“Mấy hôm vừa qua, bé út mới 2 tuổi nhà tôi thường xuyên hắt hơi, sổ mũi, ho khan. Nghĩ bé ho bình thường nên gia đình chỉ cho uống thuốc nhưng không đỡ mà còn sốt cao hơn. Hôm nay, gia đình đưa con đến BV khám thì được biết bé bị viêm phế quản, phải điều trị nội trú”, chị Lê Thị Lan (Q.Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ.
Trong những ngày giá rét, đường hô hấp của trẻ rất dễ bị viêm nhiễm do hệ miễn dịch và cơ hô hấp của trẻ chưa hoàn thiện. Ngoài ra, cấu trúc đường thở nhỏ nên trẻ dễ khó thở khi bị viêm nhiễm.
"Một sai lầm mà các phụ huynh hay gặp phải dẫn đến bệnh của trẻ nặng lên là việc tự ý dùng thuốc cho con, đến lúc bệnh tiến triển nặng mới đưa đi viện", PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi TƯ, cho biết.
Tương tự, tại khoa Nhi (BV Bạch Mai, Hà Nội) mỗi ngày có hơn 200 bệnh nhi đến thăm khám, tăng từ 5 đến 15% so với ngày thường. Để hỗ trợ bệnh nhân, BV đã cấp thêm chăn ấm và duy trì các thiết bị giữ ấm cho bệnh nhân nội trú. Ngoài ra, BV cũng bổ sung máy sưởi cho các khu vực phục vụ bệnh nhân ngoại trú.
“Thời tiết lạnh còn kéo dài, do đó người dân khi đi ra ngoài đường phải mặc đủ ấm, mặc áo nhiều lớp mỏng để giữ thân nhiệt ổn định; chú ý giữ ấm đầu, cổ, ngực và bàn chân. Hạn chế đi ra ngoài vào ban đêm, tránh gió lùa”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi, BV Bạch Mai, khuyến cáo.
Tại BV Da liễu TƯ, số người nhập viện vì mắc các bệnh như viêm da cơ địa, viêm da dị ứng… do trời rét tăng khoảng 4-5% so với mấy ngày trước đó.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn TƯ, các tỉnh Bắc bộ đang trải qua đợt rét đậm, rét hại mạnh nhất từ đầu mùa đông tới nay khi nhiều nơi, nhiệt độ đã xuống dưới 5 độ C. Riêng tại Hà Nội, có nơi nhiệt độ xuống dưới 10 độ C. Vì thế, người dân cần chú trọng phòng bệnh do rét.
Trong ngày lạnh, phụ huynh nên tránh cho trẻ chạy ra chạy vào trong nhà và ra ngoài sân nhiều, để phòng các bệnh viêm tai mũi họng, viêm đường hô hấp. Nếu trong gia đình có người bị hắt hơi, sổ mũi thì cần phòng tránh bằng cách che chắn khi ho, hắt hơi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang… để không lây bệnh sang các thành viên khác.
Đối với người cao tuổi, trong những ngày thời tiết lạnh giá nên hạn chế ra ngoài. Không nên đi tập thể dục sớm quá, tránh vận động mạnh, cần giữ ấm và có chế độ ăn hợp lý.
Ngoài ra, trong những ngày trời rét đậm, nếu người cao tuổi có triệu chứng như tê bì chân tay, nói ngọng, yếu... thì cần được đưa đi khám ngay để tránh bệnh diễn biến nặng, dẫn tới tai biến mạch máu não. |