Người cha làm quan quyết không 'chạy điểm' cho con

04/09/2018 - 19:00
Người ta thường nói, một người làm quan, cả họ được nhờ. Nhưng điều ấy dường như không đúng với đại gia đình của tôi…
Bác tôi ngày đó đảm đương cương vị khá quan trọng trong chính quyền, có xe ô tô đưa rước nhưng chưa bao giờ bác dùng quyền thế để ưu ái người trong nhà. Ngay cả anh chị họ tôi là con ruột của bác, mà cũng không được hưởng đặc ân đó.
 
Nghe mẹ kể lại, bác tôi dù bận rộn đến mấy nhưng khi các con đến tuổi đi học, 1 năm 2 kỳ họp phụ huynh học sinh, bác đều đích thân đi dự. Bác tôi không đi xe ô tô (vì bác bảo đó là việc riêng nên không thể dùng xe công), cũng không mặc quần áo sang trọng để tạo sự cách biệt với các phụ huynh học sinh khác.
 
Lần nào, bác cũng tự đạp xe đạp, đến đúng giờ và ngồi ở cuối lớp. Cô giáo của anh chị tôi biết bác “làm to” nên sợ quá, còn chạy xuống mời bác lên ngồi hàng đầu tiên, còn hỏi bác có muốn phát biểu chỉ đạo gì không. Bác xua tay, ra hiệu không đồng ý rồi bác nói nhỏ: “Thưa cô giáo, tôi đến đây để họp cho con. Ở trường, trong buổi họp này, cô mới là người chủ chốt, còn tôi chỉ là 1 phụ huynh học sinh. Tôi xin lắng nghe lời cô nói”.
 
Suốt những năm anh chị tôi đi học, gần như chỉ có Ban Giám hiệu và cô giáo biết về “xuất thân” của anh chị. Còn mọi người khác đều nghĩ anh chị tôi cũng chỉ là con em cán bộ bình thường. Cuối năm học lớp 5, anh họ tôi do ham chơi nên bị học lực trung bình. Cô giáo vội gọi đến nhà, hỏi ý kiến bác là có cho anh thi lại để gỡ điểm hay không. Bác tôi không đồng ý, còn nói cô cứ đánh giá đúng thực lực của anh. Đừng vì sợ anh là con “quan” mà nâng đỡ, vì làm vậy là cô đang hại anh.
 
Thậm chí, nếu cô thấy cần thiết cho anh đúp thì bác cũng không có ý kiến gì. Vì thế, năm đó, anh tôi đã bị học lực trung bình thật, còn đứng gần bét lớp. Bác tôi gọi anh lại, nói anh hãy từ bỏ ngay ý nghĩ dựa dẫm vào bố. Bác sẽ không bao giờ “chạy cửa sau” cho anh. Muốn cuộc đời sau này sướng khổ ra sao thì anh cứ việc chọn thái độ học tập như thế. Anh tôi sợ xanh mắt, lý nhí xin lỗi bố. Từ đó tôi thấy anh bắt đầu chí thú học hành hơn.
asianfamily_games2.jpg
Ảnh minh họa

 

Khi chị họ tôi lên cấp 3, trường của chị tổ chức cho học sinh đi thực tế để hướng nghiệp. Chị tôi nằm trong nhóm đi thực tế ở miền núi. Biết tin, chị thì thầm nói chỉ cần bác “alo” một tiếng là chị sẽ được ở lại thành phố, không phải đi xa. Bác nhìn chị tôi ngạc nhiên: “Tại sao các bạn khác chịu khổ được mà con không làm được. Bố nghĩ, các học sinh khi đi học đều cần được bình đẳng với nhau. Con dùng thế của bố để hưởng sung sướng nhưng các bạn khác thì biết dựa dẫm vào ô dù nào. Vì thế, con hãy tự đi bằng đôi chân của mình”.
 
Không chỉ nghiêm khắc với các con, với anh em họ hàng, cháu chắt... bác cũng rất rõ ràng quan điểm là không nâng đỡ ngầm. Bác chỉ can thiệp nếu có ai đó gặp bất công thực sự mà thôi.
 
Bác tôi luôn nói rằng: “Khi nhận sự giúp đỡ không trong sáng, có thể mình sẽ đạt tới đích dễ dàng nhưng trong lòng lúc nào cũng hổ thẹn, lại luôn lo sợ bị người khác phát giác vì mình đâu có năng lực thật. Còn nếu mình tự vươn lên thì mình có quyền ngẩng cao đầu, không sợ há miệng mắc quai.
 
Nếu mình chỉ tặc lưỡi làm điều gian dối một lần thì lần sau lại sẽ... quen mui và cuối cùng, thì trở thành người xấu lúc nào không biết”. Biết tính bác, các anh chị họ và con cháu trong gia đình luôn bảo nhau sống trung thực. Quả nhiên, đến nay, chúng tôi đều trưởng thành và thấm thía lời dạy của bác. Anh họ tôi còn bảo, nếu ngày đó mà được bố “chạy chọt” cho thì không bao giờ anh học tập cho tử tế nữa.
 
Trong gia đình, muốn con cái trung thực thì bố mẹ phải sống thẳng thắn, trung thực trước. Và sự trung thực cũng phải được rèn luyện mỗi ngày và kéo dài trong suốt cuộc đời.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm