pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người giàu có, khôn ngoan luôn biết cách tránh 8 sai lầm tài chính này
1. Không tiết kiệm
Rất nhiều người làm được đồng nào “xào” luôn đồng đó. Họ không còn đồng nào để tiết kiệm sau khi chi trả các khoản, cuối tháng lại mòn mỏi chờ lương tháng tới. Họ tặc lưỡi nghĩ rằng những cốc trà sữa, cà phê hay bữa ăn nhà hàng, những thứ lúc mua trông xinh xinh rồi về nhà bỏ xó kia thực sự không đáng bao. Tuy nhiên đừng nghĩ 100 nghìn đồng không quan trọng. Nếu mỗi tuần bạn bỏ 100 nghìn đó vào lợn tiết kiệm, bạn sẽ có 5,2 triệu đồng vào cuối năm. Nếu bạn tiếp tục làm vậy trong 5 năm thì sao? Bạn sẽ có 26 triệu đồng chưa kể đến tiền lãi.
Một cách giúp bạn tiết kiệm dễ dàng hơn là hình thành thói quen tạo và bám sát ngân sách hàng tháng, mục tiêu tiết kiệm ít nhất 10% thu nhập trước khi chi tiêu bất cứ thứ gì thay vì tiết kiệm những đồng còn lại sau khi chi tiêu.
2. Sống lãng phí ở những năm tuổi 20
Những năm tuổi 20 là khi bạn thực sự trở thành một người trưởng thành độc lập. Bạn tốt nghiệp đại học, nhận được khoản tiền lương đầu tiên. Bạn có thể làm những điều bạn muốn nhưng chưa làm được khi không ra tiền. Đó cũng là khi bạn chưa có nhiều gánh nặng tài chính như những người ở độ tuổi 30, 40. Vì vậy, bạn dễ mắc phải sai lầm tài chính, tiêu tiền một cách phung phí cho xe sang, túi hiệu, quần áo, ăn hàng quán… thay vì nghĩ về tương lai.
Bạn còn trẻ và có nhiều thời gian để tiết kiệm nhưng không bao giờ có thể quay lại quá khứ và sống như vậy là bạn đang bỏ qua sức mạnh của lãi kép. Học cách lập ngân sách và ưu tiên cho tài chính sẽ giúp bạn tạo nên tương lai rủng rỉnh, sung túc hơn.
3. Mua sắm bốc đồng, chi tiêu cho khoản không cần thiết
Rất nhiều khoản nợ thẻ tín dụng đến từ việc mua những thứ bạn không thực sự cần. Những món đồ trông hay ho đang được giảm giá, những bữa ăn ngoài hàng mỗi ngày… giá trị mỗi lần không quá lớn nhưng có thể ngốn của bạn kha khá tiền.
Điều quan trọng là bạn phải biết phân biệt giữa nhu cầu và mong muốn. Đó có phải là thứ bạn thực sự cần hay chỉ muốn sở hữu và sẽ nhanh chóng bỏ xó. Nếu vấn đề của bạn nằm ở việc quá dễ chi tiêu khi chỉ cần quẹt thẻ, hãy từ bỏ và chuyển sang dùng tiền mặt hoàn toàn. Bạn sẽ cảm nhận việc chi tiêu rõ hơn cũng như tránh việc chi tiêu vượt quá những gì mình đang có.
4. Không trả hết nợ thẻ tín dụng
Một trong những quyết định tài chính sai lầm phổ biến nhất là không thanh toán hết nợ thẻ tín dụng. Việc bạn trì hoãn thanh toán khoản vay lãi suất cao đó có nghĩa là bạn sẽ cõng lãi và phải trả nhiều hơn trong tương lai nếu chỉ thực hiện các khoản thanh toán tối thiểu trong suốt thời gian vay.
Nợ nần như trở ngại trên con đường xây dựng sự giàu có của bạn. Để vượt qua, bạn cần có một kế hoạch ngăn cản hoặc giải quyết chướng ngại vật đó. Bạn rất khó có thể tiết kiệm tiền khi đang phải trả nợ lãi suất cao.
5. Trì hoãn việc đưa ra các quyết định tài chính
Cố trì hoãn việc phải đưa ra các quyết định tài chính quan trọng như trả nợ, tiết kiệm, đầu tư… là sai lầm tài chính lớn nhất mà bạn có thể mắc phải. Nhiều người nói rằng mình muốn đạt được điều này điều kia nhưng thay vì hành động, họ lại lãng phí quá nhiều thời gian. Nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm trôi qua và không có tiến bộ nào đạt được vì họ nghĩ rằng mình vẫn còn thời gian.
Lời khuyên tốt nhất là hãy có kế hoạch cho tài chính của mình thay vì luôn trì hoãn, chờ đến một thời điểm nào đó mới bắt đầu hoặc giải quyết.
6. Không đầu tư
Một trong những quyết định tài chính sai lầm chính là quyết định không đầu tư tiền của bạn. Nếu bạn nghĩ rằng phải là một chuyên gia trên thị trường chứng khoán mới có thể đầu tư thì hãy suy nghĩ lại.
Bạn có thể chọn đầu tư vào thị trường chứng khoán, bất động sản hoặc tự kinh doanh… quan trọng là bạn phải nghiên cứu và hiểu những điều cơ bản về những nơi mình sắp bỏ tiền vào. Hãy nhớ chìa khóa của danh mục đầu tư thành công là đa dạng hóa. “Đừng bao giờ bỏ trứng vào cùng một giỏ”, đảm bảo danh mục đầu tư đa dạng là cách để bạn đầu tư khôn ngoan.
7. Không có kế hoạch dự phòng
Không có bất cứ kế hoạch dự phòng nào là một trong những sai lầm tài chính tệ nhất. Việc xây dựng kế hoạch dự phòng sẽ bảo vệ bạn khỏi những sự cố bất ngờ và tốn kém. Để có mối quan hệ tích cực với tiền bạc, bạn cần có một kế hoạch dự phòng.
Điều này bao gồm quỹ dự phòng khẩn cấp (về cơ bản có giá trị tương đương 3 đến 6 tháng chi phí sinh hoạt) và các loại loại bảo hiểm phù hợp (bảo hiểm sức khỏe, ô tô, nhân thọ, tàn tật…). Những thứ này sẽ phát huy tác dụng khi cuộc sống của bạn gặp biến cố thay vì phải gánh nợ hoặc mất tất cả các khoản tiết kiệm và đầu tư của mình để giải quyết tình hình.
8. Không bảo vệ thông tin cá nhân của bạn
Hành vi trộm cắp danh tính và gian lận tín dụng ngày một nhiều hơn và sẽ là sai lầm khi bạn không thực hiện các biện pháp để bảo vệ thông tin cá nhân và tài chính của mình. Rất nhiều thông tin cụ thể của chúng ta như địa chỉ, ngày sinh… mà những kẻ lừa đảo và tin tặc có thể dễ dàng tìm thấy. Nhớ thường xuyên cập nhật báo cáo tín dụng của bạn, không nhập dữ liệu của bạn vào các trang web lạ hay chia sẻ thông tin tín dụng cá nhân mình cho người khác.