Người bị bệnh dị ứng có tiêm vaccine mRNA COVID-19 được không?

Kim Phụng
17/04/2021 - 07:30
Người bị bệnh dị ứng có tiêm vaccine mRNA COVID-19 được không?
Trên thế giới đã có những báo cáo hiếm hoi về những người bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine mRNA COVID-19. Liệu người bị bệnh dị ứng có tiêm được không?

Bởi tiêm vaccine mRNA có thể gây ra một số tác dụng phụ, từ nhẹ tới nghiêm trọng nên rất nhiều người có tiền sử dị ứng, chẳng hạn như dị ứng phấn hoa, côn trùng, thậm chí là thuốc hay thành phần của vaccine đang băn khoăn rằng, liệu bệnh dị ứng của họ có tiêm vaccine để chủng ngừa covid-19 được không?

Dưới đây là giải đáp của các nhà khoa học được đăng tải trên Đại học Harvard liên quan tới vaccine mRNA mà bạn có thể tham khảo:

1. Bị dị ứng có tiêm vaccine mRNA được không?

Theo báo cáo thì đã có những ca bị dị ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine mRNA ngừa covid-19. Do đó, về nguyên tắc thì những người tiêm vaccine này đều cần được theo dõi chặt chẽ tối thiểu 15 phút tại khu vực tiêm để có thể can thiệp y tế sớm nhất nếu xảy ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng.

Và mặc dù rủi ro là nhỏ và hầu hết những người có tiền sử dị ứng nghiêm trọng trước đó có thể tiêm vaccine mRNA bình thường một cách an toàn. Điều này bao gồm cả những người bị mắc bệnh dị ứng phấn hoa, dị ứng thức ăn, dị ứng thuốc uống,... Và nếu bạn từng có tiền sử trên, hãy nói chuyện với chuyên viên tiêm chủng và bác sĩ của bạn để được cân nhắc theo dõi thêm sau khi tiêm, ít nhất là 30 phút thay vì 15 phút tối thiểu.

Người bị bệnh dị ứng có tiêm vaccine mRNA COVID-19 được không? - Ảnh 2.

Hãy trao đổi với bác sĩ của bạn nếu như bạn có tiền sử dị ứng thuốc trước đây (Ảnh: Internet)

Trong trường họp bạn có tiền sử phản ứng dị ứng với thành phần của vaccine trước đó thì CDC khuyên rằng, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để cùng xem thành phần của các loại vaccine mRNA hiện nay để lựa chọn phù hợp.

Có một số cá nhân không nên chủng ngừa vaccine mRNA nếu bị dị ứng với bất kì một thành phần nào của vaccine này, bao gồm polyethylene glycol (PEG) và polysorbate. Với liều thứ hai của vaccine cũng vậy, khi đã có phản ứng dị ứng với mũi số một trong vòng 30 phút sau khi tiêm thì bạn cũng không nên tiêm liều thứ hai.

2. Có nhóm người nào không nên tiêm vaccine mRNA Covid-19 không?

Theo thông tin vừa nêu trên, thì có một số nhóm người không nên tiêm vaccine mRNA phòng Covid-19 như sau:

- Người bị dị ứng với bất kì một thành phần nào của vaccine mRNA, bao gồm polyethylene glycol (PEG) và polysorbate

- Người có phản ứng dị ứng trong vòng 30 phút đầu tiên sau tiêm mũi đầu tiên của vaccine.

Và nếu như bạn từng bị dị ứng với các vaccine khác thì đừng quên nói chuyện với bác sĩ để cân nhắc về mức độ rủi ro khi tiêm một trong các loại vaccine mRNA hiện có.

Những người có hệ miễn dịch suy giảm, bao gồm người đang mắc các bệnh tự miễn hay đang điều trị bằng phương pháp ức chế miễn dịch (hóa trị),.. là nhóm có nguy cơ nhiễm covid-19 biến chứng nghiêm trọng. Nhóm này có thể tiêm vaccine mRNA. Tuy nhiên, có thể có những cân nhắc an toàn khác. Tốt nhất là nói chuyện với bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro có thể nhận được sau tiêm.

Người bị bệnh dị ứng có tiêm vaccine mRNA COVID-19 được không? - Ảnh 3.

Người bị bệnh dị ứng cần cân nhắc giữa rủi ro và lợi ích khi tiêm vaccine (Ảnh: Internet)

Cuối cùng, nếu như bạn từng nhận huyết tương của người nhiễm bệnh (convalescent plasma) hay nhận kháng thể đơn dòng trong điều trị covid-19 thì điều này có thể giảm hiệu quả hoạt động của vaccine. Các chuyên gia cho biết, tốt nhất nhóm này nên có thời gian chờ là 90 ngày trước khi tiếp nhận.

3. Điều gì gây ra phản ứng dị ứng vaccine?

TS.BS David M. Lang, chủ nhiệm khoa Khoa Dị ứng và Miễn dịch Lâm sàng của Cleveland cho biết: "Người ta tin rằng các phản ứng dị ứng liên quan đến COVID-19 có liên quan đến polyethylene glycol (PEG), một thành phần trong vaccine. Hiện tại vẫn chưa rõ một số phản ứng có xảy ra thông qua một cơ chế khác hay không". (1)

4. Thông tin khác cần biết về vaccine mRNA

Vaccine mRNA (viết tắt của messenger RNA) là một trong những loại vaccine kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể và tạo ra kháng thể chống lại các bệnh truyền nhiễm như covid-19 không theo cơ chế của các loại vaccine cổ điển trước đó.

Cơ chế hoạt động của vaccine mRNA

Cụ thể, vaccine này dạy cho các tế bào của cơ thể người cách để có thể tạo ra một loại protein hay chỉ là một phần của protein để kích hoạt ra các phản ứng miễn dịch của cơ thể. Từ đó sinh ra các kháng thể bảo vệ bạn khi virus xâm nhập vào.

Các tế bào sẽ nhận được hướng dẫn nhận biết về protein đột biến được tìm thấy trên bề mặt của virus covid-19.

Khi thuốc chủng ngừa mRNA COVID-19 tiêm vào cơ thể, các mRNA sẽ đi vào và nằm bên trong các tế bào miễn dịch, kích thích các tế bào tạo ra các mảnh protein. Sau khi mảnh protein được tạo ra, tế bào sẽ phá vỡ các mRNA và loại bỏ chúng.

Người bị bệnh dị ứng có tiêm vaccine mRNA COVID-19 được không? - Ảnh 4.

Các tế bào sẽ nhận được hướng dẫn nhận biết về protein đột biến được tìm thấy trên bề mặt của virus covid-19 (Ảnh: Internet)

Tiếp theo, các tế bào sẽ hiển thị các mảnh protein lên trên bề mặt, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ nhận ra rằng các mảnh protein không thuộc về cơ thể và bắt đầu tạo ra các phản ứng miễn dịch và tạo ra kháng thể chống lại các mảnh protein này, điều này giống như những gì xảy ra trong nhiễm trùng tự nhiên COVID-19.

Các loại vaccine mRNA đã được nghiên cứu trước đây đối với bệnh cúm, Zika, bệnh dại và cytomegalovirus (CMV). Ngay sau khi có thông tin cần thiết về virus gây ra COVID-19, các nhà khoa học đã khẩn trương thiết kế ra vaccine mRNA COVID-19.

Ngoài ra, công nghệ vaccine mRNA trong tương lai có thể cho phép tạo ra một loại vaccine nhưng có thể bảo vệ được nhiều bệnh, do đó sẽ làm giảm số lượng mũi tiêm cần thiết để bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh lây nhiễm phổ biến có thể phòng ngừa bằng vaccine. Bên cạnh đó, hiện nay các nhà khoa học còn nghiên cứu sử dụng mRNA để kích hoạt hệ thống miễn dịch nhằm vào các tế bào ung thư cụ thể.

Nguồn dịch tham khảo:

1. What you need to know before getting vaccinated

2. Should You Get the COVID-19 Vaccine If You Have Allergies?

3. Understanding mRNA COVID-19 Vaccines


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm