Doanh nghiệp - Doanh nhân

Người đưa bánh phồng mì từ món quà quê thành đặc sản

05/09/2019 - 08:25 PM
Bánh phồng mì, món ăn truyền thống mang đậm hương vị quê nhà của nhiều thế hệ người con An Giang. Tiếp nối truyền thống gia đình, bà Dương Thị Ngàn đã góp phần đưa món quà quê này trở thành đặc sản đồng thời nâng cao giá trị thương hiệu bánh phồng mì Tư Ngàn thông qua việc đầu tư máy móc thiết bị, nâng cao năng suất đáp ứng nhu cầu ngày càng nhiều và đa dạng của khách hàng.

Tính đến nay cũng hơn 50 năm, bà Dương Thị Ngàn (thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, An Giang) gắn bó với nghề làm bánh phồng mì mà bà đã được ngoại và mẹ dạy từ khi còn nhỏ.

cover.jpg
Bà Dương Thị Ngàn - chủ cơ sở bánh phồng mì Tư Ngàn

 Cứ 12h đêm, cơ sở sản xuất bánh phồng Tư Ngàn lại đỏ lửa với mùi khoai mì thơm nức, đánh thức cả vị giác.

 Để có được những chiếc bánh thơm ngon, quy trình làm rất tỉ mỉ và công phu. Khoai mì sau khi được lột vỏ, hấp chín, tán nhuyễn sẽ được trộn cùng đường, sữa, dừa… tới khi nào đạt độ quyện, sánh mịn vừa đủ thì đem cán mỏng thành bánh. Quá trình trộn các nguyên liệu lại với nhau được gọi là quết bánh. Đây là một khâu quan trọng và rất cực. Rất may, khâu quết bánh giờ được hỗ trợ bằng máy móc, giúp tiết kiệm sức lao động của người làm.

Theo phương pháp thủ công, bánh làm xong sẽ được đưa lên giàn tre phơi ngoài sân chừng một buổi. Bao công sức mới làm nên được chiếc bánh nhưng nếu đang phơi gặp mưa, nhiều khi phải đổ bỏ, nghề làm bánh phồng mì vất vả là thế! Vậy nên hiện nay ở thị trấn Ba Chúc chỉ còn khoảng 20 hộ còn gắn bó được với nghề.

 Để không phụ thuộc vào thời tiết, bánh làm ra chất lượng đồng đều, bà Ngàn quyết định đầu tư máy móc, mở rộng quy mô sản xuất. Được sự tư vấn, hỗ trợ của địa phương, Hội Nông dân, bà xây dựng hệ thống máy sấy bánh với công suất lên đến 2.000 bánh/ca/ngày.

online.jpg
Máy sấy bánh phồng mì tại cơ sở Bánh phồng mì Tư Ngàn 

 

Đều đặn mỗi ngày, những chiếc bánh phồng mì nóng hổi, thơm phức ra lò vào lúc 5h sáng, kịp chuyển đi các đơn hàng ở nhiều nơi.

Ngoài ra bà còn đăng ký thương hiệu bánh phồng Ba Chúc với tên Tư Ngàn, tham gia nhiều hội chợ giới thiệu sản phẩm. Nhờ vậy mà bánh phồng mì Tư Ngàn đã vươn khỏi tỉnh An Giang, tới nhiều vùng miền trên khắp cả nước. Vào dịp Tết Nguyên Đán, cơ sở tăng ca, sản xuất 4.000 bánh/ngày cũng không đủ cung cấp nhu cầu thị trường.

Hiện cơ sở Bánh phồng mì Tư Ngàn còn là điểm ghé thăm của nhiều đoàn khách du lịch trải nghiệm, tìm hiểu về làng nghề mang đậm truyền thống của tỉnh An Giang.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn