Người lưu giữ vườn chè cổ thụ ở vùng đất đỏ bazan

Đ. Nguyên
22/06/2021 - 17:16
Người lưu giữ vườn chè cổ thụ ở vùng đất đỏ bazan
Trên miền đất đỏ bazan trù phú thuộc xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, những vườn chè cổ thụ hàng trăm năm được những người nông dân gìn giữ, phủ xanh một màu bất tận như mạch nguồn của tình người với đất, là niềm tự hào của miền quê xứ Cùa.

Vườn chè trăm tuổi, niềm tự hào của xứ Cùa

Vùng Cùa được ghi lại trong lịch sử bởi dấu tích của thành Tân Sở, cái nôi của phong trào Cần Vương. Trong kháng chiến chống Mỹ, đây là vùng đất gánh chịu những hậu quả nặng nề bởi bom đạn và chất độc da cam. Sau giải phóng, vùng Cùa nhanh chóng hồi sinh. Trên con đường từ trung tâm huyện Cam Lộ về Cùa với chiều dài khoảng 10km được thảm nhựa, qua những ngọn đồi đến bình nguyên đất đỏ ba zan, nhìn những rừng cây xanh mướt ríu rít trong gió mới cảm nhận rõ được sức sống mãnh liệt của vùng đất từng hứng chịu bom đạn của chiến tranh.

Người lưu giữ vườn chè cổ thụ ở vùng đất đỏ bazan - Ảnh 1.

Bà Hoàng Thị Thoại ở thôn Mai Trung, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ bên những cây chè của gia đình

Lọt thỏm giữa đồi núi vây quanh, Cùa trước mắt là những thân chè vững chãi lên nu sần, rêu phong đã nhuốm màu thời gian và tựa như những nhân chứng sống về miền đất lịch sử. Ông Nguyễn Văn Hiếu, một người am tường về vùng đất này, cho hay: Cùa là nơi quần cư của những người dân ở đồng bằng lên khai hoang, làm ăn sinh sống từ hàng trăm năm trước. Theo bước chân khai hoang lập làng của các bậc tiền nhân, cây chè cũng xuất hiện.

Theo chân ông Hiếu, chúng tôi ghé thăm một số vườn chè cổ thụ của Cùa. Rợp dưới những tán lá xanh um đặc trưng của những vườn cây chè cổ thụ, bà Nguyễn Thị Tiến, 80 tuổi ở thôn Mai Trung, xã Cam Chính chống gậy ra thăm vườn chè của gia đình. Tuổi đã cao nhưng khi nhắc đến vườn chè cổ, bà Tiến tỏ ra vui hẳn và móm mém kể: "Vườn chè này ông nội của tôi trồng, lúc lớn lên tôi đã thấy cây chè xanh tốt trước vườn. Tính ra đến giờ vườn chè này cũng đã hơn 100 năm tuổi".

Theo bà Tiến thì trước đây vườn của bà có hơn 100 cây nhưng qua thời gian, nhiều cây già đã mục ruỗng chết dần, một số ít bị chiến tranh tàn phá rồi hư hại do mưa bão nên chỉ còn lại vài chục cây. "Dù từ trước tới nay, cuộc sống của gia đình luôn khó khăn, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc bán đi những cây chè cổ thụ này, mặc dù hiện nay đang có giá khá cao. Cây chè là đặc trưng, cũng là niềm tự hào của người dân xứ Cùa chúng tôi. Tôi muốn để lại vườn chè cổ quý giá cho con cháu sau này", bà Tiến tâm sự.

Người lưu giữ vườn chè cổ thụ ở vùng đất đỏ bazan - Ảnh 2.

Bà Thoại thu hái lá chè từ những cây chè cổ thụ của gia đình

Còn cụ Trương Vĩnh Ký (94 tuổi) ở thôn Trung Chỉ, xã Cam Chính, cho biết: Vườn nhà tôi hiện vẫn còn giữ lại hơn 200 gốc chè, gắn liền với thế hệ ông, cha. Nhờ có vườn chè này mà tôi có thêm nguồn thu nhập hàng ngày để sống lúc về già.

Theo ông Ký, mỗi năm, chè được thu hái và bán 2 lần, giá chè từ 5.000 – 6.000 đồng/kg. Những thương lái từ nhiều vùng khác nhau, tìm về Cùa, tự hái chè để mua. Họ khệ nệ khiêng những chiếc thang dài, gác lên thân chè rồi thi nhau hái hết cây này đến cây khác.

Gần bên nhà bà Tiến, ông Ký, vườn chè cổ thụ khoảng 250 cây có tuổi đời ước khoảng hơn 120 năm của gia đình bà Hoàng Thị Thoại, 71 tuổi đang bước vào thời kỳ thu hái lá. Hầu hết những cây chè đều có chiều cao trung bình từ 5 - hơn 10m, đường kính thân cây có những cây lên tới 30-40 cm. "Chúng tôi thường thu hái, cắt tỉa bớt cành để khống chế chiều cao. Vườn chè này vừa là cây kỷ niệm vừa cho thêm nguồn thu nhập phụ cải thiện cuộc sống cho gia đình".

Lưu giữ cho thế hệ sau

Ở 2 xã Cam Chính, Cam Nghĩa, hiện còn nhiều vườn chè cổ thụ có tuổi đời hơn trăm năm như thế. Các chủ vườn cũng ra sức giữ gìn, chăm sóc như là niềm tự hào về một sản vật đặc trưng của địa phương. Trong những năm gần đây, do nhu cầu sử dụng chè của thị trường ngày một tăng lên, trong đó giá trị của lá chè từ những vườn chè cổ thụ vùng Cùa cũng thu hút khách hàng hơn so với những nơi khác. Chính vì vậy, chè xanh vùng Cùa ngày càng được ưa chuộng hơn.

Người lưu giữ vườn chè cổ thụ ở vùng đất đỏ bazan - Ảnh 3.

Bắc thang để... hái chè

Ngoài ra, theo bà Thoại và nhiều người dân khác cho biết, sở dĩ chè Cùa được ưa chuộng bởi chè ở đây có vị ngọt thơm tự nhiên, nước chè có màu trong xanh, có thể pha đến nước thứ 2, thứ 3 vẫn còn đậm vị. "Chọn chè cũng không được chọn chè quá già hay quá non. Nếu lá chè non nước sẽ nhạt màu, vị không đậm đà, lá già nước không còn vị ngọt chát. Bát nước chè ngon đúng vị là phải lấy nước ở những giếng sỏi không bị váng phèn, nước ở đó không bị đỏ bầm mà sẽ cho màu xanh tươi, thơm vị chè", bà Thoại chia sẻ.

Hiện nay, để giữ gìn và nhân giống chè địa phương, nhiều gia đình ở vùng Cùa cũng tiếp tục chiết cành, gieo hạt để trồng thêm những vườn chè mới. Cứ thế, trên miền đất đỏ bazan trù phú xứ Cùa, những vườn chè cổ thụ được trao truyền qua nhiều thế hệ. Màu xanh "nối dài" thêm với những vườn chè được trồng mới.

Chè với người xứ Cùa không đơn thuần chỉ là một thức uống, một món sinh lợi như bao nơi chốn khác. Với họ, cây chè thân thuộc với bao thế hệ và lưu giữ quá nhiều kỷ niệm.

Người lưu giữ vườn chè cổ thụ ở vùng đất đỏ bazan - Ảnh 4.

Những thân cây chè to lớn của gia đình bà Hoàng Thị Thoại

Ông Nguyễn Thanh Lâm, chủ tịch UBND xã Cam Chính, cho biết: Dù cây chè không nằm trong cơ cấu giống cây trồng chủ lực của xã, nhưng do là cây trồng mang đậm nét văn hóa truyền thống của địa phương, nên đến nay toàn xã vẫn có khoảng hơn 30 hộ trồng chè chuyên canh với mỗi hộ có diện tích trồng chè phổ biến khoảng từ 1.000 – 1.500 m2, trong đó có khoảng 10 hộ dân hiện vẫn giữ được vườn chè cổ thụ. Những năm qua, những cây chè cổ thụ có thân lớn, dáng thế đẹp tại địa phương được nhiều du khách gần xa tìm mua về vừa để trồng là cây cảnh vừa lấy lá uống nên cây chè có giá trị khá cao.

"Tùy vào đường kính thân cây, tuổi đời, dáng thế và sở thích của khách mà mỗi cây có giá từ 3-5 triệu đồng, có những cây đẹp còn có giá cao hơn… Tuy nhiên, việc mua bán cây chè cổ thụ không diễn ra phổ biến và không nhiều gia đình có ý định bán đi loại cây trồng đặc trưng truyền thống này", ông Lâm nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm