pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chính trị - Xã hội
Người dân TPHCM dâng trào cảm xúc mừng sinh nhật Bác
Gác lại mọi việc đời thường, những cựu binh Trường Sơn, một thời rực cháy khát vọng hòa bình, thống nhất, lại đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh. Dù đã nhiều lần tới đây nhưng họ vẫn muốn đến để tìm hiểu thêm về Người nhằm tiếp tục soi rọi mình hay chỉ đơn giản để bày tỏ tấm lòng biết ơn vị lãnh tụ cả một đời hiến dâng cho độc lập, cho tự do của dân tộc.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, một cựu chiến binh, bày tỏ: "Tôi luôn giữ gìn những hình ảnh của Bác ở trong tim mình để thực hiện tốt lời Bác dạy". Còn ông Trần Ngọc Điệp cũng là cựu chiến binh chia sẻ: "Càng tìm hiểu về Bác, tôi càng cảm phục tấm lòng bao la của Người. Những lời dạy của Bác, tôi học cả đời cũng không hết được".
Những ngày này, đông đảo thanh niên, thiếu niên cũng tìm đến Bến Nhà Rồng - nơi Bác ra nước ngoài bôn ba tìm đường đi cho dân tộc để rồi có một Việt Nam, một TP Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước như bây giờ.
Sinh viên Nguyễn Khánh Linh (Trường Đại học Luật TPHCM) bày tỏ: "Em sinh ra ở quê Bác là Nghệ An. Giờ lớn lên, trưởng thành được sinh sống, học tập và làm việc ở vùng đất mang tên Bác, em cảm thấy đây là niềm tự hào vô cùng lớn. Bản thân em tự nhận thấy trách nhiệm của mình phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa".
"Trong giai đoạn này, em vừa học tập vừa tham gia các hoạt động thiện nguyện cũng như các hoạt động vì lợi ích cộng đồng để góp phần làm cho nơi đây ngày càng đẹp hơn", sinh viên Nguyễn Đình Mạnh tiếp lời bạn.
Vừa mở cửa trở lại sau những ngày chống dịch Covid-19, lập tức Bảo tàng Hồ Chí Minh thu hút đông đảo du khách quốc tế.
Loana Getric là sinh viên người Pháp. Cô háo hức đến đây hơn những du khách người nước ngoài khác. Bởi cô có mẹ là người gốc Việt. Dù xa Tổ quốc gần 30 năm nhưng bà Loan, mẹ cô, luôn giáo dục con về lịch sử đất nước mình, đặc biệt là về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến bảo tàng, bà kiên nhẫn giới thiệu, dịch sang tiếng Pháp cho con không sót một dòng chữ, một thông tin nào về vị lãnh tụ mà con bà rất ngưỡng mộ.
"Tôi mong chờ giây phút được đến đây từ lâu lắm rồi. Tôi từng nghe mẹ kể rất nhiều về con người kiệt xuất này. Tư tưởng hòa bình và bác ái của Người làm tôi rất ngưỡng mộ. Xem, đọc những gì về Bác Hồ tại nhà lưu niệm Bến Nhà Rồng, tôi thật sự hiểu được, vì sao cha tôi, một người Pháp, lại ngưỡng mộ Bác Hồ nhiều đến vậy", Loana Getric không giấu được cảm xúc. Bà Loan tiếp lời: "Tôi cũng thường xuyên nói với cháu về những dịp kỷ niệm như thế này. Qua đấy, cháu hiểu được lịch sử của dân tộc mình, hiểu được về Bác Hồ".
Tôn kính, tự hào, học theo bác, người dân TP Hồ Chí Minh có nhiều cách làm khác nhau để bày tỏ tình cảm, niềm kính yêu của mình. Trồng cây xanh cải thiện môi trường vào dịp này, những phụ nữ TP Hồ Chí Minh coi đây như một món quà ý nghĩa mừng sinh nhật Người. "Phụ nữ quận Gò Vấp cũng như 22 cơ sở Hội hưởng ứng Tết trồng cây từ nhiều năm nay. Chúng tôi đã trồng được gần 1.000 cây xanh loại lâu năm. Đây cũng như là món quà mừng sinh nhật Bác", bà Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch Hội LHPN quận Gò Vấp, cho biết.
Còn bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội LHPN TP Hồ Chí Minh, cho rằng: "Thông qua việc làm như vậy, chúng tôi tiếp tục chuyển tải thông điệp về lợi ích của trồng cây bảo vệ môi trường đến với các tầng lớp phụ nữ. Để mọi người thấy rõ tư tưởng của Bác, bảo vệ môi trường chỉ từ những việc nhỏ nhưng hiệu quả lớn".
Hoạt động trong lĩnh vưc nghệ thuật, những ngày này, tâm trạng, cảm xúc của ca sĩ Anh Bằng hoàn toàn khác, bởi anh lại được dịp thể hiện ca khúc "Tiếng hát từ thành phố mang tên Người" - một trong những ca khúc mà theo anh đã thể hiện rõ nhất tấm lòng biết ơn của người dân TP Hồ Chí Minh về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc mình. Anh Bằng tâm sự: "Mỗi lần được hát ca khúc này là một lần hình ảnh về TP Hồ Chí Minh trong tôi mỗi khác. Có thêm những tòa nhà mới, những công trình mới, những con người mới, những thành quả mới. Tôi rất tự hào khi được hát ca khúc nói lên tình cảm của người dân TP Hồ Chí Minh đối với Người".