Ngư dân Đà Nẵng lo bị ‘bỏ quên’ hỗ trợ

06/07/2016 - 12:31
Hai tháng sau vụ việc cá chết hàng loạt tại miền Trung, các chợ cá ở Đà Nẵng vẫn cảnh đìu hiu. Ngư dân bỏ biển, treo lưới tìm công việc khác vì hải sản bị tẩy chay, không bán được.
ngu-dan-da-nang-1.jpg
Ngư dân Đà Nẵng neo tàu, nghỉ biển trong tháng 5 khi có thông tin cá chết dạt bờ ở miền Trung. 

“Thiệt hại đã nhiều tỉ đồng”

Tại âu thuyền Thọ Quang (TP. Đà Nẵng), thuyền trưởng Lê Văn Sang – chủ  đoàn tàu hậu cần trên 400 CV lớn nhất miền Trung chia sẻ: “Đà Nẵng là một trong những ngư trường lớn với hàng trăm lượt tàu thuyền cập cảng Thọ Quang mỗi ngày. Không chỉ trong địa bàn, nhiều tàu cá của các tỉnh Bắc Trung Bộ cũng vào Đà Nẵng để bán hải sản. Việc thu mua diễn ra trong suốt thời gian xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển. Không riêng gì ngư dân mà các chủ tàu thu mua hải sản như tôi cũng bị ảnh hưởng không nhỏ trước việc người dân tẩy chay con cá. Như trước đây, mỗi đợt tàu cá tôi thu mua hải sản trên biển vào bờ bỏ cho các Cty hải sản khoảng 4 tỉ đồng thì nay chỉ bán được hơn 2 tỉ".

Theo anh Sang, một chủ tàu thu mua cá tại Đà Nẵng, mong muốn của ngư dân hiện giờ là các vị lãnh đạo cần có những giải pháp nhanh chóng nhằm hỗ trợ để ngư dân Đà Nẵng nói riêng và cả ngư dân miền Trung có thể yên tâm vươn khơi bám biển. “Vừa rồi tôi có nghe thông tin hỗ trợ tiền cho các ngư dân miền Trung bị thiệt hại trong vụ Cty Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm môi trường nhưng tại Đà Nẵng, tôi vẫn chưa nắm được các chính sách hỗ trợ ngư dân từ cơ quan chức năng địa phương, trong khi chúng tôi cũng bị thiệt hại không nhỏ do tin đồn cá chết dạt bờ gây ra” – anh Sang chia sẻ.

Đồng quan điểm này, anh Dương Quốc Kỳ - một thương gia thu mua cá (nậu cá) lâu năm tại âu thuyền Thọ Quang, cho biết, từ những ngày xuất hiện tin cá chết dạt bờ đến nay, người dân vẫn e ngại khi mua con cá khiến nậu cá như anh bị lao đao. “Trước khi xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, chúng tôi đã ký hợp đồng thu mua hải sản với ngư dân thì chúng tôi vẫn phải giữ đúng cam kết. Trớ trêu là nhiều nậu cá như tôi đã trót bỏ tiền mua hàng trăm tấn cá giúp ngư dân, đến khi xuất khẩu thì đối tác từ chối vì tâm lý e ngại. Hậu quả là hàng trăm tấn cá vẫn nằm trong kho lạnh chưa biết ngày nào bán ra. Mỗi ngày tôi phải chịu thêm chi phí lưu kho, tiền thuê bãi, tiền công nhân… Thiệt hại đã lên nhiều tỉ đồng. Chúng tôi phải đợi ai cứu đây khi cơ quan chức năng đến giờ này vẫn án binh bất động" - anh Kỳ bức xúc.

Ông Nguyễn Phú Ban -  Giám đốc Sở NNPTNT Đà Nẵng cho biết, hiện tại Sở vẫn chưa hề nhận chỉ đạo của UBND TP. Đà Nẵng. Về con số thống kê tạm thời thiệt hại của tiểu thương, ngư dân, nậu cá, ông Ban trả lời: “Điều này cũng phải đợi chỉ đạo của UBND TP. Đà Nẵng thì mới thực hiện thống kê cụ thể”.

ngu-dan-da-nang-2.jpg

“Formosa chưa hoàn thành trách nhiệm”

Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng, ông Trần Văn Lĩnh lại khẳng định, không chỉ có ngư dân 4 tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế), tất cả ngư dân miền Trung hoàn toàn có thể kiện Cty Formosa để đòi quyền lợi chính đáng. Ông Lĩnh cho biết, hiện nay, Hội Nghề cá Đà Nẵng đang trao đổi ý kiến với Hội Luật sư Việt Nam về vấn đề này và lắng nghe ý kiến ngư dân từ đó có thể khởi kiện Formosa.  

“Không chỉ 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại, mà thiệt hại tại Đà Nẵng là rất rõ ràng bởi ngay từ khi có thông tin cá chết, người tiêu dùng nói không với con cá, tiểu thương không bán được hải sản, ngư dân phải đổ cá xuống biển vì rớt giá, thậm chí không ai mua.

Theo ông Lĩnh, Formosa thỏa thuận với Nhà nước, bồi thường hơn 500 triệu USD để khắc phục hậu quả, nhưng Nhà nước không phải là đơn vị đại diện cho các bị hại còn lại, nên không thể xem làm như thế là Formosa đã hoàn thành trách nhiệm “xin lỗi”, bồi thường. Nhà nước là chủ thể độc lập, các hiệp hội, ngư dân, tiểu thương cũng là những chủ thể độc lập trong vụ việc này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm