng sông nước. Thật may, đoàn chúng tôi đến với vùng sông nước đúng vào mùa nước nổi. Đó là vào khoảng cuối tháng 7 âm lịch. Đây là thời điểm thiên nhiên hào phóng ban tặng người dân nơi đây nhiều sản vật, trong đó cá linh và bông điên điển là hai đặc sản được người dân đặc biệt trông chờ.

 

ca-linh.jpg
Lẩu cá linh bông điên điển - món ăn đặc sản miền Tây níu chân du khách mỗi khi đến vùng sông nước

Người dân ở đây kể, mùa nước nổi thường kéo dài vài tháng, từ giữa tháng 7 đến hết tháng 11 âm lịch. Trước đây, nước về nhiều, tôm cá nhiều vô kể. Vài năm gần đây, lưu lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong đổ về ít, trong khoảng thời gian ngắn hơn nên tôm cá cũng vì thế mà ít hơn. Cá linh không còn được ví von “nhiều như cá linh” như trước và giờ đây, cá linh cũng trở thành món ăn đặc sản trong các nhà hàng, khách sạn.

Theo người dân nơi đây cá linh được coi là ngon, ngọt thịt nhất là vào dịp đầu mùa. Những con cá lúc này mới chỉ bé như đầu đũa, xương mềm, bụng có mỡ béo ngậy. Cũng vào thời điểm này, điên điển cũng trổ bông vàng rực. Loài hoa này cũng là món ăn không thể thiếu trong thực đơn của người dân mỗi khi con nước tràn về.

Khi kết hợp cùng cá linh, hai đặc sản này như cặp bài trùng, bung tỏa hương thơm hết sức đặc biệt khiến thực khách đã một lần thưởng thức sẽ khó có thể quên được. Cá linh nhỏ nên khi làm khá mất công. Phải cắt ngang rốn cá một đoạn rồi nặn hết ruột bên trong, cắt đuôi, rửa sạch, để ráo nước, rồi sắp ra đĩa. Sau đó ướp cá với tỏi, bột canh, đường, cà phê. Nếu cầu kỳ hơn một chút có thể đặt cá vừa ướp vào ngăn mát tủ lạnh để cá ngấm gia vị mà vẫn đảm bảo độ tươi. Điên điển nhặt bỏ cọng, rửa dưới vòi nước đang chảy, để ráo.

 

ca-linh.png

           Lẩu cá linh không thể thiếu bông điên điển

 

Nước dùng được chế bằng xương lợn hoặc xương gà. Sau khi trụng qua nước sôi để loại bỏ tạp chất thì đun sôi nồi xương, vớt bỏ bọt cho nước trong, để lửa liu riu khoảng 1 tiếng, lọc bỏ xương để lấy nước dùng. Sau đó lấy một ít mỡ heo xắt quân cờ cho vào chảo, đảo đều đến khi tóp mỡ chín vàng thì tách tóp mỡ để riêng. Cho tỏi vào chảo mỡ phi thơm. Cho tiếp lá me non, rau ngò gai vào, xào thơm. Trút phần vừa xào vào nước dùng, khi nước dùng sôi lần nữa, nêm nếm vừa ăn. Cuối cùng cho ớt sừng cắt lát vào là hoàn thành nồi nước lẩu. Trong trường hợp không có xương lợn hoặc xương gà thì có thể dùng nước dừa bằng cách đun sôi nước dừa tươi, trút phần xào có tóp mỡ, lá me non vào, nêm nếm vừa ăn.

Khi nồi lẩu sôi sùng sục thì thả cá linh vào muỗng, chờ đến khi cá chín dậy mùi thơm thì cho bông điên điển và thêm một số loại rau khác như bông súng vào ăn kèm với bún vô cùng hấp dẫn.

Ngoài lẩu, người ta còn chế biến cá linh với rất nhiều món khác như: Cá linh chiên giòn, cá linh kho tiêu, kho mía, kho lạt, nấu nẩu mắm… Thế nhưng, nếu có dịp trở lại miền sông nước này, chắc chắn món đầu tiên tôi muốn thưởng thức lại chính là lẩu cá linh bông điên điển, bởi lẽ món này không chỉ mang lại hương vị thơm ngon khó cưỡng mà còn xua tan mệt mỏi sau những ngày rong ruổi đường dài.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm