“Sống chung với lũ” suốt hơn 2 tuần
Những năm gần đây, hầu như năm nào huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cũng phải gồng mình gánh chịu những hậu quả nặng nề do lũ lụt khiến thiệt hại lớn về tài sản cũng như cơ sở vật chất, hạ tầng. Tuy nhiên, theo đánh giá của người dân địa phương thì năm nay là trận ngập lụt lớn và kéo dài nhất. Tại các xã dọc sông Bùi như Nam Phương Tiến, Tốt Động, Thanh Bình, Trung Hòa, Hoàng Văn Thụ..., nhiều nhà cửa vẫn đang ngập sâu trong nước, hàng ngàn người đang phải đi sơ tán.
Xã Nam Phương Tiến là nơi được xem là bị ngập lụt nặng nhất của huyện Chương Mỹ. Tại đây, hàng trăm hộ dân vẫn đang sống trong cảnh “sống chung với lũ” suốt hơn 2 tuần nay. Những con đường dẫn vào xã đang chìm sâu trong nước và có những nơi ngập từ 3-4m, khiến giao thông đi lại của người dân gặp muôn vàn khó khăn. Đa số người dân phải dùng thuyền để vận chuyển nhu yếu phẩm và đi lại.
Cơn lũ kéo dài buộc hàng ngàn hộ dân phải sống trong cảnh mất điện, thiếu nước sạch để sinh hoạt, nhiều ngôi nhà bị ngập sâu trong nước, lúa gạo bị ướt không thể nấu nướng... Nhiều gia đình phải ăn mì gói, uống nước lọc được trợ cấp từ chính quyền địa phương và các tổ chức từ thiện,
Nước rút đến đâu, vệ sinh đến đó
Hiện nay, nguồn nước giếng sinh hoạt chủ yếu của người dân sống dọc 2 bên sông Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ không thể sử dụng được và đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, cùng với đó rác thải, xác động vật, rác thải trôi từ các nơi về cũng đang bốc mùi hôi thối nồng nặc tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh như: sốt xuất huyết, tả, đau mắt đỏ, da liễu...
Trao đổi với PV, ông Đỗ Đình Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến cho biết: Với tình hình thời tiết như hiện nay không thể dự đoán được chắc chắn khi nào nước rút nên trước đó chính quyền địa phương đã tuyên truyền vận động bà con nhân dân vận chuyển tài sản lên cao và đảm bảo tính mạng con người, đặc biệt là với các hộ dân ở nơi ngập sâu.
“Về vấn đề vệ sinh môi trường thì cơ bản những chỗ nước rút, rác đã được thu gom và được chở đi nơi khác, còn những chỗ bất khả kháng nước sâu, xe không vào được thì chúng tôi đành đợi nước rút đến đâu xử lý đến đó. Và thời tiết cũng đang diễn biến thất thường nên xã vẫn bố trí lực lượng để cảnh báo người dân vùng bị ngập lụt, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thực hiện vệ sinh môi trường”, ông Trung thông tin.
Huy động tối đa nhân lực để giúp dân vùng lũ
Theo báo cáo từ Ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Chương Mỹ (tính đến 7 giờ sáng ngày 1/8), thống kê sơ bộ cho thấy, hiện tại các xã, thị trấn bị ngập lụt có hơn 3.683 hộ bị ngập (trong đó có 835 hộ bị ngập lối đi, 2.848 hộ bị ngập từ 0,5-2m và 6.083 người dân phải sơ tán).
Về thiệt hại do mua lũ gây ra: Diện tích lúa bị ngập là hơn 1.376 ha, rau màu là hơn 284 ha, diện tích nuôi trồng thủy sản thiệt hại gần 606 ha, hàng ngàn gia súc, gia cầm bị chết do ngập lụt. Bên cạnh đó, hàng chục công trình công cộng như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, đình chùa bị ngập, hư hỏng...
Hiện nay, do lượng mưa giảm và cùng với hệ thống trạm bơm hoạt động liên tục nên mực nước trên sông Bùi đã có chiều hướng giảm mạnh. Tuy nhiên, tình hình mưa lũ vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Vào chiều ngày 31/7, huyện Chương Mỹ đã có văn bản hỏa tốc gửi các đơn vị liên quan đề nghị tập trung ứng phó với mưa lớn trên địa bàn.
Văn bản nêu rõ, hiện nay nước ở thượng lưu các sông tiếp tục dồn về, mực nước ở các sông dâng cao tới mức nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng đến các tuyến đê trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ huyện Chương Mỹ yêu cầu các đơn vị liên quan dừng ngay các hội nghị, hội họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo ứng phó với tình hình mưa lũ, ngập úng đang diễn ra trên địa bàn.
UBND huyện, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, cùng các đơn vị liên qua tiếp tục theo dõi tình hình mưa, lũ, ngập úng trên địa bàn huyện; thường xuyên kiểm tra các tuyến đê, hồ chứa, công trình thủy lợi trên địa bàn, kịp thời nắm bắt và có biện pháp khắc phục ngay các điểm đê xung yếu có nguy cơ tràn, vỡ, lở.
Chủ động triển khai các phương án sơ tán các hộ dân ra khỏi vùng ngập úng khi có chủ trương. Phương án sơ tán dân phải cụ thể, rõ ràng và phải đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho nhân dân khi sơ tán đến địa điểm mới, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.
Bà Trần Thị Nhạn, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Đồng Dâu, xã Tốt động, cho biết: Từ khi xảy ra mưa lũ đến nay, nhận được sự chỉ đạo của cấp trên, các hội viên trong chi hội cũng đã được huy động để phối hợp cùng cơ quan chức năng, người dân sơ tán người, tài sản cũng như vật nuôi ra khỏi vùng bị ngập úng. Suốt hơn 2 tuần nay, chị em trong Chi hội đã thay phiên nhau giúp người dân vận chuyển nước sạch, mì tôm và các nhu yếu phẩm khác, kêu gọi các hội viên trong Chi hội hỗ trợ cho những chị em gặp khó khăn ở vùng lũ.
Ông Hoàng Minh Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ: Qua theo dõi diễn biến của thời tiết, từ ngay sau khi mưa lũ xảy ra chính quyền địa phương cũng đã lên phương án, kế hoạch, chuẩn bị những hàng hóa thiết yếu để phục vụ đời sống nhân dân và phải đảm bảo nhu cầu hằng ngày của người dân. Bên cạnh đó, lên phương án chỉ đạo đắp, gia cố thêm để đảm bảo an toàn đê và là luôn túc trực để phương án sơ tán dân khi có chủ trương. Về phương án đảm bảo môi trường thì nước rút đến đâu sẽ xử lý môi trường đến đó, thuốc men cũng được dự trữ tại các trạm y tế xã để đảm bảo không để dịch bệnh bùng phát, khám chữa bệnh cho người dân. Các trường học cũng được đảm bảo để cho học sinh đến trường được an toàn. |
“Từ khi xảy ra mưa lũ đến nay, những hộ gia đình nào buộc phải sơ tán thì ngay lập tức chúng tôi cũng đã phải cắt điện để đảm bảo an toàn, còn những hộ gia đình chỉ ngập một phần thì nguồn điện vẫn được duy trì để đảm bảo các sinh hoạt thiết yếu của người dân. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng túc trực thường xuyên để đảm bảo an toàn điện cho người dân vùng bị ngập lụt”, một cán bộ điện lực huyện Chương Mỹ chia sẻ. |