Người dùng cần kiểm chứng độ xác thực của nội dung phản hồi từ ChatGPT

Trần Hiếu - Văn Long
17/02/2023 - 17:37
Người dùng cần kiểm chứng độ xác thực của nội dung phản hồi từ ChatGPT

"Đúng" và "Sai" vẫn chưa rõ ràng nhưng ChatGPT vẫn được thương mại hóa. Ảnh minh họa: TN

ChatGPT hiện vẫn là một từ khóa “hot” trên nhiều diễn đàn. Bên cạnh sự hào hứng của người dùng về khả năng của “cỗ máy biết tuốt” này như biết làm thơ, soạn nhạc, viết thư, thiết kế… thì cũng có không ít lo ngại, cảnh báo được đưa ra xung quanh công nghệ trí tuệ nhân tạo này.
"ChatGPT chỉ có thể hỗ trợ, thay thế nhân lực ở trình độ sơ cấp"

Chị Nguyễn Thị Hường, giáo viên một trường THPT tại Hà Nội, cho biết, bản thân đã dành cả buổi để tương tác với ChatGPT và nhận ra rằng, nó có thể trở thành một "cỗ máy biết tuốt". "Tôi yêu cầu ChatGPT trả lời các câu hỏi thì ChatGPT trả lời rất tốt. Thậm chí, với nhiều vấn đề chuyên môn, nếu nhận được câu hỏi thích hợp, ChatGPT cung cấp các câu trả lời đạt trình độ chuyên gia. Kể cả bài văn, hay bài viết bằng tiếng Anh đều cho kết quả tốt", chị Hường nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Trường Thắng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), với khả năng tự sinh bài viết từ kho tri thức tổng quát, chưa đủ chuyên sâu, ChatGPT chỉ có thể hỗ trợ, thay thế nhân lực ở trình độ sơ cấp (học sinh, sinh viên). Với những lĩnh vực đòi hỏi tri thức chuyên sâu, ChatGPT chưa thể thay thế được con người. "Tôi tin là trong tương lai, kể cả các công cụ thông minh hơn so với ChatGPT cũng không thể làm việc đó", PGS. Nguyễn Trường Thắng nói.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Trường Thắng, ChatGPT là bước đột phá của trí tuệ nhân tạo. Các tác động của nó gồm cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Nội dung câu trả lời là sự tổng hợp thông tin dựa vào kiến thức mà OpenAI huấn luyện ChatGPT với bộ dữ liệu văn bản có sẵn. Do đó, người dùng cần có sự kiểm chứng và tự đánh giá độ xác thực của nội dung phản hồi từ ChatGPT.

"AI không thể thay thế bác sĩ"

Bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội) cho biết, với sự phát triển nhanh chóng của y học hiện đại, sàng lọc AI, bác sĩ kỹ thuật số, tư vấn y tế bằng ChatGPT, nhiều người lo bác sĩ sẽ bị thất nghiệp. Tuy nhiên, bác sĩ Phúc cho rằng, trí tuệ nhân tạo (AI) không thể thay thế con người. 

Để dẫn chứng, bác sĩ Phúc cho biết, một đồng nghiệp của anh bị ốm nên chụp Xquang tim phổi và nhờ đọc kết quả. Anh đọc một cách bài bản mất đúng 20 phút và phát hiện ra đám tổn thương viêm cấp tính tổ chức kẽ nhu mô, vùng viêm nằm ngoại vi phổi trái. Cùng phim đó, bác sĩ Phúc đưa hình ảnh cho máy tính, phần mềm đọc phim bằng AI. Chỉ vài giây, AI cho ngay ra hình đám tổn thương ngoại vi phổi trái, rồi định hướng chẩn đoán viêm tổ chức kẽ cấp tính. Tuy nhiên, để chẩn đoán nguyên nhân là gì thì AI chịu. 

ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) do công ty OpenAI phát triển. Chỉ sau 2 tháng ra mắt, ứng dụng này đã có trên 100 triệu người sử dụng. Công cụ này có thể trò chuyện, trả lời lưu loát đầy đủ các câu hỏi mà người dùng đưa ra, bất kể là thắc mắc về lĩnh vực gì chỉ sau vài giây.

Lúc này phải trông chờ vào trí tuệ của bác sĩ. Bác sĩ Phúc mất 2 phút để đối chiếu lâm sàng và phát hiện viêm phổi do Covid-19. "Bước chẩn đoán cơ bản sẽ nặng về thủ công, tôi mất 20 phút nhưng máy tính chỉ tính bằng giây. Ngược lại, để chẩn đoán cao hơn là nguyên nhân gây viêm phổi thì máy tính chịu chết, tôi chỉ thêm 2 phút", bác sĩ Phúc chia sẻ.

Cũng theo bác sĩ Phúc, ở một bệnh viện lớn, mỗi ngày bác sĩ phải đọc từ 300 đến 500 phim, thời gian đọc trung bình mỗi phim khoảng 1-2 phút. Việc tăng tốc 1-2 phút như vậy, bỏ sót tổn thương, đánh giá sai tổn thương, đó là điều thường xuyên xảy ra. Trong khi để đọc phim không sai sót, anh mất 20 phút và 2 phút tìm nguyên nhân. Tuy nhiên, để đọc thành thạo phim như thế, anh phải mất 5 năm rèn luyện tay nghề. 

"Để đọc thành thạo phim Xquang cơ bản như tôi mất 20 phút phát hiện ra đám tổn thương viêm phổi, thì người bác sĩ đó phải có 5 năm và đọc 10.000 tờ phim Xquang. Điều đó cho thấy rằng nhìn vào hình ảnh Xquang y học, nó rất khác so với công việc đào tạo nhìn vào hình ảnh trong tự nhiên. Đó là lí do AI không thể làm thêm được công đoạn mà tôi chỉ mất 2 phút", bác sĩ Phúc nói.

Mở ra cuộc cạnh tranh cho nhiều ngành nghề?

Chuyên gia truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long (ảnh dưới, Công ty truyền thông Trăng Đen) cho rằng, lý do khiến ChatGPT nổi tiếng trong thời gian vừa qua chính là nó đã mang đến cho người dùng sự bất ngờ, bởi khả năng của ChatGPT là vô hạn. Đã có nhiều sản phẩm số khác ra đời trước ChatGPT. Tuy nhiên, các sản phẩm này rất kén người dùng, vì nó chỉ chuyên về một lĩnh vực nào đó. Còn ChatGPT khác ở chỗ là người dùng có thể hỏi nó về tất cả các chủ đề.

 "Trước khi làm việc trong lĩnh vực truyền thông, tôi làm về công nghệ. Nếu đánh giá dưới góc độ người sử dụng thông thường thì tôi cho rằng ChatGPT rất ấn tượng, khi đặt những câu hỏi đơn giản nó đưa ra kết quả rất hợp lý. Còn nhìn dưới góc độ công nghệ thì tôi không bị bất ngờ về ChatGPT, vì tôi hiểu vì sao nó làm được như vậy, không có gì là thần thánh cả", ông Long nói.

Với tốc độ người dùng ChatGPT tăng chóng mặt như hiện nay, ông Long cho rằng, ChatGPT có một tiềm năng rất lớn và nó sẽ mở ra cuộc cạnh tranh lớn cho nhiều ngành nghề. "Tôi đã từng hỏi: Công ty truyền thông nào uy tín nhất Việt Nam" thì ChatGPT và Google đã cho ra 2 kết quả khác nhau. Như vậy có thể kết luận rằng cách thức tổng hợp thông tin của 2 nguồn là khác nhau. Như tôi được biết, hiện nay đã có rất nhiều doanh nghiệp họ đang coi ChatGPT như là một công cụ. Họ đầu tư thời gian, công sức, chiến lược vào ứng dụng này để làm sao khi các câu hỏi liên quan đến lĩnh vực của họ sẽ được ChatGPT nhắc đến đầu tiên", ông Long nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam, trước khi ChatGPT ra mắt đã có một số AI được ứng dụng như Midjourney, DALL-E (sinh hình ảnh). Tuy nhiên, ChatGPT là ứng dụng tương tác người dùng đầu tiên của AI được dùng phổ thông. Điểm mạnh của ChatGPT là tận dụng khả năng của các mô hình ngôn ngữ lớn (large language models - LLM); khả năng viết (tạo sinh ngôn ngữ) nhưng nó không thể đảm bảo tính đúng đắn của nội dung. Hơn nữa, những khuyết điểm của các LLM như "thiên lệch" dù được tính đến trong quá trình xây dựng ChatGPT nhưng vẫn là vấn đề tiềm ẩn rủi ro. Ở các khía cạnh khác như kinh doanh, xã hội, con người… thì ChatGPT có ưu việt hay không vẫn còn là câu hỏi mở cần thời gian kiểm nghiệm thêm.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm