Ngứa mu bàn tay, người phụ nữ Hà Nội hoảng hồn khi phát hiện sinh vật lạ "đào hầm" dưới da

LÊ PHƯƠNG.
22/08/2022 - 16:40
Ngứa mu bàn tay, người phụ nữ Hà Nội hoảng hồn khi phát hiện sinh vật lạ "đào hầm" dưới da
Sau khi bị ngứa ở mu bàn tay, người phụ nữ gãi và có cảm giác có sinh vật đang bò dưới da nên vội đi khám và phát hiện điều bất ngờ.

Bác sĩ Tạ Huy Hải (Bệnh viện Đặng Văn Ngữ) cho biết, bệnh viện mới tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân tên Bùi Thu Thủy (55 tuổi, ở Hà Nội) được chuyển từ bệnh viện tuyến huyện lên điều trị, với chẩn đoán bị ký sinh trùng di chuyển dưới da.

Theo chia sẻ của bà Thủy, cách đây ít lâu, khi làm vườn, bà thấy hay ngứa ở mu bàn tay, ban đầu chỉ là một nốt nhỏ, sau đó lan rộng ra và thành đường ở dưới da.

Khi phát hiện, bà Thủy rất sợ vì có cảm giác như có con gì đang đào hầm, di chuyển dưới da. Đường đi của chúng ngoằn ngoèo, gây ngứa và sưng khó chịu.

Quá lo lắng, bà Thủy đi khám thì được chẩn đoán bị nhiễm ký sinh trùng, dù đã dùng thuốc nhưng không đỡ. Do vậy, bà được chuyển lên BV Đặng Văn Ngữ chuyên về điều trị các bệnh ký sinh trùng.

Hình ảnh ký sinh trùng bò dưới da bệnh nhân trước và sau khi điều trị. Ảnh: BVCC.

Bác sĩ Hải cho biết, sau khi thực hiện các xét nghiệm, bà Thủy được chẩn đoán nhiễm giun đũa chó mèo, nguyên nhân do tiếp xúc với ấu trùng trong quá trình làm vườn.

“Với ấu trùng giun đũa, dù người bệnh không có vết thương hở ấu trùng vẫn có thể xâm nhập qua kẽ hở của lớp biểu bì trên da. Khi xâm nhập qua da, ấu trùng di chuyển dưới da gây viêm da, sưng, nóng và đau. Ấu trùng giun đũa không có khả năng sinh sản khi xâm nhập vào da, một số ấu trùng sau một thời gian ngắn có thể thoái triển và chết đi. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp ấu trùng phát triển nhanh chóng, lan rộng gây nguy cơ viêm nhiễm, thậm chí có thể gây nhiễm trùng máu. Với loại ấu trùng này, hiện nay có thể sử dụng thuốc để điều trị. Sau 2 ngày điều trị, các triệu chứng của nữ bệnh nhân trên đã giảm, hết sưng, ngứa, ấu trùng không di chuyển nữa”, bác sĩ Hải thông tin.

Theo bác sĩ Hải, ấu trùng dưới da tùy trường hợp sẽ có những tổn thương khác nhau. Có trường hợp đi khoảng 1,5-2,3cm/ngày, những có người lại bị 2,3 ấu trùng chạy các hướng khác nhau.

Với trường hợp bị ký sinh trùng di chuyển dưới da, nếu không điều trị kịp thời sẽ gây viêm (sưng, nóng, đỏ, đau) đi đến đâu gây ngứa, khó chịu đến đó, nếu để lâu tổn thương càng lan rộng. Có bệnh nhân tổn thương bọng nước càng ngày càng to gây viêm nhiễm, thậm chí có thể nhiễm trùng máu.

Từ trường hợp trên, bác sĩ Hải khuyến cáo, ấu trùng giun đũa phát triển mạnh ở nơi có khí hậu nóng, ẩm như Việt Nam, người dân làm nông nghiệp cần cẩn trọng khi tiếp xúc với nguồn đất có phân chó, mèo.

Khi tiếp xúc với đất, người dân cần đeo găng tay cao su để giảm tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh. Bên cạnh đó, sau khi làm vườn, cần vệ sinh sạch sẽ tay, chân, những vị trí tiếp xúc trực tiếp với nguồn đất.

Không chỉ gây tổn thương, di chuyển dưới da, giun đũa chó mèo còn có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống, sau đó chúng “chu du” khắp cơ thể và ký sinh ở nhiều bộ phận. Điển hình như có thể lên não, vào mắt, phổi… và gây tổn thương cho các cơ quan đó. Do vậy, việc phòng tránh bằng việc không ăn đồ sống, nhất là rau sống là vô cùng quan trọng để không bị nhiễm giun đũa chó mèo.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm