Người 'gieo chữ' cho phụ nữ ở Pakistan

10/09/2016 - 07:24
Bắt đầu từ việc tự đứng lên để giải thoát mình, Maryam Bibi đã lập ra tổ chức "Mái nhà của chị em" để mang con chữ đến với những phụ nữ thiệt thòi ở đất nước Pakistan.

Sinh năm 1955 ở vùng biên giới Tây Bắc của Pakistan, một vùng kém phát triển nhất của đất nước, Maryam Bibi lớn lên như những bé gái khác của các bộ lạc vùng núi. Không được bỏ khăn choàng và phải phục tùng đàn ông là những gì người lớn đã dạy Maryam.

Bà bị ép kết hôn sớm với một người đàn ông tính khí không bình thường. Maryam bị chồng đối xử rất tàn nhẫn và thường xuyên bị đánh đập. Năm 19 tuổi, sau những trận đòn liên tiếp, Maryam không chịu đựng nổi đã quyết tâm dứt áo ra đi.

Bà may mắn gặp được một nhóm cứu trợ người Đức và với sự giúp đỡ của nhóm này, năm 1993, bà đã thành lập tổ chức có tên là Mái nhà của chị em với mục tiêu giúp phụ nữ tiếp cận với giáo dục bởi bà nhận thức được rằng chỉ có giáo dục mới giúp người phụ nữ thay đổi cuộc sống của mình.

1.jpg
 Chân dung bà Maryam Bibi

Maryam Bibi bắt đầu thực hiện mục tiêu của mình tại ngôi làng Lakaray ở Peshawar, một trong những vùng kém phát triển nhất đất nước. Sau đó nhóm của bà mở rộng hoạt động sang các vùng Karak, Dir, Bannu và Malakand. Ở đâu nhóm cũng được sự đồng tình của phụ nữ và ở đâu nhóm cũng phải đối mặt với sự cản trở của đàn ông.

Maryam Bibi và những phụ nữ trong nhóm của bà đã phải đương đầu với sự phản đối cả công khai lẫn sự tấn công ngấm ngầm khi họ đến các ngôi làng, vận động các gia đình cho phép những em gái đến trường. Những người đàn ông không muốn thấy quan điểm cố hữu của họ bị thách thức, không muốn phụ nữ biết chữ và họ tìm mọi cách để ngăn cản công việc của Maryam.

Tại một ngôi làng ở Bannu, một giáo sĩ trông thấy Maryam và các tình nguyện viên của bà đã nói với tín đồ của ông ta: "Đừng cho mụ đàn bà kia vào làng. Nếu các người trông thấy mụ nào vào làng thì hãy bắt mụ đó về nhà ép phải làm vợ". Maryam bị chửi rủa, bị đe doạ thậm chí bị hành hung.

3.jpg
 Cùng tổ chức "Mái nhà của chị em", bà đã mang giáo dục đến với hàng ngàn phụ nữ và trẻ em gái Pakistan

Năm 2001, văn phòng của bà ở Karak bị đánh bom. Tuy không có ai bị thương trong vụ đó, thủ phạm đã không bị truy cứu trách nhiệm. Còn Bushra, một phụ nữ trong nhóm Mái nhà của chị em trên đường đến một ngôi làng cách Bannu 43 km về phía tây để thăm một trường dành cho trẻ em gái đã bị một toán đàn ông có trang bị súng hành hung. Bushra kể lại rằng những kẻ tấn công chĩa súng vào bà hỏi có phải bà là Maryam Bibi không, nếu đúng họ sẽ nổ súng.

Khó khăn, nguy hiểm như vậy nhưng Maryam và những người phụ nữ trong nhóm của bà vẫn không chịu đầu hàng, vẫn tiếp tục mở hàng chục trường học và dạy chữ cho hàng ngàn phụ nữ và trẻ em gái.

Bên cạnh việc giáo dục tại cộng đồng cho phụ nữ và trẻ em gái, đến năm 2010, tổ chức Mái nhà của chị em đã giúp đào tạo khoảng 250 giáo viên nữ, mang lại kết quả tích cực ở những vùng xa xôi của Pakistan. Số lượng nhân viên của tổ chức đã tăng từ 4 người năm 1993 lên hơn 340 người. Văn phòng của tổ chức xuất hiện ở nhiều nơi của Pakistan. Bước chân của Bibi và các đồng sự của bà in dấu trên khắp các ngôi làng từ những ngôi làng của tỉnh biên giới Banne đến những ngôi làng ở Karak và Dir.

maryam-nhn-gii-thng-nhn-quyn-ca-tng-thng-pakistan-nm-2010-copy.jpg
 Maryam nhận giải thưởng Nhân quyền của Tổng thống Pakistan năm 2010

Càng ngày nhóm của bà càng vận động được nhiều trẻ em gái đến trường và liên tục nhận được các yêu cầu mở thêm lớp học. Biết rằng mình là mục tiêu số một của những kẻ quá khích và Chính phủ chưa có biện pháp gì để bảo vệ an toàn cho những người hoạt động xã hội như bà, Maryam Bibi vẫn tiếp tục công việc đưa đường tìm chữ. Bà luôn tâm niệm, cho dù có điều gì xảy ra đi nữa thì vẫn tiếp tục công việc của mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm