Người lớn bị mắt lác có chữa được không?

Linh An
06/01/2024 - 11:04
Người lớn bị mắt lác có chữa được không?

Bác sĩ Thiều Hoa khuyến cáo người bệnh cần khám chuyên sâu trước khi phẫu thuật mổ lác

2 mắt hơi lác khiến Hà Phương (25 tuổi, TP Hạ Long, Quảng Ninh) bị tuột mất cơ hội được làm việc tại một khách sạn. Quyết tâm theo đuổi mục tiêu, Phương dự định phẫu thuật mổ lác nhưng lại đắn đo, không biết mổ xong có đạt hiệu quả như mong muốn.
Tuổi nào thích hợp để chữa lác?

Hà Phương chia sẻ, mắt em bị lác từ nhỏ nhưng chỉ hơi lác, nhìn kỹ mới nhận ra. Trước đây, Phương thường đeo kính và làm ở bộ phận buồng, phòng của khách sạn nên không bị yêu cầu cao về ngoại hình. Hiện tại, Phương muốn chuyển sang bộ phận sảnh thì ngoại hình lại là yếu tố quan trọng. 

Mặc dù có chiều cao trên 1m70, thông thạo tiếng Anh nhưng Hà Phương bị nhà tuyển dụng lắc đầu vì hai mắt của cô không đạt chuẩn. Quyết tâm theo đuổi mục tiêu, Hà Phương tìm hiểu thì biết, mắt lác có thể phẫu thuật nhưng điều cô lo lắng là tỷ lệ thành công ra sao khi Phương năm nay đã 25 tuổi.

Bác sĩ Lưu Thị Thiều Hoa, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, cho biết, với người bị mắt lác, tuỳ theo tình trạng và nguyên nhân gây bệnh, người bệnh có thể được chỉ định áp dụng một hoặc phối hợp nhiều cách điều trị như đeo kính, tập luyện, tiêm thuốc botulinum toxin. Phẫu thuật mổ lác được chỉ định khi các phương pháp trên không đạt hiệu quả.

Phẫu thuật chỉnh lác có thể được thực hiện ở bất kỳ độ tuổi nào. Đây là phương pháp hiệu quả trong việc điều trị mắt lác hiện nay.

Những lưu ý khi phẫu thuật

Với người trưởng thành, việc áp dụng các biện pháp như đeo kính hay tập luyện không mang lại hiệu quả như mong muốn. Cách tốt nhất để chỉnh lác là phẫu thuật. Tuy nhiên, không phải ai muốn mổ cũng có thể phẫu thuật được ngay. 

Theo bác sĩ Thiều Hoa, để phẫu thuật chỉnh lác đạt hiệu quả cao, trước hết người bệnh cần được khám chuyên khoa mắt tại các cơ sở, bệnh viện uy tín. Từ đó, bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân gây mắt lác, kiểm tra tật khúc xạ hoặc các bệnh lý khác ở mắt. 

Nếu người bệnh bị mắt lác bẩm sinh hoặc biến chứng bệnh lý khác dẫn tới mắt lác và đã điều trị các biện pháp khác nhưng chưa khỏi thì phải phẫu thuật mới hết lác.

Người bệnh mới bị mắt lác dưới 6 - 12 tháng (do chấn thương, bệnh lý, tật khúc xạ…) cần theo dõi tình trạng này. Nếu sau 6 - 12 tháng, mắt bị lác không thể phục hồi về trạng thái cũ, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật chỉnh lác. 

Trường hợp người đang mắc các bệnh lý khác ở mắt hoặc bệnh lý toàn thân dẫn tới mắt lác cần điều trị ổn định mới có thể mổ lác. Với các ca phẫu thuật lác thông thường, tỷ lệ thành công đều khá cao, kể cả người lớn hay trẻ em. 

Với các ca bệnh bị mắt lác do chấn thương, liệt dây thần kinh, bệnh lý khác… vẫn có thể phẫu thuật mổ lác nhưng quá trình điều trị có thể lâu dài và phức tạp hơn.

Phẫu thuật mổ lác là phẫu thuật gây mê, có thể ra về trong ngày, không băng, không bịt mắt, không gây chảy máu. Sau 2 - 3 ngày, người bệnh có thể trở lại bình thường. Một số trường hợp có thể gặp tình trạng song thị (nhìn đôi) nhưng đa số sẽ hết trong vòng 1-3 tháng. 

Bệnh nhân có thể phục hồi và khỏi hoàn toàn sau 6 tuần kể từ thời điểm phẫu thuật. Người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ hướng dẫn cách sử dụng thuốc và chăm sóc mắt. Trường hợp gặp dấu hiệu bất thường, người bệnh cần tái khám ngay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm