pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người "giữ hồn" dân ca Pa Kô, Vân Kiều

Nghệ nhân Ưu tú Kray Sức
Để gìn giữ những bài hát cổ, từ năm 2015, nghệ nhân Kray Sức đã không ngừng rong ruổi qua nhiều bản làng, gặp gỡ các già làng, nghệ nhân, lắng nghe họ hát rồi cẩn trọng, kiên nhẫn ghi chép và dịch thuật lại. Với tiếng Vân Kiều, nghệ nhân Kray Sức chia sẻ, cái khó nhất là dịch lời.
Có khi chỉ một từ trong tiếng Vân Kiều thôi mà không có từ tương đương trong tiếng Việt. Dịch sai là mất hồn bài hát. Sự khác biệt về từ vựng, ngữ âm so với tiếng Việt khiến việc chuyển ngữ gặp nhiều thách thức, đôi khi phải thêm từ, thêm câu để truyền tải đúng ý nghĩa.
Với tiếng Pa Kô, trở ngại còn lớn hơn trong việc ghi chép và lưu giữ khi thiếu hệ thống chữ viết chuẩn. Dù vậy, nghệ nhân Kray Sức đã xây dựng hệ thống ký âm riêng, sử dụng các ký tự Latin để lưu giữ giai điệu. Công việc này đòi hỏi sự tinh tế về ngôn ngữ và nhạy bén âm nhạc.
Truyền dạy các làn điệu dân ca cũng là hành trình đầy gian nan với nghệ nhân Kray Sức. Những điệu dân ca gắn liền với đời sống văn hoá, tinh thần của người Bru-Vân Kiều, người Pa Kô, từ lao động thường nhật, hoạt động cộng đồng đến lễ hội, nghi lễ tín ngưỡng, không dễ để lớp trẻ có thể tiếp thu ngay.
Thế nhưng, với tâm huyết và niềm tin, ông đã kiên trì mở nhiều lớp dạy với sự hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan văn hóa địa phương. Mỗi lớp có từ 40 đến 60 học viên, đa dạng lứa tuổi, từ bậc cao niên đến các em học sinh tiểu học.
Đến nay, hàng nghìn học viên đã được ông truyền cảm hứng. Nhiều người trong số đó đã trở thành lực lượng nòng cốt của các đội văn nghệ quần chúng ở địa phương.

Suốt 1 thập kỷ miệt mài sưu tầm, dịch thuật và truyền dạy, Nghệ nhân ưu tú Kray Sức trở thành người “giữ hồn” dân ca Pa Kô, Vân Kiều
Để dân ca gần gũi hơn với lớp trẻ, nghệ nhân Kray Sức sáng tác lời mới cho các làn điệu cổ, gắn với câu chuyện địa phương như bài "Nhờ có Đảng bản làng đổi thay" để học sinh hát thi trong các sự kiện lớn. Điều này vừa giúp "giữ hồn" dân ca vừa mang hơi thở thời đại, khiến thế hệ trẻ dễ tiếp cận và tiếp nhận.
Mỗi dịp lễ hội, nghệ nhân Kray Sức lại vận động chính quyền xã, huyện tổ chức sự kiện để học viên có "đất diễn", để dân ca không bị phủ bụi thời gian. Ông mong muốn duy trì các câu lạc bộ dân ca Vân Kiều, Pa Kô để phục vụ các sự kiện tại địa phương, tạo không gian thực hành cho học viên, cũng để nghệ thuật truyền thống không bị quên lãng.
Ông tin rằng: "Dân ca không thể chỉ nằm trong sách. Nó phải vang lên trong lễ hội, trong tiếng hát con trẻ, trong đời sống hằng ngày. Có như vậy mới giữ được hồn mình".
Nghệ nhân Kray Sức không giấu được những trăn trở trong hành trình gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc, mà khó khăn lớn nhất chính là thiếu nguồn lực tài chính. Bên cạnh đó, ông còn đối mặt với thách thức lớn từ sự thiếu hụt nhạc cụ dân tộc - phần hồn không thể thiếu của những giai điệu cổ truyền.
Một bộ nhạc cụ đầy đủ có giá từ 50 đến 60 triệu đồng, vượt quá khả năng chi trả của đa số người dân địa phương.
Dẫu còn nhiều gian nan, nghệ nhân Kray Sức vẫn đang bền bỉ nghiên cứu, sưu tầm và truyền dạy những làn điệu dân ca của người Vân Kiều, người Pa Kô, không vì danh, chẳng cầu lợi mà chỉ bởi tình yêu lớn lao, sâu nặng với mảnh đất quê hương.