Người Hà Nội với tục đi chơi đêm giao thừa

Trịnh Hồng Ánh
24/01/2020 - 09:54
Người Hà Nội với tục đi chơi đêm giao thừa
Đêm 30 Tết nhiều người rủ nhau đi chơi giao thừa quanh Hồ Hoàn Kiếm đến đúng 12 giờ đêm là thời khắc chuyển từ năm cũ sang năm mới, mọi người xem bắn pháo hoa xong mới về nhà xông đất lấy may.
Người Hà Nội với tục đi chơi đêm giao thừa - Ảnh 1.

Đêm 30 Tết nhiều người rủ nhau đi chơi giao thừa quanh Hồ Hoàn Kiếm đến đúng 12 giờ đêm là thời khắc chuyển từ năm cũ sang năm mới

Đêm 30 Tết nhiều người rủ nhau đi chơi giao thừa quanh Hồ Hoàn Kiếm đến đúng 12 giờ đêm là thời khắc chuyển từ năm cũ sang năm mới, mọi người xem bắn pháo hoa xong mới về nhà xông đất lấy may. Lâu dần trở thành phong tục, giống như người công giáo đi chơi đêm Noel. Chơi đêm có cái thú riêng của nó khác với ban ngày. Nhất là xung quanh Bờ Hồ đèn hoa trang trí lung linh rực rỡ người đi lũ lượt như trảy hội, tràn kín cả lòng đường. Đó là dịp hẹn hò của trai thanh gái lịch và những đôi vợ chồng mới cưới chưa vướng bận con cái. Cũng có những gia đình trẻ, vợ chồng bế con đi đến nửa đêm.

Đây có phải là một phong tục cổ truyền trong văn hóa truyền thống của người Thủ đô? Tôi đã hỏi nhiều cụ già sống ở Hà Nội từ nhỏ, mới ngạc nhiên là ngày xưa không có phong tục đó. Tôi chưa tin, lại tìm trong sách báo xuất bản từ hồi Pháp thuộc cũng không thấy dòng nào viết về cảnh đi chơi quanh Hồ Gươm vào đêm giao thừa. Vậy phong tục này có từ bao giờ?

Tình cờ tôi tìm thấy một bài phóng sự đăng trên báo "Tia sáng" thời đó của một nhà văn viết về Tết Hà Nội trước năm 1954, có nhan đề "Đêm 30 Tết của những kẻ không nhà". Tác giả tả cảnh đêm 30 mưa phùn, gió bấc hun hút thổi dọc những con phố vắng tanh vắng ngắt, chỉ có mấy người sống lang thang không cửa không nhà, đành tá túc vạ vật ở vỉa hè, gầm cầu, quán chợ. Thỉnh thoảng mới gặp một người đi đòi nợ tất niên, vì người ta kiêng không đòi nợ vào năm mới làm cho con nợ bị "dông" cả năm.

Nhiều cụ già kể, theo phong tục cổ truyền thì đêm 30 Tết, không ai đi chơi lang thang ngoài đường mà phải ở nhà quét dọn nhà cửa thật sạch để chuẩn bị đón Tết vì sang năm mới kiêng không được quét nhà, nhất là không đổ rác vì sợ "mất lộc". Rồi phải lau bàn thờ tổ tiên, chuẩn bị đèn nến để thắp hương mời ông bà tổ tiên về ăn Tết. Đêm 30 Tết mà lại bỏ nhà đi chơi ngoài đường thì ai làm công việc đó cho?

Hoá ra phong tục hàng ngàn người rủ nhau đi chơi đêm giao thừa đông như đi hội chỉ bắt đầu từ khi giải phóng Thủ đô, năm 1954, cách đây chừng nửa thế kỷ. Lúc đó có hàng vạn cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Mỗi khi Tết đến họ càng nhớ quê hương da diết, muốn biết tin tức về những người thân trong đó. Hồi ấy, ở Bờ Hồ có một ngôi nhà rất to có tấm biển đề "Câu lạc bộ Thống nhất". Đó là nơi anh em tập kết đến tìm nhau và được nghe tin tức về quê hương mình. Dù đang công tác ở bất cứ đâu trên miền Bắc, cứ đêm giao thừa họ lại kéo nhau về Hồ Gươm, Hà Nội. Đến đấy, anh em, họ hàng, bạn bè, đồng hương trong tỉnh có thể dễ tìm thấy nhau, hàn huyên thâu đêm suốt sáng.

Suốt 21 năm Bắc Nam bị chia cách hai miền, đêm giao thừa nào Bờ Hồ cũng đông vui như thế cho đến năm 1975, đất nước hoàn toàn giải phóng, đa số cán bộ miền Nam đã trở về quê hương nhưng thói quen đi chơi đêm giao thừa vẫn được người Hà Nội tiếp tục duy trì cho đến bây giờ. Nó trở thành một nét văn hoá mới của người Thủ đô và sau đó lan ra nhiều tỉnh, thành phố. Đi chơi đến đúng lúc giao thừa xem bắn pháo hoa rồi mới về nhà xông đất luôn để lấy may. Đến nay gần nửa thế kỷ đã trôi qua phong tục đó đã trở thành như một nếp sống văn hóa của người Hà Nội và chắc là nhiều năm sau sẽ còn mãi.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm