pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người khôn ngoan luôn biết im lặng trong 7 thời điểm này
Im lặng để không bị cuốn vào những cuộc tranh cãi vô nghĩa. Im lặng để không nói ra điều gì sai thời điểm, khiến tình hình trở nên tệ hơn. Im lặng để không còn bị làm phiền bởi những điều vốn không phải là vấn đề của bạn.
Dưới đây là những tình huống sẽ tốt hơn khi bạn chọn cách im lặng:
1. Khi bạn tức giận vô cớ
Giận dữ là một cảm xúc lành mạnh và hoàn toàn bình thường khi lúc nào đó bạn cảm thấy tức giận. Tuy nhiên, điều không lành mạnh là khi bạn hành động hoặc nói khi tức giận vô cớ.
Chúng ta thường dễ bật chế độ phòng thủ, chuẩn bị chiến đấu với người khác khi tức giận và điều này càng khiến việc giải quyết xung đột trở nên khó hơn rất nhiều. Hai bên có thể xảy ra tranh cãi vô nghĩa hoặc đi vào bế tắc.
Nếu bạn cảm thấy mất kiểm soát hoặc bực bội, hãy cho bản thân một chút thời gian để hạ nhiệt. Nói với người đối diện rằng giờ bạn đang không đủ bình tĩnh để trò chuyện và cần một chút thời gian. Nếu đối phương không muốn như vậy, sẽ tốt hơn khi bạn tự thoát khỏi tình huống đó để lấy lại bình tĩnh.
2. Khi bạn đang tranh cãi với người tức giận
Một số người có xu hướng sử dụng sự tức giận như điều gì đó buộc người khác phải lắng nghe họ. Một số đang vật lộn với nỗi buồn và tổn thương của chính họ và một số khác dường như thích thú với chính cơn giận của mình bởi họ thấy mình thật “oách”.
Dù lý do là gì chăng nữa, hãy tránh tranh cãi với những người đang tức giận. Mọi chuyện sẽ chẳng đi đến đâu và thậm chí nếu bị cuốn vào sâu, bạn còn chuốc lấy sự tức giận của họ và làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Bạn sẽ không thắng nổi cơn tức giận khi đối mặt với một người đang giận dữ.
Có một cách giúp bạn giải quyết cơn giận dữ đó chính là im lặng, từ chối tham gia vào cuộc tranh cãi. Một cách khác có phần khó hơn là đáp lại sự tức giận của ai kia bằng lòng tốt của bạn. Nhiều người nghĩ rằng khi họ la mắng và tức giận, bạn cũng sẽ nổi điên và khiến tình hình căng thẳng hơn nhưng khi bạn đáp lại họ bằng sự tử tế, họ hoàn toàn cảm thấy bất ngờ và không biết phải làm gì tiếp theo.
3. Khi bạn bị cám dỗ chia sẻ quá mức
Đôi khi chúng ta chia sẻ quá nhiều trong các cuộc trò chuyện với người khác. Nhớ rằng việc tiết lộ quá nhiều thông tin cá nhân khi bắt đầu bất kỳ mối quan hệ nào đều có thể là điều không hay.
Sẽ tốt hơn khi cuộc trò chuyện của bạn mang nội dung tích cực và nhẹ nhàng, tránh xa các chủ đề nhạy cảm như tôn giáo, chính trị và tiền bạc. Hãy cho tình bạn hoặc mối quan hệ khác của bạn thời gian để phát triển thêm trước khi bạn đi sâu vào những việc riêng tư hơn. Mỗi người đều cần có cơ hội tiếp xúc để quyết định xem có muốn trở thành bạn bè với nhau hay không. Im lặng thường tốt hơn vội vàng.
4. Khi ai đó đưa chuyện
Đừng trở thành một người chuyên tham gia vào lời đàm tiếu. Những lời đồn đại có thể vô cùng tai hại vì nó thường không phản ánh toàn bộ sự thật. Câu chuyện sẽ khác đi khi nó được truyền từ người này sang người khác. Bạn sẽ không biết được liệu ai đó đã bắt đầu một tin đồn ác ý hay chỉ đơn giản là hiểu lầm.
Việc tham gia vào những câu chuyện bên lề này còn chứng tỏ bạn là một người không đáng tin cậy. Khi bạn lan truyền những vấn đề hoặc bí mật của người khác, sẽ không ai đặt niềm tin vào bạn và càng không dám chọn bạn là người chia sẻ bí mật.
Hãy để tin đồn dừng lại ở bạn. Nếu bạn đã nghe thấy, đừng kể lại với ai. Nếu ai đó muốn kéo bạn vào, hãy rời khỏi cuộc trò chuyện.
5. Khi bạn cảm thấy muốn phàn nàn
Đôi khi, việc phàn nàn có thể khiến bạn cảm thấy tốt hơn. Thời điểm thích hợp để phàn nàn là khi bạn thấy một cái sai cần sửa chữa hoặc một vấn đề cần giải quyết và người khác có thể không nhận ra vấn đề.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là phàn nàn khiến bạn tập trung hơn vào vấn đề. Bạn đang lãng phí thời gian và năng lượng của mình, thứ mà bạn lẽ ra nên dùng để xử lý vấn đề.
6. Khi bạn không biết câu trả lời
“Thà giữ im lặng và vờ là một kẻ ngốc còn hơn mở miệng để người ta không còn nghi ngờ”, Abraham Lincoln.
Im lặng chính là sự lựa chọn tuyệt vời khi bạn không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Đó có thể là cuộc tranh luận về chủ đề bạn không thực sự biết. Đừng ngại chia sẻ rằng bản thân không biết nhiều về lĩnh vực đó. Trên thực tế, sự im lặng có thể mang lại giá trị hơn nhiều khi nó mở ra cơ hội để người khác chia sẻ kiến thức của họ.
7. Khi bạn định nói dối
Nhớ rằng, một khi mọi người phát hiện ra bạn đang nói dối, bạn sẽ không bao giờ nhận được sự tin tưởng hoàn toàn của họ nữa. Ngoại lệ đối với quy tắc này là khi điều đó quyết định sự an toàn của cá nhân bạn. Nếu nói dối là cách để bạn giữ an toàn cho bản thân mình, bạn có thể lựa chọn. Tuy nhiên đa phần các tình huống sẽ không đến mức đó.
Bạn cũng không nên tham gia vào những lời nói dối hay chiêu trò của ai đó. Tốt hơn hết là bảo vệ sự trung thực của chính mình bằng cách im lặng hoặc từ chối trả lời.