Người dân cần chủ động phòng ngừa bệnh thương hàn sau mưa lũ

Trường Hùng
22/07/2025 - 11:11
Người dân cần chủ động phòng ngừa bệnh thương hàn sau mưa lũ

Ảnh minh họa

Trong và sau mưa lũ, nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh thương hàn, gia tăng do môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bộ Y tế vừa đưa ra những khuyến cáo cụ thể để người dân chủ động phòng, chống căn bệnh này.

Theo Bộ Y tế, tình trạng mưa lớn, ngập úng kéo dài trong và sau bão thường làm môi trường ô nhiễm nặng nề. Vi sinh vật, rác thải, phân người và động vật… bị cuốn trôi theo dòng nước, xâm nhập vào nguồn nước sinh hoạt và thực phẩm, tạo điều kiện lý tưởng để dịch bệnh bùng phát. Trong đó, bệnh thương hàn là một trong những căn bệnh có nguy cơ lây lan cao và để lại hậu quả nặng nề nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời.

Bệnh thương hàn là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Salmonella typhi gây ra. Bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng như sốt cao kéo dài, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, ho khan, có thể táo bón hoặc tiêu chảy. Thời gian ủ bệnh trung bình từ 8 - 14 ngày, tùy thuộc vào số lượng vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.

Người dân cần chủ động phòng ngừa bệnh thương hàn sau mưa lũ- Ảnh 1.

Nguồn lây nhiễm chủ yếu là người bệnh, người khỏi bệnh vẫn còn đào thải vi khuẩn ra môi trường (trong vòng 2 - 3 tuần, có thể kéo dài tới 3 tháng). Và người lành mang khuẩn – tức những người bị nhiễm nhưng không có triệu chứng rõ ràng. Điều này khiến việc kiểm soát nguồn bệnh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh vệ sinh môi trường và hệ thống nước sạch bị gián đoạn do mưa lũ.

Vi khuẩn thương hàn có thể xâm nhập vào cơ thể người thông qua đường tiêu hóa, chủ yếu do ăn phải thực phẩm hoặc uống nước bị nhiễm khuẩn mà không được nấu chín. Ngoài ra, tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, người mang vi khuẩn hoặc vật dụng bị nhiễm cũng có thể dẫn tới lây bệnh. Bộ Y tế cảnh báo, trong điều kiện sau bão lũ, những con đường lây nhiễm này đặc biệt dễ xảy ra và có thể dẫn đến dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng.

Để phòng, chống bệnh thương hàn, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần đặc biệt chú trọng các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Cụ thể, cần thực hiện ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; không sử dụng nước chưa qua xử lý để ăn uống; che đậy kỹ thực phẩm và bảo quản đúng cách.

Người dân cần chủ động phòng ngừa bệnh thương hàn sau mưa lũ- Ảnh 2.

Ngoài ra, cần cải thiện hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, xử lý rác thải và chất thải hợp vệ sinh, tránh để nước thải, phân, rác tiếp xúc với nguồn nước sạch. Việc giám sát các ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao và kịp thời báo cáo khi có trường hợp nghi ngờ cũng rất quan trọng để kiểm soát dịch từ sớm.

Các địa phương được yêu cầu chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, thiết bị, máy phun để sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra. Đồng thời, ngành y tế và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng bệnh trong cộng đồng, đặc biệt ở những vùng trũng thấp, thường xuyên bị ngập lụt, nơi người dân có thói quen sử dụng nước từ sông, ao, hồ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm