Người có uy tín ở vùng cao: "Không thể khuyên ai bỏ thuốc khi mình còn hút"

Văn Long (thực hiện)
24/07/2025 - 13:06
Người có uy tín ở vùng cao: "Không thể khuyên ai bỏ thuốc khi mình còn hút"

Ông Hồ Văn Bui, người có uy tín ở bản A Vao, xã Tà Rụt (tỉnh Quảng Trị)

Từng nghiện thuốc lá nhiều năm, ông Hồ Văn Bui, người có uy tín ở bản A Vao (Quảng Trị), quyết tâm bỏ thuốc vì cháu nhỏ. Từ đó, ông đi đầu vận động dân bản cùng xây dựng môi trường sống không khói thuốc.

Từng hút thuốc lá suốt nhiều năm, ông Hồ Văn Bui, người có uy tín ở bản A Vao, xã Tà Rụt (tỉnh Quảng Trị) đã dứt bỏ thói quen gây hại, rồi trở thành người tiên phong vận động dân bản cùng xây dựng môi trường sống không khói thuốc. Với ông, từ bỏ thuốc lá không chỉ là chuyện của cá nhân, mà còn là trách nhiệm với con cháu và cộng đồng. 

Phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông xung quanh hành trình từ bỏ thuốc lá và những nỗ lực thay đổi thói quen của bà con nơi đây.

Phóng viên: Thưa ông, là người từng hút thuốc nhiều năm, cơ duyên nào khiến ông quyết tâm từ bỏ thuốc lá?

Ông Hồ Văn Bui: Thật ra lúc đầu tôi hút vì nghĩ đơn giản thuốc lá giúp tỉnh táo, dễ nói chuyện, làm việc lâu không mệt. Ở bản, hầu như đàn ông nào cũng hút, thành ra thấy chuyện đó là bình thường. Nhưng càng về sau thì sức khỏe xuống rõ, tôi hay ho, tức ngực, người lúc nào cũng uể oải.

Điều khiến tôi thay đổi là khi đứa cháu nội mới sinh bị ho mãi không khỏi. Đưa đi trạm y tế, bác sĩ bảo cháu bị viêm phế quản, khả năng cao là do hít khói thuốc thụ động trong nhà. Nghe vậy mà tôi thấy như ai đâm vào tim. Tôi thương cháu lắm, nghĩ mình hút, cháu phải chịu. Từ đó, tôi quyết tâm bỏ thuốc. Không vì ai khác, chỉ vì cháu thôi.

Phóng viên: Việc cai thuốc với ông có khó khăn không, nhất là khi đã hút nhiều năm?

Ông Hồ Văn Bui: Khó chứ. Những ngày đầu bỏ thuốc là vất vả nhất. Người bứt rứt, thấy bực bội, thèm thuốc kinh khủng. Cứ quen miệng, tay cứ muốn cầm điếu lên hút. Có đêm mất ngủ, cứ lăn qua lộn lại nghĩ đến thuốc. Nhưng tôi tự nhủ nếu hút lại thì cháu lại khổ. Mỗi lần thèm, tôi đi uống nước, nhai kẹo, hoặc ra ngoài đi bộ cho khuây khỏa. May mắn là có vợ con động viên. Cứ nhìn ánh mắt thằng cháu đỏ hoe, ho sặc sụa, là tôi lại có thêm quyết tâm. Sau vài tháng thì cơn thèm cũng qua. Giờ ngửi thấy mùi thuốc là thấy khó chịu rồi.

Người có uy tín ở vùng cao: "Không thể khuyên ai bỏ thuốc khi mình còn hút"- Ảnh 1.

Đường vào bản A Vao

Phóng viên: Sau khi bỏ thuốc, ông bắt đầu tuyên truyền vận động bà con trong bản như thế nào?

Ông Hồ Văn Bui: Tôi bắt đầu từ những người gần mình nhất – bạn bè thân, anh em trong họ. Tôi kể chuyện bản thân bỏ thuốc ra sao, cháu tôi bị bệnh thế nào, để họ thấy đây là chuyện thật, không phải nói suông. Nhiều người nghe thì giật mình, vì họ cũng hút trong nhà, mà nhà thì có con nhỏ. Sau đó, mỗi lần có sinh hoạt bản, tôi lại xin vài phút để nói chuyện về tác hại thuốc lá. Nói bà con rằng hút thuốc không chỉ hại mình mà còn hại cả vợ con, tốn tiền mà không lợi gì. Tôi cũng nói rằng bỏ thuốc thì ăn ngon hơn, ngủ khỏe hơn, tiết kiệm được mỗi tháng mấy trăm ngàn. Không phải ai cũng nghe liền, nhưng dần dần cũng có người bỏ được, có người thì giảm. Mỗi thay đổi nhỏ như vậy, tôi đều thấy vui.

Phóng viên: Theo ông, rào cản lớn nhất khiến bà con chưa bỏ thuốc là gì?

Ông Hồ Văn Bui: Một phần là do thói quen lâu năm. Nhiều người nói hút mấy chục năm rồi, giờ bỏ sao được. Phần nữa là do văn hóa trong bản, có khách thì mời rượu, mời thuốc. Không hút thì bị chê là "không đàn ông". Thành ra nhiều người dù biết hại cũng không dám bỏ. Tôi nghĩ, điều quan trọng là phải có người gần gũi, đáng tin, từng trải như mình để họ thấy việc bỏ thuốc là làm được. Chứ cán bộ hay người ngoài nói, họ nghe rồi cũng để đó.

Phóng viên: Ông là người có uy tín trong cộng đồng. Ông thấy vai trò của mình trong phòng chống tác hại thuốc lá ra sao?

Ông Hồ Văn Bui: Mình được bà con quý, được xã tin tưởng giao trách nhiệm, thì phải sống cho xứng đáng. Trước khi vận động người khác bỏ thuốc, bản thân mình phải bỏ trước. Làm gương là quan trọng nhất. Không thể khuyên ai bỏ thuốc khi mình còn hút.

Tôi cũng phối hợp với trạm y tế, Hội LHPN nữ xã trong mấy buổi truyền thông ở bản. Khi có chương trình tuyên truyền về sức khỏe, tôi tham gia nhiệt tình. Có lúc thấy có ông nào hút thuốc nhiều quá, tôi đến tận nhà nói chuyện riêng, không chỉ trích, chỉ kể chuyện của mình để họ hiểu. Không ép, chỉ khuyên thôi. Gần đây, tôi thấy bà con ý thức hơn. Ai hút thì ra ngoài hút chứ không hút trước mặt con. Những thay đổi nhỏ đó cho thấy mình làm đúng hướng.

Người có uy tín ở vùng cao: "Không thể khuyên ai bỏ thuốc khi mình còn hút"- Ảnh 2.

Ông Bui thường đến tận nhà những người hút thuốc nhiều để tuyên truyền về tác hại thuốc lá

Phóng viên: Theo ông, làm sao để vận động phòng chống thuốc lá hiệu quả hơn ở vùng đồng bào?

Ông Hồ Văn Bui: Phải dựa vào người trong cộng đồng - người có uy tín, trưởng bản, trưởng họ, cán bộ Hội phụ nữ… Những người đó nói thì bà con mới nghe. Nói bằng tình cảm, bằng câu chuyện thật, không giáo điều. Cũng nên tổ chức mấy buổi sinh hoạt bản có chuyên gia y tế nói rõ hậu quả, có người từng bỏ thuốc lên chia sẻ thì bà con dễ tiếp thu hơn.

Tôi cũng nghĩ nên đưa nội dung phòng chống thuốc lá vào quy ước bản, như không hút trong nhà, không hút nơi đông người. Làm từ từ, nhưng kiên trì thì sẽ có hiệu quả.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm