pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chính trị - Xã hội
Người dân TP Hồ Chí Minh cách ly tại nhà, đồng lòng chống dịch
Những ngày trước, sáng sáng đi chợ mua thực phẩm về nấu nướng là thú vui của chị Nguyễn Thị Tươi (Quận Gò Vấp, tp Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, ngày đầu tiên cách ly chống dịch, chị Tươi từ bỏ thói quen đó. Chị tận dụng số thực phẩm dư thừa trong tủ lạnh để chế biến thức ăn.
Chị quyết tâm trong 15 ngày cách ly, hạn chế thấp nhất ra khỏi nhà. Chị cũng coi đây là dịp thực hành tiết kiệm như lời khuyên của các chuyên gia dù điều kiện tài chính của gia đình khá dư dả. "Tôi tận dụng thực phẩm còn ở nhà, chế biến để ăn cũng được 5 – 7 ngày, sau đó hãy mua. Chống dịch mà! Mình cố gắng thì sẽ vượt qua thôi".
Ở độ tuổi mà theo lệnh của Thủ tướng là không ra khỏi nhà trong thời gian cách ly, khi có nhu cầu thực phẩm hay vật dụng thiết yếu, chị Huỳnh Thị Hiệp (Gò Vấp, tp Hồ Chí Minh) đều đặt mua qua điện thoại, có người vận chuyển đến tận nhà.
Chị Hiệp cũng cho rằng, mình cũng chỉ mua những thứ thật sự cần thiết. Quan trọng nhất lúc này là hạn chế những rủi ro có thể xảy ra.
"Tôi nghĩ, mười mấy ngày sẽ trôi qua mau thôi. Nhưng cái mình có được lại sự bình an. Điều đó quý giá hơn nhiều thứ chứ!".
Chị Huỳnh Thị Hiệp (Gò Vấp, tp Hồ Chí Minh)
Ngay từ sau khi có lệnh cách ly toàn xã hội của Thủ tướng, các cấp đoàn thể ở thành phố Hồ Chí Minh đã tăng cường thông báo, vận động hội viên tuân thủ nghiêm. Đối với phụ nữ, các chị được cung cấp địa chỉ, số điện thoại và được hướng dẫn cách mua hàng hóa, thực phẩm bằng hình thức trực tuyến, giao tận nhà.
Bà Nguyễn Thị Duyên, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN quận Gò Vấp, tp Hồ Chí Minh, cho hay: "Chúng tôi tra cứu tất cả các số điện thoại của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn quận. Tùy theo từng phường, nơi nào gần thông báo cho hội viên biết và cả hướng dẫn những người chưa quen để tiếp cận mua lương thực phẩm bằng hình thức này".
Ủng hộ cách làm này, chị Nguyễn Thị Thanh Hải (Quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) hứa chắc như định đóng cột: "Tôi không có mua đồ dự trữ và cũng khuyên các con là nên theo địa chỉ mà hội phụ nữ hướng dẫn để mua và không cần phải đi đâu hết".
Trong ngày đầu tiên cách ly toàn xã hội, các hình thức mua trực tuyến tăng vọt. Nhiều nơi cũng tổ chức tốt việc giữ khoảng cách 2m giữa 2 người khi tiếp xúc. Có nơi kiểm soát dịch bệnh rất kỹ như tiệm bán thức ăn nhanh Trần Quang Ký, ở quận 5. Người nhận thức ăn, trước khi vào bên trong đều được kiểm tra thân nhiệt.
Trong khi đó, lượng người đến các chợ truyền thống, chợ dân sinh giảm rõ rệt, chỉ thưa thớt người. Nhiều chợ đặt chốt kiểm soát có lực lượng công an, dân phòng hỗ trợ, yêu cầu tất cả phải sát trùng tay và đeo khẩu trang trước khi vào chợ.
Ông Nguyễn Quang Huy, một người đi chợ Phước Long B (Quận 9, TP Hồ Chí Minh), cho biết: "Tôi nghĩ việc buộc sát khuẩn như vậy là rất tốt. Nó mang lại sự an toàn cho bản thân mình và cho mọi người."
"Còn những trường hợp nào tới chợ mà không đi qua nơi kiểm soát, không chịu sát khuẩn tay, không đeo khẩu trang thì Ban quản lí chợ kiên quyết mời ra để bảo đảm hiệu quả cho công tác chống dịch" - Ông Nguyễn Hồng Thuận (Phó trưởng Ban quản lí chợ Phước Long B, quận 9, TP Hồ Chí Minh) khẳng định.
Diễn biến dịch bệnh và các biện pháp chống dịch quyết liệt được triển khai cũng làm cho giới trẻ nhận thức rõ hơn trách nhiệm bản thân mình. Dù việc chấp hành cách ly 15 ngày đối với họ không hề dễ dàng. "Thực tế, ở nhà dài ngày cũng rất khó chịu. Nhưng phải ráng thôi. Khi nào cần thiết lắm, em mới ra ngoài. Mình cố gắng giữ cho cộng đồng mà cũng là giữ cho mình và gia đình". Chị Nguyễn Thị Mai Trang (Quận Tân Bình, tp Hồ Chí Minh) tỏ rõ quyết tâm.